MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Muối Hải Hậu 'mặn chát'

19-06-2015 - 08:40 AM |

Diêm dân xã Hải Lý, huyện Hải Hậu, Nam Định đang lao đao khi giá muối vốn đã thấp nay lại có chiều hướng giảm tiếp...

1 giờ chiều, trời nắng như đổ lửa. Từng đợt gió biển phả vào mặt nóng rát. Thế nhưng, trên cánh đồng muối thuộc xã Hải Lý, diêm dân vẫn đang gồng lưng xúc từng xẻng đất, chắt chiu từng gầu nước biển để làm ra hạt muối.

Quần quật từ sáng tới tận chiều tà, phơi lưng dưới cái nắng nóng như thiêu như đốt nhưng họ chỉ thu được những đồng tiền còm cõi. Mồ hôi hòa lẫn nước biển. Hàng ngày, bóng họ vẫn đổ dài trên những ruộng muối mặn chát, nhỏ bé và lam lũ.

Rít một hơi thuốc lào, rồi đưa bàn tay đen sạm, chai lì lên quệt vội những giọt mồ hôi chảy tràn trên khuôn mặt, ông Nguyễn Duy Công, xóm 9, thở dài: “Cực lắm! Khổ nỗi, không làm nghề này thì chúng tôi biết làm gì để sống?”.

Đặc thù của nghề muối là “mát nghỉ, nắng làm”, càng nắng nóng sản lượng muối thu về càng cao. Thông thường, từ tháng 4 đến tháng 7 là mùa vụ chính của bà con diêm dân Hải Lý. Vào những tháng khác, vì nắng yếu nên năng suất muối thường không đáng kể.

Khổ nhất là những ngày mưa dầm, gió bão, diêm dân đành méo mặt “treo ruộng” dài ngày.

Có lẽ không có nghề nào tốn công sức mà thu nhập lại thấp như làm muối. Hiện nay, trung bình mỗi phương muối (khoảng 20kg) có giá từ 17- 20 ngàn đồng. Làm hăng như gia đình ông Công, có ngày làm được tới 10 phương muối, nhưng ông cũng chỉ thu được vỏn vẹn 200 ngàn đồng/ngày/3 người.

Ông Trần Văn Hào, cán bộ địa chính - môi trường xã Hải Lý nhẩm tính mỗi ngày đôi tay của diêm dân vận chuyển lên tới cả tấn đất cát. Công việc vất vả nhưng thu nhập không đáng kể nên mấy năm gần đây, số hộ gia đình làm muối ngày càng giảm.

Tuy xã đã có chủ trương hỗ trợ tiền để khuyến khích bà con chuyển đổi nghề muối sang chăn nuôi thủy sản nhưng hiện vẫn chưa có nhiều người mạnh dạn làm, phần vì chưa có nhiều kinh nghiệm, phần vì họ chưa có đủ vốn”, ông Hào cho biết.

Hiện tổng diện tích cánh đồng muối của xã chỉ còn lại khoảng 60ha, hơn 60ha đất đã được bà con chuyển sang trồng các loại rau màu hoặc làm đầm nuôi trồng thủy sản.

Đa phần thanh niên trong xã đều đổ đi làm thuê ở các thành phố lớn. Những người cố bám trụ ở quê thì đi làm cửu vạn, đi biển, nếu chăm chỉ cũng thu được khoảng 100 ngàn đồng/ngày.

Hiện diện trên những ruộng muối mặn chát giờ đây chủ yếu là những phụ nữ. Thỉnh thoảng cũng bắt gặp bóng dáng những người đàn ông nhưng hầu hết đều đã lớn tuổi, thường là những người không còn đủ sức khỏe đi biển hoặc làm các nghề phụ khác.

Mới lên 10 tuổi đã lon ton theo bố mẹ làm muối, đến nay, chị Nguyễn Thị Loan, xóm 8, đã bén duyên với nghề này gần 30 năm. Chồng ngã biển chết, một mình chị vừa phải chăm sóc mẹ già vừa phải nuôi đứa con trai 7 tuổi. Cả mấy miệng ăn chỉ biết trông chờ vào vài sào muối.

Khổ nỗi, điệp khúc “được mùa mất giá, được giá thì mất mùa” khiến đôi vai chị ngày càng trở nên nặng trĩu.

09-10-56_nh-5

Ông Nguyễn Duy Công ngán ngẩm khi giá muối lại đang giảm

Quay quắt dưới cái nắng nóng gay gắt, thu nhập của chị Loan trung bình khoảng 60 ngàn đồng/ngày. Thu không đủ chi nên tranh thủ những ngày mưa dầm, nắng yếu, chị vẫn thường phải xin đi mổ cá thuê cho các cơ sở chế biến để kiếm thêm thu nhập.

Mặc chiếc áo công nhân đã bạc màu, chiếc quần cũ hai bên đầu gối đã rách te tua để lộ ra mảng da chân dày đen sạm, chị Loan chia sẻ: “Con trai tôi chuẩn bị lên lớp 3, mỗi năm riêng tiền đóng góp cũng mất vài triệu đồng. Hi vọng trong những ngày tới, giá muối sẽ khá hơn chứ cứ thế này thì nguy quá!”.

Theo Tuấn Nguyên

Nông nghiệp Việt Nam

Trở lên trên