Ngành nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước vận hội lớn
BMI nêu rõ ngành nông nghiệp Việt Nam có nhiều cơ hội để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng cả trong sản xuất-chế biến, xuất khẩu và bán lẻ, đặc biệt là đối với một số sản phẩm truyền thống.
Trong một báo cáo vừa được công bố gần đây, tổ chức Giám sát Doanh nghiệp Quốc tế (BMI) có trụ sở tại London, Vương quốc Anh khẳng định ngành nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước vận hội lớn với một triển vọng sáng lạn nhờ những cải thiện tích cực của nền kinh tế và môi trường kinh doanh thời gian qua.
Quá trình tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam trong 10 năm qua đã chứng kiến không ít thăng trầm do lạm phát cao và những dao động về tỷ giá đồng nội tệ nhằm tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu.
Tuy nhiên, năm 2013, nền kinh tế Việt Nam đã tạo ra bước ngoặt quan trọng khi Chính phủ thúc đẩy hàng loạt chính sách nhằm mục tiêu bình ổn giá và giải quyết tình trạng mất cân đối về vĩ mô.
Chính phủ Việt Nam còn thể hiện rõ quyết tâm tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước, khơi thông nguồn lực kinh tế hỗ trợ khu vực tư nhân bằng chính sách thuế và đầu tư cơ sở hạ tầng.
Việt Nam cũng mong muốn thu hút ngày càng nhiều vốn đầu tư nước ngoài vào các ngành kinh tế, trong đó có nông sản.
Hiện đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong ngành nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 1-3% tổng vốn FDI của Việt Nam.
BMI cho rằng mặc dù không chịu tác động trực tiếp từ những chính sách này, nhưng ngành nông nghiệp Việt Nam sẽ được hưởng lợi khi sản xuất được mở rộng và môi trường kinh doanh được cải thiện.
Không chỉ mong muốn thu hút thêm FDI, Chính phủ Việt Nam còn có kế hoạch nâng cao hiệu quả sản xuất-kinh doanh của ngành nông nghiệp trong thời gian tới.
Các chương trình khuyến khích mô hình đối tác công-tư (PPP) cũng được triển khai mạnh mẽ trong một số lĩnh vực như chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản...
Những động thái này đã tạo tiền đề quan trọng để BMI đưa ra dự báo về triển vọng tích cực của ngành nông nghiệp Việt Nam trong một vài năm tới.
Về sản xuất, tài nguyên đất đai màu mỡ cộng với năng suất ngày càng tăng sẽ giúp đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng ở các lĩnh vực như sản xuất lúa gạo, chăn nuôi và chế biến gia súc gia cầm và sữa.
Theo dự báo của BMI, các lĩnh vực này đều có thể đạt nhịp độ tăng trưởng hơn 10% trong khoảng thời gian từ năm 2012-2017.
Triển vọng xuất khẩu cũng hứa hẹn nhiều cơ hội tốt cho ngành nông nghiệp Việt Nam. Nhờ nỗ lực vươn lên trước các đối thủ cạnh tranh truyền thống như Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ hay Brazil, mà nông sản Việt Nam tiếp tục khẳng định vị trí là một trong nước dẫn đầu về xuất khẩu cà phê và gạo. Tuy nhiên, hàng nông sản Việt Nam sẽ phải cạnh tranh gay gắt ngay tại các thị trường chủ chốt.
Để có thể duy trì tốc độ tăng trưởng, BMI cho rằng Việt Nam cần tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm và năng suất của ngành nông nghiệp. Nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm phụ thuộc nhiều vào việc ứng dụng công nghệ mới trong canh tác-nuôi trồng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm bằng những quy định nghiêm ngặt hơn song song với việc xác lập xác lập thương hiệu...
Thực hiện thành công những biện pháp này sẽ giúp ngành nông nghiệp Việt Nam tăng giá trị của hàng hóa xuất khẩu, từ đó cải thiện năng lực cạnh tranh trên thị trường thế giới./.