MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dồn lực cho tôm xuất khẩu

28-12-2014 - 12:33 PM |

XK tôm năm 2014 đứng vị trí quán quân trong các ngành hàng nông sản với kim ngạch thu về gần 4 tỷ USD. Tuy vậy, việc ngăn chặn dịch bệnh và chủ động về nguồn tôm giống đang là thách thức cho tăng trưởng xuất khẩu mặt hàng này.

Nuôi tôm ở nước ta phát triển nhanh, song một số nơi còn mang tính tự phát trong khi hàng loạt các vấn đề phục vụ sản xuất chưa đáp ứng kịp, đã dẫn đến tôm nuôi thường xuyên bị bệnh. Cho nên để thu được kết quả thì người nuôi phải sử dụng thuốc kháng sinh phòng trị bệnh cho tôm.

Huy động tổng lực ngăn chặn bệnh dịch

Hiện nay, các nước nhập khẩu đã sử dụng hàng rào kỹ thuật về dư lượng kháng sinh trong sản phẩm. Chính vì vậy, muốn sản phẩm tôm xuất khẩu được thì phải thực hiện các biện pháp để vượt qua rào cản này.

Tôm sạch là tôm không nhiễm vi khuẩn gây bệnh và không có dư lượng các hoá chất, thuốc kháng sinh cấm sử dụng. Vì vậy, để có sản phẩm sạch, ngay từ bây giờ cần thực hiện tích cực các biện pháp đồng bộ từ khâu quản lý đến sản xuất nguyên liệu và thu gom, chế biến sản phẩm.

Ông Nguyễn Huy Điền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết hiện nay ngành Thuỷ sản đang tăng cường năng lực kiểm tra cả về lực lượng kỹ thuật và trang bị phương tiện hiện đại, giúp kiểm tra nhanh, chính xác và báo cáo kịp thời về bệnh, diễn biến môi trường, mức nhiễm hoá chất, kháng sinh. 

Nhiều địa phương phát triển mạnh nuôi tôm cũng đã chủ động phối hợp với các trường đào tạo, viện nghiên cứu, trung tâm kiểm tra chất lượng vệ sinh thuỷ sản tổ chức tập huấn kỹ thuật kiểm tra bệnh, kỹ thuật kiểm nghiệm dư lượng hoá chất, kháng sinh bằng thiết bị tiên tiến cho cán bộ chuyên môn của các địa phương.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết, năm 2012 khi dịch bệnh gan tụy trên tôm xuất hiện đã khiến toàn bộ ngành tôm trên thế giới lao đao. Chỉ tính riêng tỉnh Bạc Liêu thiệt hại do dịch bệnh này trên tôm đã lên tới 4.000 tỷ đồng.

Bộ NN&PTNT đã huy động tổng lực, kể cả chuyên gia nước ngoài và trong nước để tìm ra nguyên nhân bệnh vào năm 2013. Vào thời điểm này, khi nhiều nước nuôi tôm đứng top đầu thế giới vẫn loay hoay đối phó với tình hình dịch bệnh thì Việt Nam đã xử lý được bệnh gan tụy để đảm bảo sản xuất.

Cũng chính vì tình hình chung như vậy, nhiều cơ sở nuôi tôm đã nhanh nhạy mở rộng sản xuất vào thời điểm này, và quy luật khi “cầu cao, cung hạn chế” đã giúp những người nuôi tôm được mùa, được giá.

Chỉ tính đến trung tuần tháng 11/2014 mặt hàng tôm đã đạt tốc độ tăng trưởng tới 32,9% (so với cùng kỳ 2013), đạt giá trị 3,51 tỷ USD, chiếm trên 50% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản đến nửa đầu tháng 11 năm 2014.

Chủ động 100% tôm giống

Mối lo lớn hiện nay là khi xuất khẩu tôm của Việt Nam đã đứng hàng đầu thế giới thì việc chủ động nguồn cung tôm giống đến đâu.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Huy Điền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết đến thời điểm này, Việt Nam đã đáp ứng 100% nhu cầu tôm giống cho thị trường.

Cụ thể hơn, năm 2013, chúng ta đã sản xuất được 75 tỷ con tôm thẻ chân trắng bố mẹ, và đến năm nay đã tăng lên được hơn 100 tỷ con. Nguồn tôm sú bố mẹ cũng vẫn phụ thuộc nhiều vào tự nhiên, nhưng ông Điền cũng cho biết sắp tới, Bộ NN&PTNT chủ trương sẽ thành lập ban chỉ đạo về sản xuất tôm bố mẹ để ngành hàng tôm có sơ sở phát triển bền vững và hiệu quả.

Việc chủ động sản xuất giống tại chỗ để tạo con giống khoẻ, thích nghi với điều kiện môi trường ở địa phương, hạn chế được dịch bệnh lan truyền. Bên cạnh đó, việc duy trì thả giống ra tự nhiên để tái tạo nguồn lợi và tạo nguồn tôm bố mẹ tự nhiên phục vụ cho sản xuất giống tại chỗ.

Bộ NN&PTNT cũng sẽ đẩy mạnh nghiên cứu hoá chất, thuốc kháng sinh thay thế các thuốc cấm, xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật nuôi tôm sạch, tiêu chuẩn vùng nuôi tôm sạch tập trung, để hạn chế dịch bệnh và chỉ sử dụng những hoá chất, thuốc kháng sinh trong danh mục được phép sử dụng, phòng trị bệnh cho tôm.

Cùng với việc sản xuất tôm giống, Tổng cục Thủy sản cũng khuyến khích các địa phương chọn đối tượng mới có giá trị xuất khẩu cao và có những đặc tính ưu việt, khả năng kháng bệnh cao, chịu được môi trường khắc nghiệt, để có thể thay thế một phần cho tôm sú. Nghiên cứu công nghệ sau thu hoạch không dùng hoá chất, kháng sinh cấm sử dụng, để bảo quản sản phẩm.

Thực hiện các biện pháp quản lý đồng bộ từ khâu sản xuất giống, môi trường, công nghệ nuôi, bảo quản chế biến, coi trọng quản lý cộng đồng kết hợp với việc gắn quyền lợi, trách nhiệm của chính người sản xuất đối với sản phẩm của mình…

Có như vậy, mới có thể tạo được sản phẩm sạch đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, để nâng cao uy tín chất lượng hàng thuỷ sản Việt Nam trên thị trường thế giới, đảm bảo cho nuôi trồng thuỷ sản nói chung, nuôi tôm nói riêng thật sự phát triển ổn định và bền vững.


>>> Xuất khẩu thủy sản trong năm mới sẽ gặp nhiều khó khăn

Theo Đỗ Hương

thamht

chinhphu.vn

Trở lên trên