Nông sản rớt giá - Nguy cơ thiếu lương thực cuối năm
Không có vốn để tái sản xuất và nguy cơ thiếu lương thực đang là khó khăn của nhiều hộ dân ở miền núi tỉnh Khánh Hòa.
Thời điểm này năm ngoái, người dân xã Khánh Phú, huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa đã gặp khó vì giá sắn rớt xuống mức thấp nhất khoảng 700 đồng/kg, năm nay giá sắn đạt khoảng 1.000 đồng/kg. Mức giá này được xem là cải thiện hơn nhưng vẫn ở mức thấp, cùng với đó sản lượng sắn không đạt năng suất vì ảnh hưởng do thời tiết không thuận lợi. Trừ chi phí thuê mướn nhân công đang tăng cao như hiện nay thì người trồng sắn chẳng thể đủ bù vốn.
Khác với sắn, cây bắp năm nay đem lại năng suất cao cho người trồng nhưng lại rớt giá thấp nhất trong vòng 4 năm nay. Giá bắp tươi được thu mua hiện nay chỉ với giá 3.000-3.200 đồng/kg. So với năm trước, mỗi tấn bắp người dân thất thu hơn 1 triệu đồng.
Lý giải bắp rớt giá là do bắp vụ lỡ của Khánh Vĩnh thu hoạch đúng lúc trời mưa nên chất lượng không cao vì thế giá bán cũng thấp hơn bắp các nơi khác. Trừ các nguồn chi phí mà thương lái đã ứng đầu vụ thì bà con chỉ còn đủ tiền để trả nợ.
Ông Cao Nghiệp, cán bộ nông nghiệp xã Khánh Phú cho biết: “Bà con ở đây đều ứng tiền của thương lái từ đầu vụ để chi trả chi phí sản xuất, cuối vụ phải bán lại cho thương lái trừ nợ vì thế tình trạng bị ép giá là không thể tránh khỏi. Vụ mùa năm nay giá cả lại thấp nên nguy cơ thiếu lương thực, khó khăn tái sản xuất là rất cao”.
Việc thành lập các đơn vị Dịch vụ thương mại miền núi để thu mua nông sản của người dân từ đầu năm đến nay đã thực hiện theo phương thức trao đổi hàng hóa và thu mua trực tiếp. Trung tâm Dịch vụ thương mại huyện Khánh Vĩnh đã tiến hành thu mua gần 250 tấn bắp và mì. Tuy nhiên, lượng nông sản do đơn vị của Nhà nước thu mua còn ít, khả năng cạnh tranh thu mua với thương lái còn nhiều hạn chế vì thiếu vốn và nhân lực vào tận vùng để thu mua.
Bấp bênh trong sản xuất và không ổn định về đầu ra là thực trạng đã tồn tại lâu nay trong hoạt động sản xuất của bà con nông dân. Vụ cuối năm thất thu cũng đồng nghĩa người dân ở đây đang phải đối mặt với nguy cơ thiếu lương thực và khả năng thoát nghèo lại càng nan giải hơn khi mà nguồn vốn tái sản xuất cũng đã cạn kiệt.
Theo Bảo Lộc