MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phân bón giả vẫn “ngang nhiên” trên thị trường

05-05-2013 - 20:43 PM |

Qua thanh tra ở nhiều địa phương cho thấy, có tới một nửa lượng phân bón bán trên thị trường bị phát hiện là giả, kém chất lượng.

Mỗi khi vào vụ sản xuất, nạn kinh doanh, sản xuất phân bón giả, kém chất lượng lại gia tăng. Thực trạng này không những gây thiệt hại nặng nề cho nông dân, làm nhiễu loạn thị trường mà còn ảnh hưởng đến uy tín của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón. Để khắc phục nạn phân bón giả, kém chất lượng, cùng với sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan chức năng thì sự phối hợp của các cơ quan chức năng, doanh nghiệp sản xuất và chính nông dân có vai trò hết sức quan trọng.

Cũng như nhiều nông dân khác, theo lịch thời vụ, chị Hà Thị Huyền, thôn 5 xã Yên Sở, huyện Yên Sở, thành phố Hà Nội đi mua phân để bón thúc cho mấy sào lúa Xuân nhà mình. Mua về rồi mang ra ruộng bón luôn chứ thực tình chị không thể phân biệt phân bón mình mua về thật hay giả, chất lượng đảm bảo đến đâu... Chỉ đến khi thấy lúa đã bón phân rồi mà hình như phát triển chậm, chị mới giật mình rằng, có lẽ đã mua phải phân bón giả.

“Trên thực tế, nông dân đi mua phân bón không thể phân biệt được phân bón giả, kém chất lượng mà chỉ nhận biết được sau khi sử dụng. Phân bón giả ảnh hưởng nhiều đến năng suất sản lượng của người nông dân. Đề nghị các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra chất lượng các loại phân bón trên thị trường để người nông dân yên tâm sản xuất”- chị Huyền cho biết.

Qua thanh tra ở nhiều địa phương cho thấy, có tới một nửa lượng phân bón bán trên thị trường bị phát hiện là giả, kém chất lượng. Nguyên nhân chủ yếu khiến phân bón giả “ngang nhiên” có mặt trên thị trường chính là do công tác quản lý còn chồng chéo, chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe, còn người nông dân thì không thể phân biệt đâu là phân bón thật, đâu là giả... Chỉ tính riêng năm 2012, qua thanh tra Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) đã phát hiện gần 400 cơ sở kinh doanh phân bón vi phạm, xử lý hơn 2.500 tấn phân bón các loại. Các hành vi vi phạm chủ yếu là về nhãn, mác; phân bón kém chất lượng hoặc kém chất lượng đến mức coi là giả; vi phạm về thực hiện quy định niêm yết giá và đăng ký kinh doanh.

Theo ông Nguyễn Hồng Phong, Tổng giám đốc Công ty cổ Công nông nghiệp Tiến Nông, tỉnh Thanh Hóa, phân bón giả, kém chất lượng dễ làm vì đối tượng chủ yếu sản xuất thủ công, chỉ cần diện tích mặt bằng hẹp với công cụ thô sơ là có thể sản xuất được phân bón giả. 

Không chỉ ảnh hưởng tới nông dân, những người trực tiếp sử dụng phân bón giả mà còn làm ảnh hưởng rất lớn đến doanh nghiệp sản xuất chân chính, sản xuất những sản phẩm đảm bảo chất lượng do phải đầu tư quy mô, ứng dụng công nghệ hiện đại. Cũng theo ông Phong, quy định quản lý chất lượng của phân bón hiện nay cũng chưa rõ ràng nên các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ vẫn có thể lợi dụng kẽ hở để làm giả hoặc ăn bớt hàm lượng tiêu chuẩn trong phân bón, nhưng trên bao bì vẫn ghi đủ hàm lượng theo quy định nhằm thu lời bất chính.

"Quy định về chất lượng phân bón hiện nay còn chưa rõ ràng, một số chất có trong phân bón không được quy định rõ ràng nên xảy ra tình trạng không có cơ sở hạ tầng, máy móc trang thiết bị vẫn sản xuất được phân bón trong khi các doanh nghiệp làm ăn chân chính phải đầu tư rất lớn vào công nghệ để sản xuất. Vì vậy, quản lý Nhà nước cần phải thay đổi để có những điều kiện quản lý việc sản xuất kinh doanh phân bón hiện nay" - ông Nguyễn Hồng Phong đề xuất.

Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Trí Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội phân bón Việt Nam cho rằng, các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh phân bón hiện nay chưa đầy đủ. Cụ thể như việc phân cấp quản lý chất lượng phân bón còn  chồng chéo; chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe.

Được biết, sắp tới, Bộ Công Thương sẽ trình Chính phủ dự thảo Nghị định quản lý sản xuất kinh doanh phân bón và sửa đổi bổ sung chế tài xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phân bón. Theo đó, nếu sản xuất, gia công phân bón giả có giá trị tương đương với hàng thật đến 40 triệu đồng thì mức xử phạt từ 60 triệu đến 70 triệu đồng; mức xử phạt cao nhất được áp dụng đối với hành vi này là từ 120 đến 150 triệu đồng... Đây sẽ là hành lang pháp lý để tăng cường quản lý Nhà nước và hạn chế những tiêu cực trong sản xuất, buôn bán phân bón như thời gian qua.

Ông Nguyễn Trí Ngọc phân tích: “Chúng tôi và người nông dân rất kỳ vọng vào Nghị định quản lý sản xuất kinh doanh phân bón khi ra đời sẽ khắc phục những bất cập của ngành phân bón hiện nay. Phân bón phải là mặt hàng sản xuất kinh doanh có điều kiện, như thế sẽ hạn chế được những trường hợp kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng. Ngoài ra chế tài xử phạt được quy định cao hơn sẽ đủ sức răn đe các cá nhân, tổ chức đã, đang sản xuất kinh doanh những loại phân bón không đúng với chất lượng đã đăng ký”.

Cùng với chất lượng giống thì phân bón là mặt hàng thiết yếu không thể thiếu phục vụ sản xuất nông nghiệp, quyết định đến năng xuất, sản lượng cây trồng. Do vậy, tăng cường quản lý, gắn với xử phạt nghiêm minh những đối tượng vi phạm, cần tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người nông dân khi mua phân bón ở những địa chỉ tin cậy. Làm được như vậy sẽ ngăn chặn hiệu quả tình trạng sản xuất, buôn bán phân bón giả, phân bón kém chất lượng như hiện nay./.

Theo Minh Long

khanhnt

VOV

Trở lên trên