MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mía đường khốn đốn

15-12-2013 - 14:27 PM |

Tết nguyên đán 2014 đã cận kề kéo theo nhu cầu tiêu thụ đường cát tăng. Thế nhưng, nghịch lý là giá đường trên thị trường vẫn ở mức thấp, lượng tồn kho cao đẩy các DN và nông dân trồng mía vào khốn khó...

Báo động… thừa đường

Theo các nhà máy đường (NMĐ) khu vực ĐBSCL, dù chỉ còn khoảng 1 tháng rưỡi là đến Tết Giáp Ngọ 2014, nhưng sức tiêu thụ đường vẫn chưa mạnh, giá ở mức thấp. Hiện giá đường cát dao động 14.000 - 14.500 đồng/kg - mức giá chỉ đảm bảo các NMĐ từ hòa vốn đến lỗ nhẹ.

Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) nhìn nhận, năm nay sản xuất và tiêu thụ mía đường khó khăn hơn các năm trước. Nhiều doanh nghiệp (DN) tiên liệu trước tình hình không thuận lợi, áp dụng phương thức “sản xuất tới đâu bán tới đó”, hạn chế tình trạng dồn hàng. Tuy nhiên, hiện các DN vẫn còn “ôm” hơn 100.000 tấn đường tồn kho.

Theo kế hoạch, niên vụ mía đường 2013 - 2014, các NMĐ trên cả nước sản xuất khoảng 1,6 triệu tấn đường, trong khi nhu cầu tiêu thụ chỉ khoảng 1,3 triệu tấn (thừa 300.000 tấn, chưa kể đường tồn kho từ vụ trước và đường nhập lậu). Mặt khác, Bộ Công thương cũng vừa cấp quota cho các DN nhập 73.000 tấn đường theo cam kết WTO.

Chủ tịch VSSA Nguyễn Thành Long đánh giá, Việt Nam từ chỗ thiếu đường, nay đã thừa đường. Sản lượng dư thừa tăng mạnh theo từng năm. Trong khi xuất khẩu đường dạng tiểu ngạch chưa như mong muốn, gần đây Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai muốn đưa 30.000 tấn đường sản xuất từ Lào về Việt Nam gia công để xuất sang Trung Quốc.

Điều này sẽ khiến việc tiêu thụ đường trong nước khó khăn hơn, bởi các NMĐ trong nước - nhất là vùng ĐBSCL - không cạnh tranh lại do giá thành cao.

Nông dân bỏ mía

Trong lúc xuất khẩu đường còn nhiều trở ngại thì tình trạng đường nhập lậu đang gia tăng. Theo ước tính của VSSA, mỗi ngày có khoảng 1.000 tấn đường nhập lậu vào Việt Nam qua khu vực biên giới Tây Nam, miền Trung, miền Bắc. Giá đường nhập lậu bán thấp hơn đường nội từ 600 - 1.000 đồng/kg.

VSSA thừa nhận, hiện chưa có biện pháp chống đường nhập lậu hiệu quả và xuất khẩu đường còn trục trặc. Vì vậy, các NMĐ khó chủ động được “đầu ra: và giá cả nên không thể nâng giá mua mía nguyên liệu cho nông dân.

Cùng tâm trạng trên, ông Nguyễn Thế Tự - Trưởng phòng NNPTNT huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) - thừa nhận: “Ở Phụng Hiệp, cây mía là một trong những loại cây kinh tế chủ lực. Nhưng đáng buồn là mấy năm qua giá mía bấp bênh quá, nông dân lỗ bình quân khoảng 12 triệu đồng/ha. Hiện nhiều hộ đã bỏ mía để trồng cây khác. Theo chủ trương của huyện, từ gần 9.000ha mía hiện nay chỉ mong giữ lại 5.000ha ở những vùng có đê bao chống lũ”.Ông Hồ Thanh Kiệt - Trưởng phòng NNPTNT huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) - lo lắng: “Đây là năm thứ 2 liên tiếp giá mía quá thấp khiến người trồng mía thua lỗ. Một vụ mía kéo dài gần một năm, nhưng thu hoạch bán lỗ bà con làm sao sống được. Vì vậy, sau vụ này sẽ có nhiều hộ bỏ mía do quá chán nản”.

Nông dân Trương Văn Hiền - Chủ nhiệm CLB 200 tấn, ở xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp - trăn trở: “Mía gắn liền với đời sống người dân xứ này. Có những hộ khấm khá nhờ cây mía. Thời gian qua, nông dân cùng ngành chức năng đầu tư nâng cao chất lượng, năng suất… và đã ra đời CLB 200 tấn mía/ha. Tốn kém công sức, nhưng giá mía bây giờ tệ quá, nông dân bị lỗ nên buộc lòng bỏ cây mía…”.

Không chỉ ở Hậu Giang, Sóc Trăng, mà tại Long An, Cà Mau, Kiên Giang… nông dân cũng chặt hạ cây mía chuyển sang trồng các loại cây khác. Ngành NNPTNT nhiều địa phương vùng ĐBSCL thừa nhận, nếu giá mía không ổn định và “đầu ra” cứ bấp bênh, tới đây diện tích mía tiếp tục giảm là khó tránh khỏi. Khi đó, hàng loạt NMĐ trong vùng lại đối mặt nguy cơ thiếu nguyên liệu hoạt động.

Theo Huỳnh Trọng

hangnt

Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên