MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mùa tôm… sầu!

03-06-2013 - 07:15 AM |

Thời “vàng son” của nghề nuôi tôm ở Quảng Ngãi đang lụi tắt, hàng trăm hecta hồ tôm bị bỏ hoang.

Dưới cái nắng nóng như đổ lửa, ông Lê Văn Sơn, ngụ xã Nghĩa Hòa, huyện Tư Nghĩa (Quảng Ngãi) vẫn cố bám trụ ngoài hồ, tìm mọi cách cứu vãn đàn tôm nuôi 20 vạn con gần đến lúc thu hoạch lại gặp dịch virus tôm trắng. Nhưng lực bất tòng tâm, ông đành đắng lòng nhìn cảnh tôm của mình chết hàng loạt. “Mới có mấy ngày mà bệnh dịch cướp đi bao công sức, vốn liếng cả gia đình tôi. Giờ coi như trắng tay rồi!” - ông Sơn nói.

Kế cận hồ tôm của ông Sơn, ba hồ tôm của anh Lê Văn Dâng cũng gặp tình trạng tương tự. 50 vạn con tôm giống được thả nuôi nổi lên trắng cả mặt hồ.

Với dịch virus đốm trắng hoành hành từ hai tháng nay, cánh đồng tôm xã Nghĩa Hòa, huyện Tư Nghĩa vốn trù phú xưa nay giờ trở nên vắng bóng người.

Vụ tôm kỳ này, tỉnh Quảng Ngãi có khoảng 300 ha diện tích nuôi tôm nước lợ, tập trung ở các huyện Đức Phổ, Mộ Đức, Tư Nghĩa, Sơn Tịnh và Bình Sơn. Trong đó, trên 35 ha đang bị nhiễm bệnh và có tôm chết. “Nuôi tôm bây giờ bị chết hoài, cứ như đánh bạc với ông trời!” - ông Bùi Nghĩa, một người nuôi tôm ở xã Đức Phong, huyện Mộ Đức, buồn bã nói.

Ông Phan Huy Hoàng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi, cho rằng nguyên nhân tôm bị dịch bệnh chết một phần do việc cải tạo hồ nuôi không đảm bảo nên gây ô nhiễm môi trường, làm cho tôm nuôi dễ sinh bệnh. Nhiều hộ nuôi tôm còn mua cả giống tôm trôi nổi ngoài thị trường, không kiểm soát về chất lượng con giống. Đáng lo là theo bà Đỗ Thị Thu Đông, Phó Trưởng phòng Nuôi trồng thủy sản (Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi), dịch virus này chưa có thuốc điều trị triệt để nên chủ yếu phòng bệnh là chính.

Hiện nay, do tôm chết triền miên, hàng trăm hecta hồ tôm ở Quảng Ngãi phải bỏ hoang, dân không dám xuống giống. Trước thực trạng này, ngành nông nghiệp Quảng Ngãi đang xây dựng kế hoạch và triển khai áp dụng Quy phạm thực hành nuôi trồng thủy sản tốt tại Việt Nam (VietGAP) trong nghề nuôi tôm tại tỉnh, nhằm đảm bảo các yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm, hạn chế dịch bệnh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường để phát huy hiệu quả kinh tế từ con tôm.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có văn bản đề nghị Bộ NN&PTNT xem xét cung cấp 50 tấn hóa chất Chlorine từ nguồn dự trữ quốc gia cho tỉnh để phòng chống, ngăn chặn dịch bệnh trên tôm nuôi trên địa bàn tỉnh đang có khả năng lây lan ra diện rộng, đồng thời giúp giảm bớt khó khăn cho các hộ nuôi tôm trước thiệt hại do dịch bệnh trên tôm gây ra.

Theo Luận Ngữ

khanhnt

Pháp luật TPHCM

Trở lên trên