MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Không đăng ký bảo hộ, nhiều nông sản Việt sẽ “biến mất”

27-05-2014 - 16:29 PM |

Việt Nam hiện mới có 3 sản phẩm được chính thức công nhận có chỉ dẫn địa lý ở nước ngoài.

Nhãn hiệu dễ bị “đánh cắp”

Trong khuôn khổ đàm phán các Hiệp định thương mại tự do với các đối tác, trong đó có Việt Nam, các nước châu Âu như EU và EFTA đã thường xuyên đưa ra yêu cầu về bảo hộ chỉ dẫn địa lý (GI).

Vấn đề bảo hộ sở hữu trí tuệ, bảo hộ chỉ dẫn địa lý không còn mới đối với các quốc gia trên thế giới, tuy nhiên, tại Việt Nam, vấn đề này vẫn chưa thực sự được coi trọng, đặc biệt là các mặt hàng nông sản.

Số liệu thống kê chưa đầy đủ của Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Công Thương) cho thấy, đến cuối năm 2010 có 944 địa danh được sử dụng cho các sản phẩm, dịch vụ đặc thù của địa phương.

Tuy nhiên đến nay mới có 41 chỉ dẫn địa lý được cấp giấy chứng nhận bảo hộ trong nước, trong đó có 38 sản phẩm của Việt Nam, đa số thuộc về nông sản đặc sản của địa phương.

Tại EU, các sản phẩm có chỉ dẫn địa lý chiếm hàng tỷ euro trong thương mại và xuất khẩu. Còn Việt Nam mới có 3 sản phẩm là nước mắm Phú Quốc, chè xanh Mộc Châu và cà phê Buôn Ma Thuột được chính thức công nhận có chỉ dẫn địa lý ở nước ngoài.

Nhiều năm nay, trường hợp các nhãn hiệu Việt Nam rơi vào tay những công ty nước ngoài không ít, song dường như các doanh nghiệp vẫn chưa mặn mà với việc đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý.

Điển hình như Cà phê Trung Nguyên. Năm 2000, Thương hiệu cà phê Trung Nguyên – thương hiệu được đánh giá là nổi bật nhất của cà phê Việt Nam đã bị một công ty của Mỹ là Rice Field nhanh chân đăng ký trước tại Cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ (USPTO). Năm 2008, nhãn hiệu kẹo dừa Bến Tre đã bị Công ty TNHH Rừng Dừa đăng kí độc quyền nhãn hiệu tại Trung Quốc được 8 tháng. Nước mắm Phú Quốc đã bị một công ty có địa chỉ tại Mỹ sử dụng làm nhãn hiệu hàng hóa từ năm 1982.

Mới đây nhất, nhãn hiệu cà phê Buôn Ma Thuột của Việt Nam do công ty Cà phê Buôn Ma Thuột Quảng Châu (Trung Quốc) từng đăng ký bảo hộ nhãn hiệu đã chính thức bị hủy bỏ sau gần 1 năm phía Việt Nam nộp đơn yêu cầu.

Một số nhãn hiệu như Kẹo Bến Tre, cà phê Buôn Ma Thuột đã giành lại được nhãn hiệu của mình, song quá trình tranh chấp cũng như chi phí phải bỏ ra rất lớn. Bên cạnh đó, trong nhiều trường hợp, chủ sở hữu truyền thống rất khó bác bỏ sự đăng ký bảo hộ nhãn hiệu trước nếu sản phẩm chưa được nổi tiếng trên thị trường đó, vì nó phụ thuộc vào nhận thức của công chúng tại thời điểm đăng ký.

Cần đánh giá đúng lợi ích của bảo hộ chỉ dẫn địa lý

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam chỉ chú trọng tới số lượng xuất khẩu, chưa quan tâm đến xây dựng thương hiệu. Từ đó xuất khẩu nông sản của Việt Nam chỉ được xuất dưới dạng thô, lợi ích kinh tế rất thấp dù sản lượng lớn, chất lượng cao. Ngoài ra, chi phí bảo hộ tốn kém cũng ảnh hưởng đến quyết định đăng ký bảo hộ của doanh nghiệp. Trong khi đó, sự liên kết giữa các doanh nghiệp lại kém, các địa phương và bộ, ngành lại thiếu quan tâm đến chỉ dẫn địa lý đã khiến nhiều đặc sản nước ta bị doanh nghiệp nước ngoài nhái, “cướp” một cách công khai.

Có thể thấy rằng, khi sản phẩm có nguồn gốc đang dần nổi tiếng trên trường quốc tế, thương nhân tại các nước mà địa danh nước ngoài chưa gắn liền với các sản phẩm này có thể lợi dụng cơ hội để đăng ký địa danh làm nhãn hiệu hàng hóa tại nước họ. Trong khi các chủ sở hữu truyền thống cố gắng thâm nhập thị trường sẽ phải đối mặt với những cản trở do nhãn hiệu hàng hóa đã được đăng ký trước, các chủ sở hữu nhãn hiệu sẽ càng được hưởng lợi từ danh tiếng quốc tế này càng tăng của các sản phẩm “đích thực” từ khu vực địa lý truyền thống.

Bà Karine Lutnaes Aigner, tư vấn cấp cao Phòng Sáng chế công nghiệp Na Uy nhận định: “Việt Nam có rất nhiều sản phẩm nông sản nổi tiếng và mang đặc tính riêng biệt như các loại trái cây, giống gạo, song nhiều chủ sở hữu vẫn chưa thấy rõ được sự cần thiết của việc đăng ký chỉ dẫn địa lý hay bảo hộ thương hiệu. Do vậy, nếu không chú ý đến việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý thì nhiều đặc sản của Việt Nam sẽ “biến mất” hoặc gặp những vấn đề về pháp lý khi ra thị trường quốc tế”.

Theo các chuyên gia, nhận thức của phần lớn người dân Việt Nam đối với vấn đề sở hữu trí tuệ và chỉ dẫn địa lý còn hạn chế. Nhiều người sản xuất không hiểu khái niệm chỉ dẫn địa lý và không biết sẽ được lợi ích thế nào sau khi đã bảo hộ cho sản phẩm của mình.

Đối với các nhà sản xuất, những sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý thì thường được biết đến như những thương hiệu nổi tiếng và giá trị kinh tế mang lại bao giờ cũng cao hơn những sản phẩm cùng loại thông thường.

Bên cạnh đó, khi tham gia FTA có nghĩa thuế được giảm về bằng 0, lợi thế sẽ thuộc về hàng hóa có giá rẻ và có thương hiệu. Nếu có được càng nhiều nông sản được bảo hộ chỉ dẫn địa lý sẽ nâng giá trị kinh tế vừa tăng sức cạnh tranh so với các sản phẩm cùng loại của các nước xuất khẩu khác.

Trung bình, giá của sản phẩm GI cao hơn gấp 2,23 lần so với sản phẩm cùng loại; từ đó giúp nâng cao thu nhập và tránh thiệt hại kinh tế do những người sử dụng bất hợp pháp gây ra.

Theo thống kê tại thị trường EU thực hiện với hơn 16.000 người tiêu dùng cho thấy, 43% người tiêu dùng châu Âu sẵn sàng trả thêm 10% cho các sản phẩm GI, 8% người tiêu dùng thậm chí có thể trả thêm 20%.

Theo Thùy Anh

khanhnt

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên