MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mía bị chậm mua, nông dân chịu thiệt

25-04-2014 - 17:21 PM |

Hàng trăm hộ nông dân đứng ngồi không yên khi mía quá thời vụ thu hoạch, chết khô trên đồng mà chưa được thu mua.

“Khóc” trên đồng mía

Trên những đồng mía phía đông H.Ea Kar (Đắk Lắk), một số ruộng mía lưu gốc đã mọc mầm nhưng quanh đó vẫn còn nhiều diện tích mía già vàng khô, nhiều đám mía đã trổ cờ. Đằng sau cảnh nghịch lý này là những hộ nông dân ngày ngày trông chờ nhà máy đường thu mua mía mà trong lòng như lửa đốt.

Ông Hứa Văn Sửu ở buôn Ea Kông, xã Ea Sô, H.Ea Kar, cho biết người anh ruột Hứa Văn Nghỉ ở cạnh nhà bị bệnh nan y phải  nhập viện ở TP.HCM, nhờ ông trông coi giùm 2 ha mía đã chín, quá thời điểm thu hoạch gần hai tháng nay. 

“Anh của tôi bệnh nặng, không có tiền đi điều trị ở xa, vậy mà muốn bán mía cũng không được nhà máy chiếu cố mua cho. Giờ đây, ngày đêm canh giữ đồng mía này tôi lo lắm, lỡ có mồi lửa nào đó thiêu rụi thì bao nhiêu công sức của gia đình người anh theo mây khói”, ông Sửu ái ngại. 

Ông Sửu cũng cho biết trong tháng qua đã bỏ công chạy lên nhà máy của Công ty CP Mía đường 333 cách đó hơn 10 km xin xỏ hết lời nhưng vẫn không được xếp lịch chặt mía cho ông Nghỉ.

Ông Lê Tất Chiến, cán bộ phụ trách nông nghiệp xã Ea Sô, cho biết cả xã trồng khoảng 2.000 ha mía, trong đó hơn 1.500 ha có hợp đồng với nhà máy, nhưng hiện tượng bất hợp lý xảy ra là nhiều ruộng mía có hợp đồng đến thời vụ vẫn chưa được chặt, trong khi có diện tích ngoài hợp đồng lại được thu mua trước. Không chỉ ở Ea Sô, ở các xã khác của H.Ea Kar và H.M’Đrắk bên cạnh, nhiều diện tích mía cũng trong cảnh chờ thu hoạch dẫn đến chậm thời vụ cho vụ mía sau.

Nhà máy làm đúng trách nhiệm?

Theo ông Nguyễn Văn Nghĩa, Phó giám đốc Công ty CP Mía đường 333, đóng ở H.Ea Kar, đơn vị này hợp đồng đầu tư với khoảng 4.000 hộ nông dân trồng mía trên diện tích 6.700 ha ở hai huyện Ea Kar và M’Đrắk, nhưng hiện mới thu hoạch 4.500 ha, vẫn còn trên đồng hơn 1.300 ha. 

Ông Nghĩa phân trần: “Việc chặt mía chậm là do nhiều ruộng mía xa đường giao thông, vận chuyển khó khăn. Nhà máy ưu tiên lên lịch chặt mía sớm đối với những hộ có hợp đồng nhận đầu tư, những diện tích chậm thu hoạch thường là ngoài hợp đồng”. 

Tuy nhiên, khi được phản ảnh tình trạng nhiều diện tích mía có hợp đồng chưa được thu mua, dù gần đường giao thông thuận tiện thì ông Nghĩa trả lời sẽ cho kiểm tra và thu mua đúng theo trách nhiệm của công ty.

Ông Nguyễn Văn Hà, Trưởng phòng NN-PTNT H.Ea Kar, đánh giá năm nay tiến độ thu hoạch mía ở các xã chậm hơn mọi năm nhưng chưa rõ nguyên nhân. Theo ông Hà, Phòng NN-PTNT chỉ quản lý quy hoạch diện tích cây trồng trên địa bàn, khuyến cáo người dân nếu trồng vượt quy hoạch; Phòng không can thiệp vào việc hợp đồng sản xuất, tiêu thụ mía giữa doanh nghiệp (DN) và nông dân. 

“Theo tôi, cấp tỉnh cần chỉ đạo các DN mía đường thông báo khả năng, chính sách thu mua và cam kết thực hiện lịch chặt mía rõ ràng cho nông dân thì mới tránh được thiệt hại khi mía quá già mà không được thu hoạch”, ông Hà nhận định. 

Ông Hà cũng cho biết sắp tới Phòng NN-PTNT H.Ea Kar xúc tiến việc thành lập các HTX, tổ hợp tác trồng mía ở các vùng nguyên liệu, qua đó có quan hệ chặt chẽ với DN về tiêu thụ để bảo đảm quyền lợi của nông dân.

Theo Trung Chuyên

khanhnt

Thanh niên

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên