Indonesia sẽ ngày càng phụ thuộc vào nông sản nhập khẩu
Indonesia sẽ không đạt được mục tiêu đầy tham vọng là tự cung tự cấp đậu tương vào năm tới do thiếu đất trồng trọt, và sẽ còn phải phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu các loại thực phẩm có thể thay thế cho thịt.
- 22-05-2013Cơ hội lớn cho ngành lúa gạo Đông Nam Á
- 31-05-2013Thị trường nông sản: Thiếu tính bền vững
Đất nước trên 240 triệu dân này năm ngoái đã phải hủy bỏ mục tiêu tự cung tự cấp đường trắng vào năm 2014, và cũng đang phải nỗ lực để đạt được các mục tiêu tương tự về ngô, thịt bò, gạo và đậu tương.
“Chúng tôi đang gặp khó khăn về cung ứng đậu tương và đường”, bộ trưởng Nông nghiệp Suswono cho biết, với lý do chính là thiếu đất trồng.
Indonesia cần có thêm ít nhất là 500.000 hécta đất trồng đậu tương nếu muốn đạt mục tiêu tự cung tự cấp, tức là gần gấp đôi mức 600.000 ha hiện nay.
Ngoài ra, họ cũng cần thêm 350.000 ha đất trồng mía để đạt mục tiêu sản xuất đường. Diện tích hiện tại là trên 450.000 ha.
Nhập khẩu đậu tương vào Indonesia – đáp ứng khoảng 70% nhu cầu tiêu thụ hạt có dầu hàng năm, chắc chắn sẽ tăng 3% lên 1,8 triệu tấn trong năm nay. Những nhà nhập khẩu chính là FKS Multiagro, Sungai Budi Group và Cargill.
Indonesia thường sử dụng đậu tương như một nguồn cung cấp thực phẩm giàu protein rẻ hơn thịt, và chủ yếu nhập từ Hoa Kỳ, với mức thuế nhập khẩu 5%.
Nước này tiêu thụ khoảng 2,5 đến 2,7 triệu tấn đậu tương mỗi năm, và vụ thu hoạch chính của họ là cuối tháng 8.
Mới đây, một quan chức nông nghiệp nước này cho biết họ muốn xây dựng mối liên kết giữa các nhà nhập khẩu đậu tương với người trồng đậu tương trong nước để bảo vệ nông dân và tăng thu nhập cho họ.
Khó tìm giải pháp
Ở nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á này, nông nghiệp đóng góp 15% vào GDP, và họ đang phải nỗ lực cân bằng lợi ích của nông dân với người tiêu dùng.
Với sự tăng trưởng kinh tế, thu nhập của người dân tăng theo, họ quan tâm ngày càng nhiều tới sức khỏe và thói quen ăn uống cũng thay đổi, với lượng thịt và các thực phẩm tiện dụng gia tăng, thúc đẩy việc nhập khẩu các ngũ cốc sử dụng trong thức ăn chăn nuôi, như ngô và đậu tương.
Chính phủ Indonesia kiểm soát việc nhập khẩu khá chặt chẽ, và thường sử dụng thuế hoặc hạn ngạch nhập khẩu để bảo vệ nông dân của mình.
Từ năm ngoái, Tổng thống đã ban hành luật thực phẩm mới nhằm khẩn trương đạt các mục tiêu tự cung tự cấp – điều mà những người chỉ trích cho rằng sẽ làm yếu đi thế mạnh trong mậu dịch các mặt hàng chủ lực.
Những chính sách về mậu dịch lương thực nói riêng và nông sản nói chung đã bị các đối tác thương mại quốc tế chỉ trích rất nhiều, trong đó có cả Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế.
Bộ trưởng Suswono cho biết sản lượng gạo nội địa cần đáp ứng được 90% tổng nhu cầu quốc gia vào năm 2014 – thời điểm mục tiêu tự cung tự cấp lúa gạo.
Mới đây, một quan chức bộ Nông nghiệp cho biết năm nay họ sẽ không nhập khẩu thêm gạo, bởi dự trữ ra tăng. Tuy nhiên, sẽ không khả thi nếu họ đặt ra cùng lúc nhiều mục tiêu tự cung nông sản, bởi diện tích trồng loại cây này tăng thì cây khác sẽ phải giảm xuống.
Indonesia thường nhập khẩu khoảng 1-2 triệu tấn gạo mỗi năm từ Thái lan, Việt Nam, Ấn Độ hoặc Campuchia để dự trữ và ngăn chặn khả năng lạm phát giá lương thực.
Người tiêu dùng cũng chỉ trích các chính sách của chính phủ, sau khi họ giảm hạn ngạch nhập khẩu thịt bò – khiến giá tăng vọt ở Java. Nước này cũng đang chật vật giải quyết tình trạng thiếu tỏi và hành.
Vân Chi