MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Lênh đênh” giá tràm

07-05-2013 - 13:12 PM |

Do giá tràm thương phẩm trên thị trường cứ bấp bênh, “lúc trồi lúc sụt” nên người trồng tràm chưa thật sự an tâm và điệp khúc “phá tràm trồng lúa, phá lúa trồng tràm” cứ tiếp tục tái diễn...

Kiên Giang là tỉnh có diện tích rừng tràm đứng thứ 2 khu vực ĐBSCL, với diện tích trên 49.500 ha, trong đó rừng tràm tự nhiên chiếm gần 7.000 ha, rừng tràm sản xuất chiếm hơn 24.400 ha.

Trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, rừng tràm chiếm diện tích lớn nhất là rừng U Minh Thượng, Hòn Đất và Vườn quốc gia Phú Quốc. Riêng đối với rừng tràm sản xuất, Giồng Riềng lại là một địa phương có diện tích khá lớn với hơn 3.200 ha, tập trung nhiều ở các xã Thạnh Lộc, Thạnh Hưng và Thạnh Phước.

Tuy nhiên, do giá tràm bấp bênh, thị trường tiêu thụ khó khăn nên người trồng tràm không còn mặn mà với loại cây này mà đã tiến hành “phá tràm trồng lúa”.

Theo Phòng NN-PTNT Giồng Riềng, hiện rừng tràm ở đây chỉ còn lại 1.400 ha, số diện tích mà người dân phá trồng lúa chiếm hơn 1.800 ha. Thực trạng phá tràm trồng lúa không chỉ ảnh hưởng đến môi trường sinh thái mà còn làm mất cân bằng trong sản xuất của nhiều nông dân ở đây.

Bà Huỳnh Thị Thu, ở ấp Thạnh Nguyên, xã Thạnh Hưng gắn bó với rừng tràm của mình hàng chục năm nay, tuy nhiên do những năm trước giá cừ tràm rớt thê thảm, gia đình bà đành phá đi 40 công tràm chuyển sang trồng lúa. Hiện bà chỉ sống từ nghề chủ vựa thu mua tràm để bán. 

Khi cung ít hơn cầu, thế là giá cừ tràm tăng vọt lên đáng kể. Nếu một hai năm trước, giá tràm rớt ở mức 3 triệu đ/công thì nay đã tăng vọt lên từ 10 đến 12 triệu đ/công. Vả lại, trồng tràm phải đợi đến 8 năm mới thu hoạch được nên bà phá hết tràm chuyển sang trồng lúa.

Theo ông Nguyễn Khắc Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Lộc, lúc cao điểm, toàn xã có gần 1.800 ha rừng tràm, thế nhưng chỉ trong vài năm gần đây, do giá tràm thấp, khó tiêu thụ, nông dân ở đây đã đổ xô phá tràm trồng lúa. Hiện toàn xã chỉ còn gần 1.000 ha rừng tràm, nhưng đa số là tràm con, chưa đến tuổi khai thác, do vậy khi “cầu vượt cung” nên thời điểm này giá tràm trên thị trường đã tăng cao ngất ngưỡng từ 10 đến 12 triệu đ/công.

Dự báo trong thời gian tới, nguồn cừ tràm sẽ tiếp tục khan hiếm hơn bởi tràm chưa đến tuổi khai thác. Theo nhiều bà con nông dân cho biết, để có được cừ tràm thương phẩm, cây tràm phải được trồng từ 5 đến 8 năm mới bán được.

Ông Nguyễn Văn Dũng, chủ vựa tràm ở ấp Thạnh Hiệp, xã Thạnh Lộc cho biết: Người trồng tràm hiện rất phấn khởi bởi giá tràm tăng cao, thị trường tiêu thụ mạnh hơn những năm trước. Ngoài tiêu thụ tại địa phương, ông còn thu mua tràm ở những nơi xa như vùng bán đảo Cà Mau mới có đủ lượng tràm thương phẩm cung cấp cho thị trường.

Cây tràm tiêu thụ mạnh đã giúp cho nhiều người dân có thu nhập cao từ nghề khai thác tràm. Ông Lê Thanh Liêm, người khai thác tràm ở xã Thạnh Lộc chia sẽ: Trước đây, khi tràm còn ế ấm, khai thác không được bao nhiêu tiền, chỉ gia công đốn tràm làm củi và than, nhưng giá nhân công thấp quá, cuộc sống gia đình cũng khó khăn theo, nhưng hiện nay giá tràm tăng cao lên nên tiền công khai thác tràm của ông cũng nhiều hơn, thu nhập tăng cao đáng kể, mỗi ngày thu nhập hơn 200.000 đ/người, cả gia đình có việc làm thường xuyên từ nghề này.

Giá tràm tăng cao là điều đáng phấn khởi cho người trồng tràm. Nhưng theo ghi nhận của chúng tôi, giá tràm tăng cao như hiện nay chưa thật sự bền vững, bởi khi nguồn “cầu vượt cung” thì giá mới tăng mang tính nhất thời. Và, khi mà phần lớn diện tích tràm đã bị thu hẹp dần bởi người dân chuyển sang trồng lúa một cách tự phát, ngoài giá cả bấp bênh, còn mang những hệ lụy đáng lo đó là phá vỡ môi trường sinh thái, ảnh hưởng đến môi trường sống.

Vì vậy, ngay từ lúc này, các ngành chuyên môn và chính quyền địa phương ở tỉnh Kiên Giang cần có giải pháp căn cơ hơn để vừa mang lại lợi ích cho người trồng tràm, vừa giữ được rừng tràm ổn định, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, tránh những tác động biến đổi khí hậu phức tạp như hiện nay.

Theo Bình Minh

khanhnt

Nông nghiệp Việt Nam

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên