Kiểm tra áng chừng, thực phẩm bẩn tràn vào nội địa
Bên lề hội nghị phát triển thương mại biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc và hải đảo do Bộ Công Thương tổ chức sáng 5.1 tại Hà Nội, tình trạng bê bối thực phẩm bẩn được báo giới đặc biệt quan tâm với hàng loạt vụ việc như hàng tấn thịt heo, nội tạng thối, gà, trứng lậu… “vượt biên” vào mâm cơm gia đình xuất hiện trong thời gian qua.
- 29-12-2015Thực phẩm bẩn tới mâm cơm người dân thế nào?
- 26-12-2015Tết càng gần, thực phẩm càng…bẩn?
- 26-12-2015Phải làm cho người tiêu dùng nhận biết được thực phẩm bẩn
Kiểm tra không xuể
Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả quốc gia (Ban chỉ đạo 389), khu vực trọng điểm về buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, gian lận thương mại trong thời gian qua tập trung chủ yếu trên tuyến, địa bàn trọng điểm như Lạng Sơn, Quảng Ninh, Cao Bằng, Lào Cai, Điện Biên, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Đồng Tháp, Tây Ninh, Long An, An Giang. Trong đó, trên tuyến biên giới phía bắc và bắc miền Trung nổi lên hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép thực phẩm chức năng, thịt động vật, nội tạng… không rõ nguồn gốc và chất lượng.
Hàng hóa vi phạm được các đối tượng buôn lậu vận chuyển lén lút qua đường mòn, lối mở, kênh, rạch, sông biên giới. Thủ đoạn của chúng thường hoán cải xe gắn máy để chuyên chở hàng lậu, gia cố vách ngăn, hầm hàng bí mật trên phương tiện vận tải để ngụy trang, cất giấu, vận chuyển hàng lậu từ biên giới vào nội địa. Bên cạnh đó, đối tượng buôn lậu lợi dụng chính sách ưu đãi tại các khu kinh tế cửa khẩu, định mức miễn thuế của hàng hóa trao đổi cư dân biên giới, móc nối với các cơ sở kinh doanh, thu gom hàng hóa của cư dân biên giới để hợp thức hóa đơn, chứng từ cho hàng lậu, lợi dụng tạm nhập tái xuất, hoàn thuế VAT đối với hàng xuất khẩu, gian lận trong khai báo hải quan.
Người tiêu dùng vẫn canh cánh nỗi lo thực phẩm “bẩn” tràn từ biên giới vào nội địa. Ảnh: KỲ ANH
Theo ông Nguyễn Công Trưởng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, hiện địa phương có 5 huyện biên giới, có 21 xã biên giới, 2 cửa khẩu quốc tế đường bộ và đường sắt, 1 cửa khẩu chính, 9 cửa khẩu phụ. Trong năm 2015, tỉnh Lạng Sơn bắt giữ 3.456 vụ buôn lậu và gian lận thương mại với tổng giá trị lên tới 99 tỉ đồng. Ông Trưởng khẳng định: “Hiện tượng buôn lậu, gian lận thương mại về cuối năm Ất Mùi vẫn âm thầm diễn ra. Với “lỗ hổng” của chính sách cư dân biên giới, cho phép người dân ở cửa khẩu qua lại được phép mang số hàng hóa trị giá 2 triệu đồng và không quá 4 lượt/tháng, việc kiểm tra số lượng hàng hóa chỉ áng chừng nên thực phẩm bẩn vẫn lọt, nhiều đối tượng lợi dụng qua cư dân, nhập lậu qua đường mòn vào thị trường nội địa, trà trộn vào hàng có hóa đơn chứng từ”.
Chưa kể, tình trạng thực phẩm bẩn nhập lậu vào Việt Nam còn ngang nhiên nhập khẩu theo đường chính ngạch. Việc xét nghiệm, lấy mẫu kiểm tra xem đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm rất khó có thể kiểm soát được hết bởi số lượng hàng hóa giao dịch mỗi ngày quá lớn. Trong khi đó, việc phân tích dư lượng thuốc bảo vệ thực vật mất rất nhiều thời gian nên vô tình tạo kẽ hở cho các đối tượng vi phạm pháp luật làm lũng đoạn thị trường.
Xử lý rồi vẫn lo
Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Lê Văn Tường - Phó Giám đốc Sở Công Thương Tây Ninh - khẳng định, tình trạng thực phẩm bẩn tràn vào thị trường trên địa bàn tỉnh được ngăn chặn kịp thời. Hàng qua cửa khẩu tại Tây Ninh đều được kiểm dịch và nhập khẩu qua đường chính ngạch. Thời gian gần đây, chỉ một số ít được phát hiện là hàng nhập từ phía bắc vào, ngoài ra hàng kém chất lượng cũng xuất phát từ một số ít cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ. Trong giai đoạn cao điểm hiện nay, tỉnh sẽ tích cực chỉ đạo đơn vị quản lý thị trường tăng cường kiểm tra thực phẩm sản xuất tại các cơ sở chế biến, đảm bảo nguồn hàng sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong dịp tết sắp tới.
Ông Hoàng Minh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Thương mại biên giới và miền núi - khẳng định, công tác kiểm dịch y tế, kiểm dịch động vật, thực vật bẩn cần phải được tiến hành đầy đủ tại các cửa khẩu. Tuy nhiên, hiện nay do hạn chế về trang thiết bị và trình độ nhân lực, lượng hàng nhập khẩu không đều (có ngày rất đông) nên nhiều trường hợp hàng hóa phải xử lý y tế và thậm chí vẫn còn tồn tại một lượng hàng hóa không nhỏ phải tái xuất do không có giấy phép, không rõ xuất xứ, nhãn mác không rõ ràng và quan trọng là… không đảm bảo chất lượng.
Lao động