Giao thu mua tạm trữ lúa gạo về địa phương: Khó giai đoạn chuyển giao
Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đang trình Chính phủ phương án giao lại các địa phương thực hiện việc thu mua tạm trữ lúa gạo từ vụ tới.
Trong cuộc họp bàn về xuất khẩu gạo vào ngày 3/5 vừa qua, VFA đã kiến nghị Chính phủ giao việc thu mua tạm trữ lúa gạo về các địa phương. Về vấn đề này, theo Sở Công thương An Giang phần nào sẽ giúp địa phương chủ động hơn trong công tác thu mua tạm trữ.
Bà Mai Thị Ánh Tuyết, Giám đốc Sở Công thương An Giang cho biết: “Đó cũng là một phương thức để giúp sự chủ động của địa phương, căn cứ vào sản lượng và năng lực của doanh nghiệp đẻ UBND phân bổ trực tiếp cho các doanh nghiệp chủ động trong thời điểm mua tạm trữ.”.
Vấn đề khó khăn là hiện tại lượng lúa Đông Xuân thu mua tạm trữ tồn kho rất lớn. Chẳng hạn An Giang được VFA giao chỉ tiêu thu mua tạm trữ 128.000 tấn quy gạo, đến nay lượng gạo vẫn còn trong các doanh nghiệp hơn 50%.
Vấn đề đặt ra là hiện nay VFA phân bổ chỉ tiêu thu mua tạm trữ thì đơn vị này sẽ chịu trách nhiệm xúc tiến thương mại, tìm thị trường, nếu kí được hợp đồng xuất khẩu sẽ phân bổ cho các doanh nghiệp tạm trữ. Nếu việc thu mua tạm trữ giao về các địa phương thì công việc tìm đầu ra sẽ do các doanh nghiệp tự lo. Điều này có nguy cơ đẩy lượng gạo tồn kho tăng cao vì khả năng xúc tiến thương mại của nhiều doanh nghiệp còn khá hạn chế.
Bà Mai Thị Ánh Tuyết cho biết thêm: “Giao về địa phương sự phối hợp giữa VFA và tỉnh phải rõ hơn. Phải có sự hỗ trợ tác động đầu ra, các thị trường xuất khẩu. Về vấn đề này cần có phân định trách nhiệm cũng như phối hợp rõ ràng giữa 2 bên để giúp địa phương xuất khẩu ngoài vấn đề tạm trữ”.
Ý kiến trên của Sở Công thương An Giang cũng nhận được sự đồng thuận từ các doanh nghiệp. Ông Phạm Vĩnh Thảo, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần lương thực Phú Vĩnh nói: “Đề nghị Chính phủ có hướng cho doanh nghiệp bán trực tiếp ra nước ngoài và có kho tạm trữ ở nước ngoài thì sẽ hay hơn”.
Chính sách thu mua tạm trữ lúa gạo của Chính phủ có ý nghĩa quan trọng giúp nông dân đảm bảo lợi nhuận, giải quyết lượng lúa hàng hóa tồn đọng khi bà con bước vào thu hoạch rộ. Thế nhưng hiện nay chương trình này vẫn tồn tại nhiều hạn chế. Cụ thể, tỷ lệ thu mua tạm trữ quá ít so với lượng lúa nông dân sản xuất. Chẳng hạn vụ đông xuân 2012 - 2013, sản lượng lúa của ĐBSCL ước đạt gần 11 triệu tấn, trong khi khối lượng tạm trữ cả nước chỉ 1 triệu tấn quy gạo.
Vì thế, phương án giao việc thu mua tạm trữ về các địa phương sẽ giúp giải quyết tốt hơn bài toán sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu gạo. Tuy nhiên, để làm được điều này, cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa VFA với chính quyền địa phương và doanh nghiệp.