Nhọc nhằn vùng nuôi tôm
Trước đây, 2 huyện Long Thành, Nhơn Trạch nổi tiếng là vùng nuôi tôm công nghiệp khá hiệu quả. Song do nguồn nước ô nhiễm, dịch bệnh, nhiều “đại gia” nuôi tôm đã trắng tay.
Hiện nhiều hộ đã chuyển qua nuôi tôm quảng canh nhưng thu nhập không cao.
Thời hoàng kim của nuôi tôm thẻ chân trắng công nghiệp là năm 2005-2008. Lúc đó, diện tích nuôi tôm công nghiệp lên đến gần 1 ngàn hécta, tập trung ở các xã: Long Phước, Phước Thái (huyện Long Thành) và Long Thọ, Phước An (huyện Nhơn Trạch).
Qua thời hoàng kim
Trở lại vùng nuôi tôm ở huyện Long Thành, Nhơn Trạch, cảnh đìu hiu như cách đây gần 3 năm, thời mà nhiều “đại gia” nuôi tôm trắng tay, nợ nần chồng chất vì tôm đã không còn. Song vùng nuôi tôm vẫn tương đối vắng vẻ, lâu lâu mới có một vài thương lái ra vào hỏi mua tôm, cá.
Ông Nguyễn Văn Đức, ấp 3, xã Long Thọ (huyện Nhơn Trạch) nhớ lại: “Ngày trước, khi nuôi tôm công nghiệp còn đang trúng, ngày nào cũng tấp nập. Lớp thì chở thức ăn vào cho các chủ ao, hồ, lớp vào mua tôm, đặt hàng... Nhưng bây giờ thi thoảng mới có thương lái vào mua tôm”.
Cũng theo ông Đức, hiện còn rất ít hộ dám nuôi tôm thẻ chân trắng dạng công nghiệp, do rủi ro quá cao. Đa số chuyển sang nuôi tôm sú dạng quảng canh, tuy lợi nhuận thấp nhưng vốn đầu tư ít và chắc ăn hơn. Vì thế, ông Đức có 8 hécta ao nuôi tôm dạng bán công nghiệp đều chuyển sang nuôi quảng canh.
Chị Trần Thị Lê, ấp 5, xã Long Thọ kể: “Tôi đầu tư 5 hécta ao nuôi tôm thẻ chân trắng nhưng chỉ trúng được vài vụ rồi nước ô nhiễm, dịch bệnh tôm chết hàng loạt làm tôi phải cầm cả sổ đỏ nhà đất. Hơn 2 năm nay, tôi chuyển 3 hécta sang nuôi tôm quảng canh, diện tích còn lại vẫn đang bỏ trống”. Theo ông Trần Tiến Nhạn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Thọ, cả xã có trên 200 hécta ao, hồ nuôi thủy sản. Trước đây phần lớn nuôi tôm công nghiệp, nay đa số chuyển sang nuôi tôm quảng canh để hạn chế rủi ro. Hầu hết bà con đều mong có mô hình nuôi trồng thủy sản nước lợ hiệu quả để chuyển đổi.
Lãng phí tiềm năng
vùng nước lợ?
Bà Nguyễn Tường Vi, Phó chủ tịch UBND xã Long Phước (huyện Long Thành), cho hay: “Xã có hơn 100 hécta ao, hồ nuôi tôm công nghiệp hiện phải bỏ hoang vì chưa tìm ra loại thủy sản nước lợ nào nuôi cho phù hợp. Một vài hộ liều nuôi thử cá chẽm, cua nhưng thiếu kinh nghiệm nên không đem lại hiệu quả”.
Hiện tại, nhiều hộ nuôi tôm đành bỏ ao chuyển sang làm thuê, làm mướn hoặc đi đánh bắt thủy sản tự nhiên ngoài sông để sống qua ngày. Tại xã Phước Thái (huyện Long Thành) có hơn 60/70 hécta nuôi tôm công nghiệp hiện bỏ hoang. “Tới đây, xã sẽ vận động nông dân cải tạo lại ao, chuyển sang nuôi cá mú, cá chẽm. Hai loại cá này đầu ra thuận lợi và giá cao” - ông Lương Văn Trường, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Thái, nói.
Thời gian qua, một số hộ nông dân ở các vùng nuôi tôm cũng đã nuôi thí điểm cua biển, cá chẽm, cá mú, nhưng vì thiếu kỹ thuật và kinh nghiệm nên hầu hết không thành công. Bên cạnh đó, vốn đầu tư nuôi các loài thủy sản trên khá cao, khoảng 60-70 triệu đồng/hécta, chưa kể tiền thức ăn nên ít hộ dám liều tiếp tục nuôi sau khi đã thất bại.
Về việc này, ông Phùng Cẩm Hà, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Đồng Nai, cho biết: “Chi cục đã khuyến cáo nông dân nên xử lý lại ao, hồ sau đó tiến hành nuôi luân canh, một vụ cá, một vụ tôm sẽ ít bị bệnh. Để hạn chế nguồn nước ô nhiễm, nông dân lấy nước vào các ao lắng lọc, sau đó mới cho qua ao nuôi”. Theo ông Hà, loại cá nuôi luân canh phù hợp và cho hiệu quả kinh tế cao là cá chẽm, kèo, rô phi. Nếu nông dân có nhu cầu, xã có thể đề xuất, chi cục sẽ tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi cá, tôm miễn phí.
Theo Hương Giang