MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lo ế hàng triệu tấn gạo hè thu

06-05-2013 - 09:54 AM |

Sắp tới, hơn 3,5 triệu tấn gạo hè thu chuẩn bị thu hoạch nhưng nhu cầu thị trường gần như đóng băng, giá giảm nghiêm trọng.

Theo hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), trong bốn tháng đầu năm nay, Việt Nam xuất khẩu 2,151 triệu tấn gạo các loại, trị giá trên 942 triệu USD, tăng 23,5% về lượng so với cùng kỳ năm 2012. Tính đến hết tháng 4.2013, các doanh nghiệp ký hợp đồng xuất khẩu 4,231 triệu tấn gạo, trong đó số hợp đồng còn lại giao từ tháng 5.2013 là 2,08 triệu tấn. Giá gạo xuất khẩu trong tháng 4 tiếp tục giảm 10 – 15 USD/tấn so với tháng 3 do nhu cầu thấp và áp lực bán ra của doanh nghiệp để quay vòng vốn. Vì vậy, giá xuất khẩu bình quân bốn tháng giảm trên 28 USD/tấn so với cùng kỳ 2012. Trong nước, ngay sau khi kết thúc đợt mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo vào giữa tháng 4 vừa qua, giá lúa cũng giảm 200 – 300 đồng/kg.

Rẻ nhất thế giới vẫn tồn kho

Theo VFA, hợp đồng xuất khẩu gạo bốn tháng đầu năm 2013 phần lớn là hợp đồng thương mại giá thấp, chủ yếu bán cho Trung Quốc, Philippines, các nước châu Phi... Hợp đồng tập trung chỉ chiếm trên 10% cho Cuba, Malaysia. Thống kê cho thấy, đến cuối tháng 4 doanh nghiệp còn tồn kho gần 2 triệu tấn gạo trong khi giá gạo thế giới sụt giảm mạnh, xuất khẩu chậm, dẫn đến nguy cơ lỗ vốn rất cao.

Thực tế, mặc dầu giá gạo Việt Nam đang có khoảng cách khá xa so với giá gạo thế giới (380 USD/tấn loại 5% so với 420 – 530 USD/tấn của Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan), nhưng khách hàng lại ngại mua vì giá không ổn định, sợ rủi ro giảm giá tiếp. Do đó, ông Trương Thanh Phong, chủ tịch VFA, cho rằng nếu doanh nghiệp không có biện pháp trụ lại sẽ không bán được hoặc bán lỗ và ảnh hưởng đến các hợp đồng đã ký, tình hình sẽ khó khăn hơn.

Lo ế hàng triệu tấn gạo hè thu

Dự báo từ nay đến cuối năm tình hình thị trường gạo thế giới sẽ không có gì khởi sắc mà tiếp tục trì trệ hơn do nhu cầu yếu trước áp lực cung cấp thừa, tồn kho lớn ngày càng tăng. Ông Trương Thanh Phong cho biết, Thái Lan đang tồn kho ước khoảng 17 triệu tấn gạo và sẽ lên đến 20 triệu tấn trước khi vào vụ chính từ tháng 11. Trong khi vụ chính của nước này sẽ cung cấp tiếp 25 triệu tấn lúa (tức khoảng 15 triệu tấn gạo). “Nếu Chính phủ Thái mua hết số lượng này sẽ không có chỗ chứa, trừ khi bán ra theo giá thị trường và chịu lỗ. Dự báo là Thái Lan phải bán ra, chậm nhất là trước tháng 11, khi vụ chính bắt đầu thu hoạch”, ông Phong phân tích. Ngoài ra, một số phân tích cũng cho thấy Ấn Độ tồn kho vào đầu tháng 4 khoảng 35,5 triệu tấn gạo, gấp ba lần mục tiêu của Chính phủ là 12,2 triệu tấn.

VFA cũng đưa ra dự báo châu Phi mua gạo chậm hơn dự kiến vì không cần phải xây dựng tồn kho, do sản lượng dồi dào, mua lúc nào cũng được và nhà nhập khẩu có tâm lý chờ giá rẻ. Philippines tiếp tục thông báo quyết tâm tự túc lương thực và có thể xuất khẩu vào cuối năm 2013, cho dù vừa ký hợp đồng nhập khẩu 187.000 tấn gạo với Việt Nam. Indonesia chưa có dấu hiệu trở lại thị trường, trong khi FAO dự báo sản lượng 2013 của nước này đạt mức kỷ lục năm thứ hai liên tiếp, ở mức 72,1 triệu tấn, tăng 4,4% so với mức kỷ lục năm 2012 là 69,05 triệu tấn, do đó Indonesia sẽ giảm nhập khẩu để tiến đến mục tiêu tự túc lương thực. Còn Trung Quốc sau khi đã mua khá nhiều của Việt Nam hồi đầu năm, nay lại đang mua chậm lại và trì hoãn nhận hàng vì đã ký hợp đồng nhiều nhưng giá giảm.

Từ đầu năm đến hết tháng tư vừa qua, VFA thống kê có đến 280.000 tấn bị huỷ hợp đồng, gồm có 190.000 tấn hợp đồng 2012 chuyển sang và 90.000 tấn hợp đồng ký trong năm 2013, chủ yếu là từ Trung Quốc, châu Phi và Philippines. Với thực trạng như vậy, ông Trương Thanh Phong cho biết: Việt Nam đã bán ra nhiều nhưng không chắc và giao hàng chậm, một số doanh nghiệp do bị áp lực tồn kho và quay vòng vốn nên phải bán thấp để giải quyết đầu ra, không hiệu quả.

Dự kiến đến đầu tháng 6 tới đây các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long bước vào vụ thu hoạch 1,6 triệu hécta lúa hè thu. Sau khi cân đối nhu cầu tiêu thụ nội địa, sản lượng gạo hàng hóa còn lại khoảng trên 3,5 triệu tấn. Trong tình thế thị trường hiện nay, việc tiêu thụ hết lượng gạo còn tồn kho vụ đông xuân còn khó chứ đừng nói đến hàng triệu tấn gạo hè thu có phẩm chất kém hơn sắp thu hoạch.

Theo Hoàng Bảy

khanhnt

Sài Gòn tiếp thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên