Ngao mất mùa vẫn rớt giá
Mặc dù sản lượng ước tính đã giảm 2/3 so với năm trước, nhưng người nuôi ngao ở Thái Bình đang phải đối mặt với một mùa thất bát, các bãi nuôi thả ngao thịt, ngao giống nằm thênh thang đợi khách…
Tại xã Đông Hoàng, huyện Tiền Hải, chủ đầm ngao Phạm Quang Huy, ngao ngán: “Tôi có gần 3 ha ngao, đầu vụ đầu tư gần 3 tỉ đồng để cải tạo đầm, mua giống, thức ăn. Bây giờ đến lúc thu thì không ai hỏi mua. Nếu tình trạng này kéo dài, việc phá sản, bị ngân hàng siết nợ là rõ ràng”.
Xã Đông Hoàng có 50 hộ nuôi ngao với tổng diện tích 128 ha, thì cả 50 hộ đều đang có chung tâm trạng giống anh Huy vì đều chưa tìm thấy khách mua.
Theo ông Vũ Thanh Tùng, Phó chủ tịch UBND xã Đông Hoàng, tổng sản lượng ngao thịt dự kiến thu hoạch hơn 3.800 tấn, nhưng đến nay tiêu thụ được chỉ khoảng gần 30%. Còn trên 70%, tương đương khoảng 2.700 tấn ngao thịt, vẫn nằm chờ trong vây, dưới bãi. Chưa kể đến hàng chục ha ngao giống cũng đang “dài cổ” chờ khách…
Cũng theo ông Tùng, việc không có khách mua ngao còn khiến hàng nghìn lao động của địa phương mất việc làm. Vào thời điểm này hằng năm, các chủ đầm phải thuê hàng nghìn lao động đến thu hoạch. Thậm chí phải tranh nhau lao động. Nhưng năm nay thì hầu hết phải bỏ quê lên thành phố kiếm việc.
Tại các vùng ngao khác của huyện Thái Thụy, Tiền Hải đều có tình trạng tương tự. Theo các chủ đầm ngao thì nguyên nhân chính của tình trạng ế ẩm ngao năm nay là do thị trường Trung Quốc hạn chế nhập ngao thương phẩm qua đường tiểu ngạch.
Chị Lê Thị Thanh, một đầu mối tiêu thụ ngao lớn tại huyện Thái Thụy, cho biết: Mùa thu hoạch ngao mọi năm, xe tải chạy chật đường, suốt ngày đêm. Sản lượng bán mỗi ngày cho Trung Quốc lên tới hàng nghìn tấn. Thương lái Trung Quốc còn về tận nơi để đặt cọc trước. Bây giờ thì mỗi ngày cao nhất cũng chỉ xuất sang Trung Quốc được vài chục tấn.
Một thị trường khác được trông đợi là xuất sang châu Âu năm nay cũng hầu như đóng cửa. Chủ đầm ngao Trần Thái Hưng (xã Đông Hoàng, huyện Tiên Hải) than thở: Tại xã Nam Thịnh, huyện Tiền Hải có Công ty Nghêu Thái Bình chuyên sơ chế sản phẩm xuất đi thị trường châu Âu, mọi năm cũng thu mua hàng chục nghìn tấn. Nhưng chẳng hiểu sao từ đầu năm tới nay cũng chỉ mua vào gần 100 tấn ngao thương phẩm.
Bế tắc, các chủ đầm ngao chỉ còn cách cố vớt vát “được đồng nào hay đồng ấy” bằng cách bán ngao ra thị trường nội địa. Nhưng tính tổng mỗi ngày cũng chỉ bán được vài tạ ngao thương phẩm, không thấm vào đâu so với số lượng vài chục nghìn tấn ngao thu hoạch thời điểm này.
Gần một tháng trước, có một số chủ đầm ngao ở huyện Tiền Hải thuê xe chở ngao tới các siêu thị, trung tâm thương mại tại Hà Nội, và các tỉnh lân cận bán nhưng cũng buồn bã trở về vì mời gãy lưỡi, bán đại hạ giá mỗi chuyến cũng chỉ được vài tạ, không đủ tiền thuê xe…
Từ 17.000 - 18.000 đồng/kg, đến nay giá ngao thương phẩm bán tại bãi dao động từ 11.000 - 13.000 đồng/kg. Giá ngao giống cũng tụt từ 48 xu/con (tương đương 4,8 triệu đồng/kg) đầu vụ xuống còn 15 xu/con.
Theo thống kê của Sở NN-PTNT tỉnh Thái Bình, do ảnh hưởng của mưa bão, nên sản lượng ngao năm nay chỉ còn bằng 2/3 các năm trước, hiện còn khoảng 70.000 tấn, nhưng không thể bán được. “Nguy hiểm nhất của nghề nuôi ngao là đến vụ thu hoạch mà không bán được. Số lượng ngao đang nằm dưới bãi quá lâu sẽ phát triển với kích cỡ lớn, ken chặt vây nuôi dẫn đến nguy cơ chết hàng loạt, ảnh hưởng đến môi trường nước và lây lan sang các bãi, đầm nuôi thả khác”, ông Phạm Văn Hợp, Phó giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại, Sở Công thương Thái Bình cảnh báo.
Tại vùng nuôi ngao lớn nhất của Nam Định là huyện Giao Thủy, tình hình có vẻ khả quan hơn. Ông Nguyễn Văn Cửu, Chủ tịch Hiệp hội nuôi nhuyễn thể Giao Thủy, cho biết trong 11 tháng, lượng ngao bán ra đạt trên 16.000 tấn, trong đó thị trường nội địa chiếm 50%, xuất qua đường tiểu ngạch sang Trung Quốc chiếm 30%, số còn lại xuất khẩu sang các thị trường châu Âu, Mỹ, Nhật... Hiện nay, trung bình mỗi ngày, Giao Thủy xuất ra thị trường khoảng 25-30 tấn ngao, ngày nhiều lên tới 50 tấn. Trái với Thái Bình xuống giá thì giá ngao Giao Thủy đang nhích hơn, hiện ở mức khoảng 13.000 đồng/kg, tăng 1.500 đồng/kg so với hồi giữa năm. Nguyên nhân, theo ông Cửu là ngay khi thị trường Trung Quốc và châu Âu chững lại, Giao Thủy đã chủ động tìm thị trường trong nước bằng việc tiếp thị các chợ, siêu thị mở hàng loạt các cửa hàng bán lẻ tại các tỉnh. Việc ngao Giao Thủy được giá và được thị trường nội địa tiếp nhận thuận lợi là vì trước đó đã đăng ký và thực hiện quy trình sản xuất ngao sạch. |
Theo Hoàng Long