MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nông nghiệp công nghệ cao: Xu thế hay trào lưu?

14-12-2013 - 18:19 PM |

Sản xuất rau quả, thực phẩm CNC là hướng đi tích cực của VN, nhằm khai thác lợi thế tài nguyên, nhân lực để tạo ra khối lượng lớn hàng hóa chất lượng cao đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và XK.

Ngày 13-12, Hội thảo "Nông nghiệp công nghệ cao: Xu thế hay trào lưu" diễn ra tại TP.HCM trong khuôn khổ Hội chợ triển lãm Nông nghiệp Công nghệ cao và Công nghiệp thực phẩm Hi-tech Argo 2013.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Lê Ngọc Đức – Trưởng phòng Kế hoạch và Đầu tư (Ban quản lý Khu nông nghiệp Công nghệ cao TP.HCM) nhận định phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao (CNC) là hướng đi tất yếu của sản xuất nông nghiệp và đã được chứng minh bởi thực tiễn phát triển nông nghiệp tại các nước trên thế giới, được thể hiện rõ nét tại tại những nước có nền nông nghiệp tiên tiến như Israel, Mỹ, Cuba, Nhật Bản …

Ông Lê Ngọc Đức cho biết, tính đến nay Khu nông nghiệp CNC TP.HCM đã có 14 dự án đầu tư với tổng diện tích 56,8 ha, tổng vốn 450 tỉ đồng. Các dự án chủ yếu tập trung vào lĩnh vực: ứng dụng CNC trong chọn tạo, nhân giống, cây trồng có năng suất và chất lượng cao, công nghệ tế bào thực vật, công nghệ sinh học phân tử, xử lý nông sản sau thu hoạch bằng nhiệt, sản xuất chế phẩm sinh học.

Trong năm 2013, các DN Khu nông nghiệp CNC đã cung cấp cho thị trường 14 tấn hạt giống F1 chất lượng cao các loại, 2.000 tấn thành phẩm (nấm rơm, dưa leo, dưa lưới, dưa leo thủy canh, bầu thủy canh, bí đao thủy canh …), 4.788 lít chế phẩm sinh học, 3.500 bình nấm linh chi kiểng, 27.000 túi meo nấm giống và 300.000 bịch phôi nấm với doanh thu 98 tỉ đồng (tăng 68% so với năm 2012).

Kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái – doanh nhân Việt kiều Canada nhận định rằng sản xuất rau quả, thực phẩm CNC là hướng đi tích cực của Việt Nam, nhằm khai thác lợi thế tài nguyên đất đai, nhân lực dồi dào để tạo ra khối lượng lớn hàng hóa chất lượng cao đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và XK. Tuy nhiên, Việt Nam cần lựa chọn các bước đi phù hợp về đối tượng cây trồng, công nghệ áp dụng, quy mô và khả năng đầu tư, đầu ra của sản phẩm và cuối cùng là phù hợp điều kiện kinh tế xã hội, hạ tầng, dân trí.

Đại diện tỉnh Lâm Đồng cho biết đến nay toàn tỉnh có 58 cơ sở ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô thực vật (riêng tại Đà Lạt có 50 cơ sở), hàng năm cung cấp cho thị trường trên 20 triệu cây giống cấy mô thực vật chủ yếu là sản xuất các giống, rau hoa cao cấp, là địa phương duy nhất trong cả nước có những DN hàng năm XK 7 triệu cây giống.

Hiện nay, nông sản ở Lâm Đồng được cấp trên 114 giấy chứng nhận theo tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế: trong đó có 2 chứng nhận sản xuất cà phê vối đạt tiêu chuẩn 4C và Utz Kapeh, 2 chứng nhận Orgarnik trên chè và rau, 6 chứng nhận GLOBALGAP trên rau và chè (là địa phương đầu tiên trong cả nước có chứng nhận GLOBALGAP trên chè) 2 chứng nhận tiêu chuẩn HACCP trên rau, 25 chứng nhận rau an toàn, 03 chứng nhận chè an toàn, 74 chứng nhận VietGap trên rau và chè.

Ông Robert Nissen – GĐ điều hành Công ty tư vấn nông nghiệp Ag-Hort International Pty Ltd cho biết, trong những năm gần đây, bên cạnh các nước tiên tiến như Mỹ, Anh, Phần Lan... nhiều nước ở châu Á cũng đã chuyển nền nông nghiệp theo hướng số lượng sang nền nông nghiệp CNC để tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, an toàn, hiệu quả.

Đơn cử như Trung Quốc hiện đã có khoảng 500 Khu nông nghiệp CNC và trên 4.000 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC tại các vùng sinh thái khác nhau. Những khu này đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển nền nông nghiệp hiện đại của Trung Quốc như tăng nhanh được năng suất cây trồng, vật nuôi, tạo được giống lúa cao sản (năng suất 12 tấn/ha) có mang gen kháng sâu bệnh, các giống cà chua năng suất 140 tấn/ha, rau cải đỏ ngọt năng suất 60 tấn/ha…

Theo Duy Quang

khanhnt

Báo hải quan

Trở lên trên