MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nông dân ĐBSCL bất lực với bệnh chổi rồng trên cây nhãn

14-06-2012 - 13:45 PM |

Trong vòng 8 tháng qua, đã có 7 tỉnh, thành ở khu vực ĐBSCL công bố dịch bệnh chổi rồng tàn phá cây nhãn trên phạm vi toàn tỉnh, với tổng diện tích nhiễm bệnh là 24.469ha.

Theo một thống kê của Cục Bảo vệ thực vật, đến cuối năm 2011 ở khu vực phía Nam đã có 24.452ha nhãn bị bệnh chổi rồng trên tổng số 39.118ha diện tích trồng nhãn. Trong đó, diện tích nhãn bị nhiễm nặng là 12.907ha, thiệt hại về năng suất từ 10 - 90%.

Thiệt hại nặng nề

Tại Hội thảo “Giải pháp phòng chống bệnh chổi rồng trên cây nhãn” vừa diễn ra ở Vĩnh Long, TS Hồ Văn Chiến – Giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật Phía Nam cho biết: “Dịch bệnh chổi rồng trên nhãn diễn biến rất phức tạp. Trong 8 tháng qua đã có 7 tỉnh, thành ở khu vực ĐBSCL (Sóc Trăng, Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Cần Thơ và Hậu Giang) công bố dịch trên phạm vi toàn tỉnh với tổng diện tích nhiễm bệnh là 24.469ha”.

Vĩnh Long là tỉnh có diện tích nhãn bị bệnh chổi rồng lớn nhất khu vực. Theo thống kê của Sở NNPTNT, toàn tỉnh có 9.840ha nhãn thì có đến 8.168ha bị bệnh chổi rồng với tỷ lệ nhiễm bệnh từ 30-100%.

Gia đình ông Nguyễn Minh Hải ở xã Nhị Bình, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang có 0,4ha đất trồng 130 gốc nhãn tiêu da bò đã 10 năm tuổi hiện đang bị bệnh chổi rồng. Ông Hải cho biết: “Vườn nhãn của gia đình tôi bị bệnh với tỷ lệ lên đến 85%, coi như mất trắng mùa nhãn này. Tôi phải tiến hành cắt bỏ toàn bộ cây đem tiêu hủy và xử lý hóa chất để tránh lây lan bệnh”.

Căn bệnh bất trị

TS Nguyễn Văn Hòa – Viện Nghiên cứu Cây ăn quả Miền Nam cho biết: “Qua nghiên cứu, tác nhân gây bệnh chổi rồng trên nhãn là do vi khuẩn thuộc nhóm Gamma Proteobacteria. Vi khuẩn này không thể nuôi cấy, sống trong mạch dẫn của cây, đặc biệt là trên các đọt non, hoa. Đây là loại vi khuẩn chưa được định danh và cần có nhiều nghiên cứu sâu hơn để xác định loài vi khuẩn gây bệnh”.

Theo ông Hòa, bệnh được lan truyền qua trung gian truyền bệnh là nhện lông nhung, rất khó phát hiện bằng mắt thường. Chúng phát triển và gây bệnh mạnh nhất trong những tháng mùa nắng. Khi đó, nhện truyền bệnh rất sớm từ chồi non và nụ hoa mới nhú. Đồng thời, khi hết lá non, chúng còn tấn công trên lá già để vi khuẩn này lưu tồn và sẽ tấn công khi cây tiếp tục ra lá non đợt tiếp theo.

Ông Nguyễn Văn Liêm – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Vĩnh Long cho biết: “Khi dịch bệnh bùng phát, ngành nông nghiệp đã chủ động triển khai phòng chống dịch bệnh chổi rồng trên cây nhãn trên phạm vi toàn tỉnh để dập dịch. Đồng thời, nghiên cứu chuyển đổi một số diện tích cây nhãn đã bị nhiễm bệnh nặng sang các cây trồng khác như: Bưởi da xanh, cam sành, bưởi Năm Roi…”.

Theo Hoàng Mai

Dân việt

hangnt

Trở lên trên