MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khoai tây “độc” Trung Quốc qua cửa khẩu - Lọt lưới vì kiểm tra xác suất(?!)

19-06-2013 - 09:18 AM |

Lô khoai tây vận chuyển về TP Đà Lạt tiêu thụ vừa qua có thể thuộc lô hàng không lấy mẫu kiểm tra về mặt dư lượng, chỉ kiểm tra về ngoại quan và hồ sơ.

Liên quan đến lô hàng khoai tây hồng Trung Quốc bị cơ quan chức năng TP Đà Lạt phát hiện nhiễm hoạt chất Chlorpyrifos (chất diệt mối) vượt mức dư lượng tối đa cho phép 16 lần và những nghi vấn về tình trạng lỏng lẻo trong kiểm soát An toàn vệ sinh thực phẩm nơi cửa khẩu, ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) đã trao đổi với báo giới về vấn đề này.

- PV: Tại sao lô hàng 26 tấn khoai tây hồng Trung Quốc bị cơ quan chức năng TP Đà Lạt phát hiện nhưng kiểm dịch cửa khẩu lại không phát hiện?

>> Ông NGUYỄN XUÂN HỒNG: Nguyên tắc kiểm tra an toàn vệ sinh không phải chỉ có kiểm tra cửa khẩu. Sản phẩm khi vào nội địa còn được kiểm tra trong suốt quá trình vận chuyển, bảo quản, lưu thông trên thị trường. Việc cơ quan chức năng TP Đà Lạt kiểm tra phát hiện Chlorpyrifos vượt mức dư lượng 16 lần, còn kiểm dịch cửa khẩu lại không phát hiện có thể vì một số lý do.

Trước hết, mặt hàng khoai tây Trung Quốc vào Việt Nam từ đầu năm đến nay đang được áp dụng phương thức kiểm tra thông thường. Tức là 10 lô hàng mới kiểm tra 1 lô hàng, xác suất kiểm tra 10%. Vì vậy, lô khoai tây vận chuyển về TP Đà Lạt tiêu thụ vừa qua có thể thuộc lô hàng không lấy mẫu kiểm tra về mặt dư lượng, chỉ kiểm tra về ngoại quan và hồ sơ.

Hơn nữa, có thể trong quá trình vận chuyển, bảo quản, các thương lái đã đưa thêm hóa chất vào khoai tây để bảo quản. Vì vậy, vẫn có thể xảy ra việc lọt lưới, cơ quan này phát hiện vi phạm nhưng cơ quan khác không phát hiện ra.

- Giữa năm 2012, Cục Bảo vệ thực vật đã phát hiện một mẫu khoai tây Trung Quốc được lấy ở cảng Sài Gòn có dư lượng Chlorpyrifos vượt mức dư lượng cho phép 3 lần, vậy sao không áp dụng hình thức kiểm tra chặt đối với mặt hàng khoai tây Trung Quốc?

Khi phát hiện ra hàng hóa vi phạm chỉ tiêu an toàn thực phẩm thì áp dụng hình thức kiểm tra chặt. Tuy nhiên, khi doanh nghiệp (DN) đã khắc phục, nhiều lô hàng tiếp theo kiểm tra không phát hiện vi phạm sẽ chuyển về hình thức kiểm tra thông thường.

Hơn nữa, cũng không phải chỉ có một DN nhập khẩu khoai tây Trung Quốc mà có nhiều đơn vị nhập về. Trong đó, có DN bị áp dụng kiểm tra chặt, có DN kiểm tra thông thường, tùy thuộc vào mức độ vi phạm của DN. Phương thức kiểm tra này được tất cả các nước áp dụng.

- Trạm kiểm dịch Tân Thanh khẳng định, khoai tây hồng không được nhập qua cửa khẩu Tân Thanh, nhưng lô hàng khoai tây hồng Trung Quốc bị phát hiện nhiễm chất độc lại có giấy kiểm dịch do trạm này cấp, vì sao thưa ông?

Chúng tôi cũng đang truy xuất nguồn gốc, xem lô hàng đó được nhập khẩu về từ đâu, DN nào nhập. Theo tôi, rất có khả năng từ một DN tại Lào Cai làm đầu mối thu mua khoai tây Trung Quốc rồi cung cấp đi các nơi.

- Sau truy xuất nguồn gốc lô hàng, cục sẽ có động thái gì?

Nếu chứng minh được nguồn gốc lô khoai tây hồng Trung Quốc bị phát hiện vi phạm ở Đà Lạt của DN nào, chúng tôi sẽ áp dụng chính sách kiểm tra chặt đối với các lô hàng nông sản nhập khẩu của DN đó. Những lô hàng cùng nguồn gốc, nếu tái phạm sẽ bị nâng tần suất kiểm tra lên 30%, 100%, trước khi áp biện pháp cao nhất là cấm nhập. Yêu cầu các cửa khẩu áp dụng biện pháp kiểm tra chặt, tăng cường lấy mẫu kiểm tra an toàn thực phẩm.

- Lượng khoai tây Trung Quốc được nhập khẩu về Việt Nam hiện có lớn không?

Việc nhập khẩu khoai tây Trung Quốc được thực hiện qua cửa khẩu Lào Cai, Tân Thanh (Lạng Sơn) và cảng Sài Gòn. Dù chưa có số liệu thống kê cụ thể lượng khoai tây nhập về từ đầu năm đến nay, nhưng trong nhóm hàng củ quả tươi, khoai tây được nhập về với số lượng nhiều nhất, cùng với cà rốt.

Tuy nhiên, cũng cần phải nói, không phải phát hiện một lô hàng khoai tây Trung Quốc tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật rồi kết luận khoai tây Trung Quốc không an toàn là không đúng. Trong các loại nông sản Trung Quốc xuất sang Việt Nam từ trước đến nay, tỉ lệ chỉ chiếm khoảng 1% là vi phạm về chỉ tiêu an toàn thực phẩm.

- Việt Nam cũng trồng khoai tây với sản lượng lớn, tại sao khoai tây Trung Quốc vẫn được nhập khẩu với lượng lớn?

Khoai tây Trung Quốc được xuất khẩu sang Việt Nam nhiều hay ít hoàn toàn do cơ chế thị trường, yếu tố giá cả chi phối và quyết định. Tại Trung Quốc, mùa khoai tây kéo dài đến hết tháng 4 hàng năm, trong khi tại Việt Nam, khoai tây chỉ được trồng vào vụ Đông. Lượng khoai tây Đà Lạt lại ít, không đủ cung cấp cho thị trường cả nước.

Theo như thông tin ban đầu mà chủ lô hàng 26 tấn khoai tây ở TP Đà Lạt đưa ra thì lô hàng này đã được Trạm kiểm dịch Tân Thanh (Lạng Sơn) cấp phép.

Tuy nhiên, khi trao đổi với chúng tôi, bà Bế Thị Thu Hiền, Trạm trưởng Trạm Kiểm dịch thực vật cửa khẩu Tân Thanh, khẳng định lô hàng khoai tây hồng nói trên của bà Nguyệt không nhập qua cửa khẩu Tân Thanh.

Chúng tôi tiếp tục trao đổi với ông Nguyễn Văn Tuân, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng 8 (Lào Cai). Đây là nơi nhập khẩu chính với lượng khá lớn khoai Trung Quốc vào Việt Nam. Tuy nhiên, ông Tuân cũng khẳng định ở đây chưa từng phát hiện có chất cấm vượt dư lượng trong khoai tây. Ông khẳng định, các phiếu kiểm tra lô hàng đều vẫn còn lưu giữ, không có lô hàng nào lọt lưới.

Theo Phúc Văn

khanhnt

Sài Gòn giải phóng

Trở lên trên