Gạo “tiểu ngạch” ồ ạt chảy sang Trung Quốc
Giá gạo ở cửa khẩu gần 9.000 đồng/kg và thương lái Trung Quốc không yêu cầu gì về chất lượng, độ ẩm...
- 17-10-2013Gạo: Mất trắng thị trường truyền thống
- 15-10-2013Xuất khẩu gạo phấn khởi, chăn nuôi lo âu
Ngày 17.10, Bộ Công thương đã tổ chức họp giao ban quý 3/2013 để giải quyết tình trạng suy giảm xuất khẩu của nhiều mặt hàng chủ lực.
Tại hội nghị, ông Trương Thanh Phong - Chủ tịch Hiệp hội Lương thực VN (VFA), cho biết: “Tính chung từ đầu năm đến nay lượng xuất khẩu (XK) gạo giảm 13%, giá trị giảm 17%. Đó là mức giảm mạnh so với các năm trước… Tình hình thế giới thừa gạo rất nhiều, giá bán ở các nước XK đều giảm, nhất là tại Thái Lan. Gạo VN vì thế cũng phải giảm giá thấp hơn Thái Lan mới bán được”.
Chính ngạch bế tắc, tiểu ngạch ồ ạt
Một diễn biến khá bất thường mà ông Phong đặc biệt lưu ý, là mặc dù XK gạo chính ngạch đang bế tắc nhưng gạo lại ồ ạt XK tiểu ngạch sang Trung Quốc. Theo tính toán chưa đầy đủ, từ đầu năm đến nay VN đã XK tiểu ngạch sang Trung Quốc hơn 1,2 triệu tấn. Cho đến hiện tại, cửa khẩu Lào Cai vẫn đang nhộn nhịp đưa gạo sang Trung Quốc với sản lượng 8.000 - 10.000 tấn/ngày. Hiện nay ở Lào Cai có 30 doanh nghiệp (DN) không có giấy phép XK đang mua bán gạo qua biên giới phía bắc. Giá gạo ở cửa khẩu gần 9.000 đồng/kg và thương lái Trung Quốc không yêu cầu gì về chất lượng, độ ẩm...
Đáng nói là có nhiều trường hợp ký hợp đồng ủy thác với một số DN trong nước, có thực hiện đăng ký XK với hiệp hội, nhưng không thấy chuyển hàng lên tàu, không thấy xuất đi. Ông Phong cảnh báo: “Tôi đã nhắc nhở các thành viên hiệp hội không được nhận ủy thác, không được làm những việc này, bởi có thể sẽ tiếp tay cho việc xuất khống, gian lận tiền hoàn thuế VAT. Tiêu thụ được lúa gạo cho dân là điều tốt, nhưng Bộ Công thương cần phải quản lý được để hạn chế những tác động tiêu cực”.
Đối với diễn biến bất thường này, ông Trần Tuấn Anh - Thứ trưởng Bộ Công thương, khẳng định: “Hiện tượng XK tiểu ngạch sang Trung Quốc đang tăng cao với số lượng lớn như vậy sẽ gây những tác động tiêu cực nhiều mặt trong khi chúng ta đang tăng cường xuất nhập khẩu chính ngạch với Trung Quốc. Việc xuất lậu sẽ ảnh hưởng đến mặt bằng giá cả trong nước, ảnh hưởng đến việc xây dựng thương hiệu nông sản… Bộ sẽ chỉ đạo cho các cơ quan quản lý cùng địa phương để có biện pháp chấn chỉnh kịp thời”.
Dệt may, da giày lo mất cơ hội
Đại diện các Hiệp hội Dệt may VN cho biết XK dệt may sang các thị trường chính như Mỹ, EU, Nhật Bản và Hàn Quốc tăng trưởng mạnh trong những tháng gần đây, trong đó XK sang Nhật Bản có mức tăng trưởng cao. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN da giày cũng bắt đầu nhộn nhịp từ quý 2/2013 do các nhà nhập khẩu sản phẩm da giày nổi tiếng trên thị trường thế giới đang có kế hoạch chuyển đổi các đơn đặt hàng của họ từ Trung Quốc sang VN để tận dụng lợi thế về thuế khi VN chính thức được hưởng ưu đãi thuế quan phổ cập GSP (thuế suất hạ từ 13 - 14% xuống còn 3 - 4%) với tất cả các mặt hàng nhập khẩu vào thị trường EU từ ngày 1.1.2014.
Tuy nhiên, các DN XK trong nước lại gặp khó khăn trong việc tìm kiếm và nhập khẩu nguyên phụ liệu ngành may do có sự tranh mua nguyên liệu từ các quốc gia chuyên gia công hàng may mặc xuất khẩu. Các nhà cung cấp lợi dụng việc khan hiếm nguồn nguyên phụ liệu để cố tình trì hoãn việc giao hàng nhằm đẩy giá tăng lên từ 10 - 15%. Điều này đã ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện những đơn hàng xuất khẩu đã ký kết trước đó của các DN trong nước.
Vì vậy, các DN kiến nghị Chính phủ cần có cơ chế chính sách hỗ trợ đặc biệt để tăng cường công nghiệp phụ trợ, kết nối chuỗi dệt - nhuộm - thiết kế thời trang, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm dệt may VN, chuyển dần từ hình thức gia công sang làm hàng FOB (mua nguyên liệu, bán thành phẩm) và ODM (tự thiết kế, sản xuất và bán sản phẩm) để tận dụng cơ hội hiện nay.
Theo Quang Thuần