Được mùa cam sành Hàm Yên, người trồng thu nhập cả tỷ đồng
Huyện Hàm Yên (Tuyên Quang) có gần 4.900ha trồng cam, trong đó có 3.100ha đang cho thu hoạch, với tổng sản lượng dự kiến đạt khoảng hơn 43.000 tấn quả, cao hơn năm 2014 khoảng 2000 tấn.
- 27-10-2015Nhà vườn miền Tây đua nhau trồng cam sành
- 15-04-2014Cam sành lãi trên 1 tỷ/ha
- 11-03-2014Khan hàng, giá cam sành Hậu Giang tăng cao kỷ lục
Người trồng cam tại Hàm Yên đang rất phấn khởi vì giá cam bán tại vườn đang giao động từ 8.400-10.000 đồng/kg tùy loại, cao hơn từ 1.200-2.500 đồng/kg so với cùng thời điểm năm ngoái.
Những ngày này tại xã Phù Lưu, huyện Hàm Yên-trung tâm trồng cam sành của huyện Hàm Yên rất tấp nập bởi mỗi ngày có rất nhiều xe tải lớn, nhỏ đến thu mua cam, cùng với hàng trăm người ở các địa phương đến vận chuyển cam cho các chủ vườn.
Gia đình ông Mai Văn Trấn, thôn Nậm Nương, xã Phù Lưu năm nay có trên 1.500 gốc cam, dự kiến sản lượng đạt khoảng 170 tấn, tăng hơn 30 tấn so với năm 2014.
Sau khi bán hết cam, gia đình ông dự kiến có thể thu về 1,4-1,6 tỷ đồng, trừ hết chi phí thu lãi từ 1-1,3 tỷ đồng.
Ông Trấn cho biết, sản lượng cam năm 2014 của gia đình đạt khoảng 140 tấn, đến hết vụ gia đình thu về 1,2 tỷ đồng, trừ hết chi phí thu lãi khoảng 800 triệu đồng.
Năm nay, cam được mùa, sản lượng tăng cùng với giá cam cao hơn nên thu nhập của gia đình cũng tăng lên nhiều so với trước.
Theo ông Trấn, sản lượng và giá trị của cam sành Hàm Yên năm sau cao hơn năm trước là do chính quyền địa phương rất quan tâm, thường xuyên mở các lớp tập huấn cho người dân ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, thâm canh tạo ra sản phẩm cam sành năng suất cao, chất lượng tốt, quả ít hạt, mẫu mã đẹp, chống chịu tốt với sâu bệnh.
Bên cạnh đó, huyện Hàm Yên cũng rất chú trọng đến việc xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường, giúp nông dân trồng cam ngày càng có thêm thu nhập.
Cũng như gia đình ông Mai Văn Trấn, gia đình ông Đỗ Viết Cường, thôn Nậm Nương, xã Phù Lưu có gần 1.000 cây cam đang cho thu hoạch.
Năm nay, gia đình ông Cường dự kiến thu hoạch được trên dưới 100 tấn quả, thu về từ 800 triệu đến 1 tỷ đồng sau khi bán hết cam.
Ông Cường cho biết, với hiệu quả kinh tế do cây cam sành mang lại như hiện nay, thời gian tới gia đình tiếp tục đầu tư, mở rộng diện tích trồng cam, đưa giống cam mới sản lượng cao, chất lượng tốt vào trồng thay thế những cây cam lâu năm đã già cỗi.
Thương hiệu cam sành Hàm Yên được đăng ký nhãn hiệu từ năm 2007. Từ đó đến nay, cam sành Hàm Yên đã đạt nhiều giải thưởng về nhãn hiệu thương mại.
Năm 2013, cam sành Hàm Yên đã lọt vào Top 10 thương hiệu, nhãn hiệu nổi tiếng bậc nhất Việt Nam.
Năm 2105, cam sành Hàm Yên được Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam chứng nhận “Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam năm 2015.”
Nhờ trồng cam mà nhiều hộ ở Hàm Yên không những thoát nghèo mà vươn lên trở thành hộ khá, giàu.
Ông Nông Huy Tùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Hàm Yên cho biết, để nâng cao hơn nữa sản lượng cũng như chất lượng của cam sành Hàm Yên, huyện Hàm Yên đã hoàn thành xây dựng Đề án phát triển vùng sản xuất cam sành trên địa bàn.
Trong thời gian tới, huyện tiếp tục thực hiện hỗ trợ lãi suất vốn vay thâm canh cây cam sành, mở rộng diện tích cho người dân; cấp chứng nhận sản xuất cam sành theo tiêu chuẩn VietGAP cho các trang trại, tổ hợp tác.
Bên cạnh đó, huyện tăng cường xúc tiến thương mại và quản lý chất lượng sản phẩm; tích cực huy động, lồng ghép có hiệu quả các nguồn vốn từ các chương trình, dự án tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội nông thôn, vùng sản xuất cam; đẩy mạnh liên kết “4 nhà,” mở rộng việc liên kết sản xuất, tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm cho nông dân./.
Vietnam+