Nghịch lý hạt muối Việt Nam: Doanh nghiệp nội chê, nước ngoài tìm nhập
Trong khi các doanh nghiệp trong nước tìm đủ mọi cách để nhập khẩu muối về sản xuất và “chê” muối nội thì các DN nước ngoài lại đang tìm mua muối thô của Việt Nam để sản xuất. Vì sao có nghịch lý này?
Thừa - thiếu hạt muối
Mới đây, Bộ Công Thương đã đồng ý cho 3 DN được nhập khẩu muối theo hạn ngạch thuế quan năm 2013. Cụ thể, Công ty TNHH MTV Hóa chất cơ bản Miền Nam được nhập 20.000 tấn muối công nghiệp để phục vụ sản xuất hóa chất; Công ty CP Hóa chất Việt Trì được nhập 10.000 tấn muối công nghiệp và Công ty CP hữu hạn Vedan Việt Nam được nhập 21.000 tấn.
Việc mỗi năm Việt Nam phải nhập khẩu một lượng muối theo hạn ngạch (DN cũng được nhập ngoài hạn ngạch, nhưng thuế sẽ rất cao), theo Bộ Công Thương là do muối tinh khiết (còn gọi muối dùng trong lĩnh vực hóa chất, y tế) hiện trong nước chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Trong khi đó, mỗi năm Việt Nam lại dư thừa, tồn kho hàng ngàn tấn muối. Theo báo cáo của Bộ NNPTNT, lượng muối tồn trong diêm dân và một số DN sản xuất tính đến hết tháng 10.2013 ở mức 118.146 tấn.
Rõ ràng, việc nước ta thừa muối mà vẫn nhập khẩu hàng chục nghìn tấn từ nước ngoài đã là chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Bởi ngay cơ quan chức năng còn tuyên bố rằng, muối tinh khiết dùng trong hóa chất, y tế hiện trong nước chưa đáp ứng đủ nhu cầu, nên việc DN xin nhập để phục vụ sản xuất là chuyện bình thường. Còn muối thừa là muối thường, sản xuất trong nước.
Đáng nói là trong khi các DN trong nước năm nào cũng xin nhập muối tinh khiết về thì ngày càng có nhiều DN công nghệ thực phẩm của Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và Mỹ mua muối thô từ Việt Nam về để sản xuất.
Ta chê, ngoại nhập
Trao đổi với chúng tôi, ông Ngô Tấn Bán - nguyên lãnh đạo Tổng Công ty Muối Việt Nam khẳng định: Dù lượng muối xuất khẩu chưa lớn, nhưng việc nhiều DN nước ngoài tìm cách mua muối thô của Việt Nam với số lượng lớn là có thực. Đơn cử như tỉnh Thanh Hóa, hiện mỗi tháng xuất được 4-5 container muối sạch.
Muối Việt Nam cũng đã xuất cục bộ sang cả Trung Quốc (vì Trung Quốc có đặc điểm là chỉ có muối mỏ, nhiều khi thiếu muối, miền núi phải cung ứng cho miền xuôi nên muối Việt Nam dễ dàng thâm nhập thị trường này). Hay tỉnh Bạc Liêu - nơi có diện tích muối lớn nhất cả nước, cũng là tỉnh duy nhất ĐBSCL đã ký kết hợp đồng với Nhật Bản cung cấp muối tinh chất lượng cao...
Theo ông Bán, các nước đều đánh giá muối Việt Nam nếu thanh lọc tốt hoàn toàn có thể sử dụng trong công nghiệp, do muối Việt Nam được sản xuất thủ công tại đồng nên giữ được rất nhiều vi chất từ nước biển, đồng thời có hàm lượng NaCl cao (95%).
Thực tế, những năm đầu của thập kỷ 90, hạt muối Việt Nam đã từng có mặt tại các nước Liên Xô và Đông Âu, số lượng khoảng 40.000 – 50.000 tấn/năm, chủ yếu xuất theo hiệp định thương mại giữa hai Chính phủ. Khi chuyển sang cơ chế thị trường, chúng ta cũng xuất khoảng 10.000 – 15.000 tấn/năm.
Đáng chú ý, các sản phẩm muối sạch tự nhiên (muối ngọt); muối tinh chất lượng cao của Việt Nam đã có mặt tại thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)..., với số lượng ngày một tăng. Năm 2012, ngành muối xuất khẩu 20.500 tấn, trong đó riêng Công ty Muối Thanh Hóa đã xuất 554 tấn muối sạch vào Mỹ, Nhật Bản. Năm 2013, Thanh Hóa dự kiến xuất khẩu trên 600 tấn muối sang 2 thị trường trên và xúc tiến mở rộng thêm một số thị trường khác.
Để có lượng hàng ổn định cung ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu, nhiều DN Việt Nam đã đầu tư sản xuất muối sạch tự nhiên với sự tham gia của người dân. Ngoài ra, công nghệ sản xuất muối sạch bằng trải bạt cũng đã và đang được nhiều đồng muối triển khai áp dụng. Hiện, sản phẩm muối sạch tự nhiên của Việt Nam đã đảm bảo độ sạch gần như tuyệt đối và giữ được các vi chất trong muối nên giá bán cao gấp từ 2,5 - 3 lần so với muối thô.
Ông Ngô Tấn Bán cho rằng, việc muối sản xuất trong nước dư thừa nhưng DN vẫn phải nhập muối đã thể hiện phần nào sự bất cập trong chính sách của Nhà nước, khi chưa có chính sách cụ thể nào cho ngành muối phát triển, chưa có sản phẩm đáp ứng đủ trong nước và xuất khẩu. Đồng muối lại do tư nhân, nông dân đầu tư, trong khi để sản xuất được muối tinh khiết đòi hỏi vốn đầu tư rất lớn, nếu không có “bàn tay” hỗ trợ của Nhà nước thì nông dân không thể làm nổi.
Rõ ràng, việc nhập khẩu muối sớm hay muộn cũng sẽ gây mất ổn định thị trường và ảnh hưởng đến lợi ích của diêm dân. Thực tế là ngành Hải quan cũng đã phát hiện DN trục lợi bằng cách lợi dụng cơ chế ưu đãi thuế để nhập khẩu muối công nghiệp, nhưng sau đó lại bán ra thị trường làm muối ăn.
Còn chuyên gia thương mại Phạm Tất Thắng cho biết, hiện nay, điểm yếu của hạt muối Việt Nam là giá quá cao, còn muối nước ngoài nhập về Việt Nam, tính tất cả phí vận chuyển, thuế đều thấp hơn nên mới có chuyện nhập khẩu muối diễn ra nhiều năm qua. Để Việt Nam có thể sản xuất đủ muối cho sản xuất công nghiệp và xuất khẩu, trước hết Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ vốn vay cho diêm dân. Nhà nước phải hỗ trợ kỹ thuật và hạt muối chúng ta sản xuất ra phải được doanh nghiệp thu mua hết.
Theo Mai Hương