MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hoa Đà Lạt: Mục tiêu 30% xuất khẩu có khả thi?

16-01-2016 - 10:16 AM |

Diện tích hoa của Đà Lạt, Lâm Đồng lên tới 7.600 ha với sản lượng trên 2,3 tỷ cành mỗi năm nhưng lượng hoa xuất khẩu năm 2015 chỉ chiếm 10% (trị giá 26 triệu USD), chưa tương xứng với tiềm năng của vùng đất đỏ bazan màu mỡ, khí hậu mát lành hiếm nơi nào có được.

Theo TS Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, để hoa Đà Lạt vươn ra thế giới, đạt mục tiêu xuất khẩu 30% sản lượng vào năm 2020 thì phải thay đổi triệt để từ chiến lược đầu tư, kỹ thuật canh tác cho tới tư duy của nông dân và doanh nghiệp. Ông Phạm S cho biết Nhật Bản đang tích cực hỗ trợ cải thiện môi trường đầu tư trong nông nghiệp, tăng cường hợp tác phát triển thế mạnh rau và hoa ở Lâm Đồng.

Học cách làm của người Nhật

Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Bộ NN&PTNT, chính quyền Lâm Đồng và những đối tác thuộc khu vực tư nhân đang tích cực hợp tác xây dựng chuỗi giá trị thực phẩm từ sản xuất nông nghiệp đến chế biến, tiêu thụ. Hơn một năm qua, JICA đã khảo sát tiềm năng, các yếu tố cản trở cũng như xác định mô hình phát triển kinh doanh nông nghiệp ở Lâm Đồng. Qua đó cho thấy thu nhập của nông dân Lâm Đồng chỉ bằng 1/9 so với nông dân Malaysia. Tuy nhiên khi doanh nghiệp Nhật đầu tư vào Việt Nam, nông dân sẽ có cơ hội lớn. Nếu chuyển đổi diện tích cây trồng khác sang hợp tác trồng hoa, thu nhập của nông dân sẽ tăng 9 lần.

Về kinh nghiệm sản xuất hoa giá trị cao của Nhật, ông Ryoji Kato, đại diện Tập đoàn bán sỉ hoa OTA nói, giá hoa ở Nhật được công ty bán đấu giá cập nhật hàng ngày; thông tin về sản lượng và nhu cầu thị trường cũng được công khai, minh bạch. Dựa vào đó, nông dân có thể tính toán để lên kế hoạch sản xuất phù hợp, điều hòa giữa cung và cầu; giá cả cũng ổn định nên đạt lợi nhuận cao, không xảy ra tình trạng hoa rớt giá như ở Việt Nam do nguồn cung quá lớn so với cầu.

“Được sự hỗ trợ của JICA, Đà Lạt đang xúc tiến việc xây dựng Trung tâm giao dịch hoa theo mô hình của OTA để đưa hoa lên sàn giao dịch. Đây là đầu mối thu mua hoa tập trung rồi phân phối cho thị trường trong và ngoài nước. Tôi tin rằng việc định giá hoa minh bạch và công bằng sẽ là động lực để nông dân sản xuất hoa chất lượng”, ông Phạm S nói.

Ông Ryoji Kato giải thích thêm: Khi đưa sản phẩm hoa lên sàn giao dịch điện tử, tất cả các yêu cầu của bên mua và bên bán được minh bạch. Bạn phải đảm bảo chất lượng hoa đến tay người tiêu dùng đúng như những gì đăng ký. Yêu cầu đó sẽ buộc nông dân và doanh nghiệp chủ động cải thiện các khâu bảo quản sau thu hoạch và vận chuyển để bảo vệ thương hiệu của mình. Hoa Đà Lạt sẽ hướng đến sản xuất theo nhu cầu cập nhật hàng ngày của thị trường trong và ngoài nước. Thông qua sàn giao dịch có thể mở rộng thị trường tiêu thụ để kết nối với bạn hàng quốc tế. Người sản xuất chủ động tìm kiếm bạn hàng, thỏa thuận giá bán và ký hợp đồng trực tiếp với người mua để có kế hoạch sản xuất, kinh doanh hiệu quả.

Ông Sudo, Trưởng nhóm tư vấn TEDI nhận định hiện điểm nghẽn của nông nghiệp Lâm Đồng là cơ sở hạ tầng còn thấp do thiếu vốn. TEDI đang thu thập thông tin trên cơ sở đó thay đổi phương thức sản xuất và đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, đặc biệt trong lĩnh vực áp dụng công nghệ sau thu hoạch.

Chú trọng khâu liên kết

Trong quá trình khảo sát, nhiều doanh nghiệp nước ngoài đánh giá Đà Lạt có điều kiện khí hậu và đất đai rất thích hợp để phát triển quanh năm các loại hoa ôn đới, á nhiệt đới với chất lượng khác biệt so với nhiều nơi khác về màu sắc, độ dày và độ tươi lâu. Thế nhưng họ đành tìm kiếm nơi cung cấp khác vì Đà Lạt không thể đáp ứng đơn hàng lớn. Quy mô sản xuất của đa số người trồng hoa Đà Lạt còn manh mún, nhỏ lẻ. Những mảnh vườn đơn lẻ với kỹ thuật canh tác khác biệt, mức đầu tư chênh lệch không thể cho ra sản phẩm đồng đều về chất lượng. Nông dân Đà Lạt phải liên kết với nhau và liên kết với các doanh nghiệp có tiềm năng để nâng cao sản lượng, đảm bảo chất lượng hoa mới mong tìm được hợp đồng xuất khẩu lớn.

Chủ tịch UBND thành phố Đà Lạt Võ Ngọc Hiệp thừa nhận diện tích hoa tăng nhưng thị trường tiêu thụ chưa được mở rộng. Cơ quan nhà nước chưa làm tốt chức năng dự báo, định hướng thị trường; phần lớn hộ nông dân vẫn sản xuất theo thói quen, diện tích manh mún, chậm chuyển đổi công nghệ kỹ thuật mới nên giá trị nhiều sản phẩm hoa còn thấp.

“Lâm Đồng là nơi sản xuất hoa lớn nhất nước nhưng cũng cần có chính sách liên kết vùng để tìm kiếm lợi thế cạnh tranh tốt nhất. Chẳng hạn với các loài hoa ôn đới, cần liên kết với Hà Nội và các tỉnh phía Bắc để tránh trồng nhiều những loài hoa có thể phát triển được vào mùa đông như ly chẳng hạn. Liên kết vùng, trao đổi thông tin, định hướng sản xuất thích hợp, chúng ta sẽ tránh được cảnh cạnh tranh trong chính nội bộ, dồn sức để phát triển theo hướng xuất khẩu”, TS Phan Huy Thông, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia nói.

 

Hoạt động xuất khẩu hoa của Đà Lạt chỉ tập trung ở một vài doanh nghiệp lớn như Dalat Hasfarm, Rừng hoa Đà Lạt, Bonnie Farm, Appolo… Trong khi phần lớn doanh nghiệp và nông dân vẫn loay hoay với thị trường nội địa, chưa thể tạo ra chuỗi sản phẩm chất lượng cao.

 

 

Theo Kim Anh

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên