Ngành điều phát triển bền vững: Đi tìm chìa khoá
Nguồn nguyên liệu trong nước không đáp ứng được nhu cầu sản xuất, phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Xuất khẩu điều vì thế thiếu tính ổn định, bền vững.
Thời điểm này, hoạt động xuất khẩu (XK) của ngành điều đang đi vào ổn định, thị trường có dấu hiệu sôi động vào dịp cuối năm. Tính đến hết tháng 9, ngành điều XK được 212.000 tấn nhân hạt điều, kim ngạch khoảng 1,35 tỷ USD. Dự kiến kim ngạch XK cả năm đạt khoảng 1,8 tỷ USD (năm 2012 đạt 1,4 tỷ USD). Đó là những nhận định của ông Nguyễn Đức Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas).
Giải bài toán về nguồn nguyên liệu
Ông Thanh cho biết, vấn đề các DN ngành điều quan tâm là việc thiếu nguồn nguyên liệu. Thực tế, khối lượng XK điều nhân trong tháng 7 là 28.000 tấn, tháng 8 và tháng 9 là 20.000 tấn, tháng 10 theo dự báo chỉ XK dưới 20.000 tấn. Nguyên nhân giảm XK là do nguồn nguyên liệu trong nước không còn nhiều do đã sử dụng cho chế biến những tháng trước.
Cũng theo ông Thanh dự báo, xuất khẩu điều nhân năm 2013 ước đạt 240.000-250.000 tấn. Nguồn nguyên liệu trong nước không đáp ứng được nhu cầu sản xuất, phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Xuất khẩu điều vì thế thiếu tính ổn định, bền vững.
Theo tính toán của Vinacas, để có đủ nguyên liệu cho chế biến XK giai đoạn 2013-2015, các DN sẽ thu mua trong nước bình quân trên 300.000 tấn/năm và nhập khẩu bình quân trên 300.000-400.000 tấn điều thô/năm.
Trước đây, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Bùi Bá Bổng đã nhấn mạnh về thách thức lớn nhất của ngành điều là phải nhập đến 50% nguyên liệu chế biến XK, nên giá trị tăng thêm thấp. Ông cho rằng, nếu sản xuất trong nước ổn định, nông dân có lợi thì ngành điều phát triển bền vững và giúp Việt Nam phục hồi vị trí số một trên thế giới về sản xuất.
Cũng theo Bộ NN&PTNT, cần xây dựng vùng điều thâm canh năng suất với trung tâm là hai tỉnh Bình Phước và Đồng Nai. Vùng hạt nhân thâm canh này sẽ phấn đấu đạt năng suất 2 tấn/ha trong những năm tới và đạt 3 tấn/ha vào năm 2020. Bên cạnh đó, Trung tâm nghiên cứu và phát triển cây điều được thành lập sẽ tạo bước đột phá mới về năng suất, xây dựng vùng nguyên liệu và phát triển ngành điều bền vững.
Đầu tư phát triển công nghệ chế biến
Ông Đặng Hoàng Giang - Tổng thư ký Vinacas cho biết, các DN ngành điều đã rất quan tâm phát triển về chiều sâu, chú trọng vào chất lượng. Một trong những bước tiến đáng chú ý của ngành điều là việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Thời gian qua, nhờ áp dụng các loại máy móc thiết bị tự động hóa vào những khâu sản xuất chế biến đã giúp tạo đột phá về năng suất, giảm lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Mới đây, Công ty Sản xuất - thương mại - dịch vụ khuôn máy Việt đã chế tạo thành công hệ thống dây chuyền cắt tách vỏ cứng hạt điều tự động. Theo ông Hoàng Bình - Chủ tịch Hội DN nhỏ và vừa tỉnh Bình Phước, đây là một trong những dây chuyền tách vỏ cứng hạt điều tiên tiến, hiện đại nhất tại thời điểm hiện nay mà các DN chế biến điều đang ứng dụng. Dây chuyền cắt tách vỏ hạt điều có ưu điểm nâng cao năng suất lao động; sản xuất tập trung, mặt bằng nhà xưởng giảm, có thể sản xuất 2 ca/ngày và chỉ cần lao động phổ thông.
Ông Nguyễn Duy Khiên - Giám đốc Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công Thương Bình Phước) cũng cho biết, đa số các DN chế biến điều XK tại Bình Phước đều đã đưa vào sử dụng công nghệ phân loại màu hạt điều XK.
Máy phân loại màu CS 300 BMU là đề án công nghệ Nhật Bản đầu tiên được Công ty TNHH MTV Tuấn Bông (xã Đồng Tiến, huyện Đồng Phú, Bình Phước) phối hợp với Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp Bình Phước đưa vào sử dụng tại công ty với chi phí xây dựng lên đến 5 tỷ đồng. Với công suất 1 tấn/giờ, công nghệ này giúp thay thế khâu chọn màu hạt điều thủ công, giảm chi phí về thời gian và nhân lực, tăng tính an toàn, đảm bảo vệ sinh trong chế biến điều XK.
Ngoài ra, nhiều DN chế biến điều thuộc Hiệp hội Điều Việt Namđã chủ động đầu tư nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm XK và tiêu thụ nội địa…
Để có được sự phát triển bền vững, các DN ngành điều xác định quan tâm hơn nữa tới công nghệ chế biến để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Quản lý vận hành theo các tiêu chuẩn ISO, HACCP… nhằm đạt hiệu quả cao nhất có thể…/.
Theo Vinacas, cả nước hiện có trên 300 DN XK điều với hơn 100 nhà máy, cơ sở chế biến hạt điều. Sản phẩm điều XK và tiêu thụ nội địa là điều thô và nhân điều. Hạt điều Việt Nam đã XK đến trên 100 thị trường là các quốc gia và vùng lãnh thổ thế giới. Trong đó, Hoa Kỳ là thị trường lớn nhất (chiếm 35% thị phần), tiếp đến là Trung Quốc 20% và EU 27%...
Theo Duy Anh