MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phản đối Mỹ giám sát cá tra, ba sa của Việt Nam

01-12-2015 - 08:31 AM |

Theo Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình, việc Hoa Kỳ lập cơ chế giám sát đối với các loài cá thuộc họ Siluriformes, trong đó có cá tra, basa của Việt Nam là không cần thiết và Việt Nam thất vọng về điều này.

​Ngày 30/11, trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam liên quan đến việc Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ triển khai chương trình giám sát đối với các loài cá thuộc họ Siluriformes, trong đó có cá tra, basa của Việt Nam, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cho biết: "Chúng tôi rất thất vọng về việc Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ triển khai chương trình giám sát đối với các loài cá thuộc họ Siluriformes, trong đó có cá tra, basa của Việt Nam”.

"Sản phẩm cá tra, basa của Việt Nam là một trong những sản phẩm xuất khẩu chính của Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ. Các công ty Việt Nam hoạt động sản xuất kinh doanh theo cơ chế thị trường, luôn tuân thủ các quy định về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm khi xuất khẩu mặt hàng cá này vào thị trường Hoa Kỳ và đã được người tiêu dùng Hoa Kỳ chấp nhận rộng rãi. Do đó, việc lập cơ chế giám sát nêu trên là không cần thiết. Không chỉ Việt Nam mà nhiều cơ quan, tổ chức cũng như lãnh đạo Quốc hội Hoa Kỳ cũng đã lên tiếng phản đối chương trình này. Các nước ASEAN cũng lo ngại cơ chế này sẽ ảnh hưởng tới các mặt hàng xuất khẩu của họ”, người phát ngôn nhấn mạnh.

Ông Lê Hải Bình khẳng định: "Chúng tôi lo ngại cơ chế này sẽ trở thành một hàng rào thương mại phi thuế quan, tác động nghiêm trọng tới xuất khẩu của Việt Nam và đời sống của nhiều người nông dân Việt Nam cũng như quyền lợi của người tiêu dùng Hoa Kỳ.

Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, theo dõi sát quá trình triển khai để bảo vệ quyền lợi chính đáng của hai nước.”

Theo hãng Reuters, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) ngày 25/11 đã ban hành các quy định mới đối với những nhà cung cấp cá da trơn, trong đó yêu cầu tiến hành thanh tra tại chỗ các trang trại và các nhà xưởng chế biến đối với cả những nhà sản xuất trong và ngoài nước, hầu hết từ Việt Nam, nhằm đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn đồng nhất.

Những quy định mới này dự kiến có hiệu lực từ tháng 3/2016 và sẽ được thực hiện theo từng giai đoạn trong hơn 18 tháng, theo đó cho phép các nhà cung cấp nước ngoài có thời gian để tiến hành những thay đổi cần thiết để đáp ứng những yêu cầu của USDA.

Hiện cá da trơn là món thủy sản phổ biến thứ 6 ở Mỹ. Các nhà sản xuất Việt Nam và các nhà thương lượng thương mại đã bày tỏ quan ngại rằng hoạt động nhập khẩu cá da trơn sẽ bị cấm cho tới khi các nhà sản xuất có thể đáp ứng những yêu cầu mới của USDA, đồng thời sẽ gây ra trở ngại lớn cho lĩnh vực xuất khẩu quan trọng.

 

Theo Bình Giang

Tiền phong

Trở lên trên