Gạo ồ ạt chảy sang biên giới
Doanh nghiệp xuất khẩu gạo chính ngạch ủng hộ việc tăng xuất khẩu bằng đường tiểu ngạch.
Các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu gạo cho biết hiện nay giá gạo nội địa lẫn xuất khẩu của Việt Nam đã tăng, có nhà xuất khẩu chào mua nhưng đáng tiếc Việt Nam lại đang rơi vào nghịch cảnh hết gạo để bán. Nguyên nhân là do nguồn gạo xuất qua đường tiểu ngạch qua biên giới đã làm cạn nguồn gạo dự trữ cho xuất khẩu.
Chính ngạch hết gạo
Từ đầu tháng 10 đến nay, cảng Mỹ Thới (An Giang) nhộn nhịp với nhiều thuyền lớn chở hàng trăm ngàn tấn gạo xuất bằng con đường tiểu ngạch sang Trung Quốc. Ông Nguyễn Thanh Long, Giám đốc Công ty Gạo Việt, cho biết lượng gạo xuất khẩu qua Trung Quốc từ cảng này không dưới 500.000 tấn chỉ trong hơn một tháng qua. Từ đầu năm đến nay, Việt Nam xuất khẩu hơn 1,6 triệu tấn gạo sang Trung Quốc nhưng ở cửa tiểu ngạch lượng gạo xuất sang nước này cũng lên đến 1,2 triệu tấn. Ngoài ra, gạo xuất tiểu ngạch sang Campuchia qua các cửa khẩu biên giới Tịnh Biên (An Giang), Thường Phước (Đồng Nai) cũng có dấu hiệu tăng.
“Tiểu ngạch đã hút được nhiều gạo như vậy là nhờ thu mua gạo từ nông dân với giácao. Trong khi các DN xuất khẩu chính ngạch mua gạo trắng hạt dài với giá 7.800 đồng/kg thì các thương lái và DN xuất tiểu ngạch mua giá cao hơn 600-700 đồng/kg với giá 8.400-8.500 đồng/kg. Hơn nữa, loại gạo xuất qua tiểu ngạch là gạo hạt dài, là nguyên liệu chủ yếu làm gạo xuất khẩu 5% tấm, đã làm khó DN xuất chính ngạch không có đủ gạo. Hiện nay các DN xuất khẩu gạo Việt Nam chỉ còn trữ trong kho vài trăm ngàn tấn, có thể nói đã hết gạo để xuất khẩu chính ngạch với số lượng lớn” - ông Long chia sẻ.
Chính vì vậy, xuất khẩu chính ngạch đang rất ảm đạm, theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), sản lượng gạo xuất khẩu từ đầu năm đến nay đạt hơn 5,4 triệu tấn, giảm 13% về sản lượng, 17% về giá trị so với cùng kỳ năm 2012. Ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA phải thừa nhận, chỉ tiêu xuất khẩu năm 2013 sẽ thấp hơn năm 2012. Dự báo từ nay đến cuối năm không thiếu hợp đồng xuất khẩu chính ngạch nhưng Việt Nam không còn gạo do lượng xuất khẩu tiểu ngạch qua Trung Quốc hiện rất lớn.
Ẩn chứa nhiều nguy cơ
Mặc dù xuất khẩu tiểu ngạch đã làm chính ngạch “dẫm chân tại chỗ” nhưng đa số các DN xuất khẩu gạo nước ta vẫn có ý kiến ủng hộ con đường bán gạo này. Ông Nguyễn Thanh Long, Giám đốc Công ty Gạo Việt, cho biết xuất gạo tiểu ngạch sẽ có hai mặt tích cực và tiêu cực. Tiêu cực là làm ảnh hưởng đến chính ngạch, DN nếu mua giá nguyên liệu cao thì xuất khẩu sẽ bị lỗ. Tích cực là giúp bà con nông dân bán được giá cao có lợi nhuận, tiêu thụ hết lúa hàng hóa trong nước. Và nếu có lợi cho nông dân nhiều hơn thì hãy để cho tiểu ngạch bán gạo.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng, cho rằng tiểu ngạch tăng chứng tỏ đầu ra vẫn tốt, kéo giá nội địa lẫn xuất khẩu tăng theo.Tuy nhiên, theo ông Đôn, xuất khẩu tiểu ngạch vẫn đầy những mối lo ngại như phía Trung Quốc có thể hủy hợp đồng. Thứ hai, chất lượng gạo xuất sẽ giảm sút và khó kiểm soát. Hiện nay đã có một số trường hợp DN xuất tiểu ngạch đồng ý trộn gạo cấp cao với cấp thấp theo yêu cầu của nhà nhập khẩu phía Trung Quốc. Vì vậy, vẫn phải kiểm soát xuất khẩu gạo tiểu ngạch.
Ông Nguyễn Thanh Long, Giám đốc Công ty Gạo Việt, cho biết thêm hiện có khoảng 34 DN xuất khẩu gạo qua con đường tiểu ngạch, lượng gạo xuất qua con đường này không thể thống kê được. DN ký khống số lượng xuất khẩu để hưởng hoàn thuế VAT 5%. Thực trạng này rất dễ dẫn đến tình trạng gian lận hoàn thuế VATgây thất thu thuế của Nhà nước, khó khăn cho DN xuất khẩu chân chính.
Cẩn thận “bẫy giá” nhà đầu cơ Một chuyên gia trong lĩnh vực lúa gạo cho biết cần cẩn thận sập bẫy của nhà đầu cơ, cụ thể là những nhà nhập khẩu nước ngoài. Thông tin sản lượng gạo xuất qua đường tiểu ngạch nào, DN nào hiệp hội thống kê nhưng không hề có căn cứ nào rõ ràng thuyết phục. Nhà nhập khẩu nước ngoài qua một thời gian tung những thông tin cung nhiều cầu ít, rồi hỏi mua, ép giá làm giá gạo xuất khẩu giảm vào đầu và giữa năm. Đây là thời điểm họ lại tung thông tin nhu cầu tăng hoặc tạo ra những lời chào mua tiểu ngạch để đẩy giá gạo thế giới lên cao và họ bán ra kiếm lợi nhuận. |
Theo Quang Huy