Gia cầm nội vẫn ế ẩm dù “vắng bóng” gà lậu
Lẽ ra, gà lậu bị “dẹp” là cơ hội cho người nông dân có thể tăng thêm sức tiêu thụ sản phẩm, nhưng ngược lại, tình trạng ế ẩm vẫn đang khiến họ lao đao.
Theo cơ quan quản lý Nhà nước, từ đầu năm đến nay, tình trạng kinh doanh, vận chuyển gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép đã cơ bản được ngăn chặn, đẩy lùi. Đây là những tín hiệu tích cực để người tiêu dùng không còn lo ngại mua phải gà thải loại và người nông dân tăng mức tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, thực tế này không hoàn toàn sáng sủa, vì tình trạng bỏ chuồng do không tiêu thụ được gia cầm vẫn đang tiếp tục diễn ra.
Trong cuộc làm việc với các bộ, ngành liên quan về tình hình kiểm soát nhập lậu gia cầm do Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Trưởng Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về An toàn thực phẩm chủ trì, đánh giá chung từ khi triển khai Đề án 2088 về chống buôn bán gia cầm nhập lậu đến nay, với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ qua 27 văn bản pháp luật, đã góp phần vào thành công của Đề án 2088.
Dư luận xã hội và quần chúng nhân dân tin tưởng, đồng tình với chủ trương và biện pháp chỉ đạo điều hành của Chính phủ. Việc phát triển sản xuất chăn nuôi gia cầm tại nhiều địa phương như Yên Thế (Bắc Giang) đã góp phần quan trọng cho việc ngăn chặn, vận chuyển, kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép, đồng thời cung ứng cho thị trường nội địa gia cầm, sản phẩm gia cầm đảm bảo an toàn thực phẩm.
Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật của các cấp chính quyền cơ sở, lực lượng chức năng trên địa bàn đối với nhân dân đã được thực hiện, tổ chức ký cam kết với nhân dân, nhất là cư dân khu vực biên giới không tham gia vận chuyển gia cầm.
Tuy nhiên, do lợi nhuận cao nên tình trạng vận chuyển, kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép vẫn tiếp tục xảy ra ở một số địa phương, trong từng thời điểm còn diễn biến phức tạp, đặc biệt là trứng, con giống và gia cầm giết mổ sẵn. Các đối tượng buôn bán gia cầm nhập lậu còn sử dụng phụ nữ, trẻ em, đối tượng nghiện hút tham gia vận chuyển gia cầm nhập lậu ở các khu vực biên giới. Manh động hơn, các đối tượng buôn bán gia cầm nhập lậu còn sẵn sàng chống trả người thi hành công vụ vì lợi nhuận rất cao, chỉ xếp sau ma túy.
Qua 9 tháng triển khai thực hiện Đề án 2088, các lực lượng chức năng đã kiểm tra, xử lý 1.691 vụ, phạt hành chính 2 tỷ 830 triệu đồng, tịch thu 54 tấn gà lông, 200 tấn gà thịt, 2,8 triệu quả trứng, 9.729kg phụ phẩm gia cầm (chân, cổ, cánh), 1,587.313 con gà giống, 8.470kg và 34.797 con vịt con… Đặc biệt TP. Hà Nội đã tịch thu 1 xe tải tham gia vận chuyển gia cầm nhập lậu, tỉnh Quảng Ninh đã tạm giữ 55 ôtô (trong đó có 7 container), 55 môtô, xe máy, 2 xuồng cao tốc, 3 tàu vỏ gỗ, 5 đò sắt của các đối tượng sử dụng vận chuyển gia cầm nhập lậu, qua đó điều tra, làm rõ để xử lý theo quy định pháp luật.
Với những kết quả trên, thị trường đã gần như vắng bóng gia cầm nhập lậu. Kết quả cuộc chiến chống gia cầm lậu thành công, đã giúp người tiêu dùng gỡ bỏ được nỗi ám ảnh phải sử dụng thực phẩm bẩn, tiềm ẩn những nguy cơ gây hại cho sức khỏe. Tuy nhiên, lẽ ra, gà lậu bị “dẹp” là cơ hội cho người nông dân có thể tăng thêm sức tiêu thụ sản phẩm, nhưng ngược lại, tình trạng ế ẩm vẫn đang khiến họ lao đao. Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Lừng, chủ một trang trại chăn nuôi gà ở xã Ngọc Hòa, huyện Chương Mỹ cho biết, so với năm ngoái, năm nay sức tiêu thụ giảm mạnh.
Để cắt lỗ, ông và nhiều chủ trang trại khác đã bỏ trống một nửa số chuồng trong trang trại vì không có đầu ra. Tuy nhiên, đến thời điểm này, còn 2.000 con gà ta đã đến lúc xuất chuồng vẫn không thể bán được, dù ông Lừng đã chấp nhận chịu lỗ. “Chi phí nuôi một con gà đến lúc xuất chuồng là 55.000 - 60.000 đồng/kg hơi. Nhưng tôi không bán nổi với giá 50.000 đồng/kg. Mà tiếp tục nuôi tôi càng lỗ. Giờ chúng tôi rất lo lắng, không biết phải xử lý thế nào”. Không chỉ không có đầu ra, giá thức ăn chăn nuôi từ đầu năm đến nay đã tăng 3 - 4 đợt, cũng khiến người nông dân không còn có lãi.
Theo ông Lừng, kinh tế khó khăn khiến sức mua của người dân giảm là nguyên nhân chính, khiến ông cũng như nhiều người nông dân khác không thể bán được gà. Với thực trạng này, nông dân nhiều nơi đang không muốn đầu tư chăn nuôi để phục vụ Tết Nguyên đán, vì không ước lượng được nhu cầu và càng nuôi càng lỗ.
Đề án chống gia cầm nhập lậu đã thành công. Tuy nhiên, có lẽ, các ngành chức năng cần vào cuộc để giúp đỡ người nông dân tiêu thụ được sản phẩm sạch, đảm bảo an toàn. Nếu không nhận được sự hỗ trợ này, dù thị trường có vắng bóng gia cầm lậu, thì người chăn nuôi vẫn khốn đốn.
Theo Nhóm PVKTXH