MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nguy cơ thuốc diệt cỏ kịch độc tràn vào Việt Nam

25-11-2015 - 17:07 PM |

Theo PGS.TS Nguyễn Kim Vân, Hội Khoa học Kỹ thuật Bảo vệ thực vật Việt Nam, năm 2016, một loại thuốc diệt cỏ cực độc của Trung Quốc có thể ồ ạt vào Việt Nam qua đường nhập lậu, làm tăng nguy cơ mất an toàn thực phẩm, ảnh hưởng sức khỏe cộng đồng.

Chia sẻ tại Tọa đàm Đóng góp ý kiến với Luật An toàn Thực phẩm do Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam tổ chức, PGS.TS Nguyễn Kim Vân chia sẻ: Hiện nay, Trung Quốc có khả năng chuyển thuốc diệt cỏ paraquat (còn gọi là thuốc cỏ cháy) từ dạng lỏng sang dạng bột. Như vậy, một khối lượng lớn thuốc paraquat dạng lỏng do Trung Quốc sản xuất trước đó có nguy cơ tuồn sang các nước lân cận trong đó có Việt Nam. Paraquat có khả năng diệt cỏ rất nhanh (chỉ 24h sau khi phun thuốc, cỏ sẽ bị chết cháy hàng loạt) nên được sử dụng khá phổ biến.

Đây là loại thuốc diệt cỏ có độ độc mạnh, thuộc danh mục thuốc bị hạn chế, có ảnh hưởng lớn đến sức khỏe cộng đồng, môi trường. Đặc biệt khi bị nhiễm độc loại thuốc này sẽ không thể giải độc. Theo Sở NN&PTNT Lào Cai, từ tháng 3/2013-6/2014, tỉnh có 26 ca ngộ độc thuốc trừ cỏ paraquat trong đó 80% tử vong. Việc tuồn lượng lớn thuốc diệt cỏ Trung Quốc này vào nước ta có nguy cơ gây mất ổn định công tác quản lý về bảo vệ thực vật - vấn đề có liên quan chặt chẽ đến an toàn thực phẩm tại Việt Nam.

PGS.TS Nguyễn Kim Vân cho biết, các cơ quan chức năng cần có biện pháp ngăn chặn từ bây giờ, quan trọng nhất là kiểm soát nhập lậu qua đường biên giới. Tình trạng thuốc nhập lậu qua biên giới ở một số tỉnh phía Bắc như Lạng Sơn, Lào Cai, Cao Bằng rất đáng báo động. Theo số liệu của Sở NN&PTNT Lào Cai, hằng năm, lượng thuốc BVTV của tỉnh ước tính 145-150 tấn thì hơn 10% trong số đó nhập lậu ngoài danh mục do Trung Quốc sản xuất, chủ yếu là thuốc diệt cỏ, thuốc kích thích sinh trưởng cho cây chuối và dứa. PGS Vân đề xuất cần tăng mức phạt với hành vi sai phạm trong sản xuất, kinh doanh, tàng trữ, vận chuyển thuốc trái quy định để hạn chế tình trạng nhập lậu.

Những năm qua, lượng thuốc BVTV được sử dụng tại Việt Nam tăng nhanh, trong đó có tới 90% được nhập khẩu từ Trung Quốc. Trong vòng 10 năm gần đây, số lượng thuốc BVTV sử dụng tăng 2,5 lần, số loại thuốc đăng ký sử dụng tăng 3,5 lần và giá trị thuốc nhập khẩu tăng 3,5 lần. Khối lượng hoạt chất thuốc BVTV trên ha cây trồng ở Việt Nam cao hơn một số nước. Việt Nam là 2kg/ha trong khi Thái Lan là 1,8kg/ha, Bangladesh là 1,1kg/ha, Senegal là 0,2kg/ha.

 

Theo Nguyễn Hoài

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên