Quốc tế báo động thuốc tăng trọng gia súc
Video của JBS và quyết định cấm gia súc sử dụng Zilmax của Tyson nhấn mạnh những dàn xếp ngày càng phức tạp trong khu vực nông nghiệp khi cố gắng sản xuất nhiều thực phẩm hơn với giá rẻ hơn.
Tại một hội nghị của Hiệp hội Thịt bò của ngành Gia súc Quốc gia Mỹ ở Denver, TS Lily Edwards-Callaway, chuyên gia sức khỏe động vật tại tập đoàn chế biến thịt JBS USA chiếu một video quay cảnh những con bò ráng bước đi và tỏ ra đau đớn, như thể bước trên sắt nóng và què quặt.
Đây là một phần trong cuộc tranh luận về việc sử dụng hoạt chất beta-agonist trong thức ăn gia súc. Beta-agonist là một chất phụ gia để gia súc sử dụng vài tuần trước khi giết thịt để tăng trọng đến hàng chục kg và giảm lượng mỡ.
Chứng cớ từ video của
JBS
Video được quay trong những tháng gần đây, với loại máy quay từ xa dùng để kiểm tra sức khỏe loài vật tại một cơ sở của JBS USA, nhưng không xác định vị trí. Video được quay với sự chấp thuận của các viên chức JBS USA, một số trong đó đã tham dự hội nghị.
Trong một clip, con vật không muốn di chuyển và có những bàn tay đẩy nó đi. Trong những clip khác, các con vật có vẻ cứng đơ và lờ phờ, bước đi “giống như những bà lão 90 tuổi”.
Edwards-Callaway khẳng định những con vật trong video được nuôi bằng một loại beta-agonist, nhưng không cho biết tên thuốc. Dù vậy, Callaway cho biết, những yếu tố khác như là nhiệt độ, vận chuyển, và sức khỏe của chính con vật, cũng có thể góp phần gây ra tình trạng đau đớn của chúng trên video.
GS Guy Loneragan về an toàn thực phẩm và sức khỏe cộng đồng tại ĐH Công nghệ Texas, mô tả video là “thuyết phục” và “rõ ràng những con vật này què quặt”, nhưng không rõ nguyên nhân tình trạng đau đớn của chúng.
Quyết định của Tyson
Foods
Video được chiếu cùng ngày mà Tập đoàn Tyson Foods, nhà sản xuất thịt gia súc lớn nhất nước Mỹ, tuyên bố không nhận gia súc nuôi bằng một phụ gia thực phẩm phổ biến nhất là Zilmax của công ty dược phẩm Merck&Co.
Trong một lá thư gửi các nhà cung cấp gia súc, Tyson cho biết quyết định không phải xuất phát từ vấn đề an toàn thực phẩm mà là từ lo ngại về hành vi loài vật có thể liên quan đến Zilmax, cho dù phát ngôn viên Gary Mickelson của Tyson khẳng định, không ai trong Tyson Foods đã xem hay biết gì về sự tồn tại của video này trước khi có quyết định ngừng mua gia súc nuôi bằng Zilmax.
Đầu mùa hè, một số gia súc tại nhà máy giết thịt của Tyson gặp khó khăn khi di chuyển. Đầu tiên, các viên chức Tyson qui trách nhiệm là nhiệt độ tăng vọt. Trong một lá thư gửi đến các trang trai, Tyson yêu cầu chăm sóc nhiều hơn cho gia súc bởi vì một số con vật có “dấu hiệu què quặt”.
Nhiều tuần trôi qua, tình trạng tiếp tục ở một số gia súc. Sau khi hỏi ý kiến bác sĩ thú y và chuyên gia, hôm 7.8, Tyson gửi một lá thư thứ hai cho các nhà cung cấp, thông báo dừng mua gia súc nuôi với Zilmax: “Chúng tôi không biết nguyên nhân của tình trạng này, nhưng một số chuyên gia sức khỏe động vật cho rằng, sử dụng phụ gia Zilmax, còn được gọi là zilpaterol, có thể là một nguyên nhân. Dù sao đi nữa, tình trạng này đủ quan trọng để chúng tôi tin quyết định này là có lý do.”
Phản ứng của các hãng
dược
Video của JBS và quyết định cấm gia súc sử dụng Zilmax của Tyson nhấn mạnh những dàn xếp ngày càng phức tạp trong khu vực nông nghiệp khi cố gắng sản xuất nhiều thực phẩm hơn với giá rẻ hơn.
Căng thẳng tăng lên trong quá trình đáp ứng mục tiêu này, kể cả nỗi lo sợ cho sức khỏe loài vật, chỉ trích của người tiêu dùng, và lo ngại của ngành công nghiệp về hiệu quả của công nghệ sinh học đối với chất lượng sản phẩm, như là thịt bò có còn lượng mỡ mà một số người tiêu dùng mong muốn.
Theo hãng dược Merck, nhiều thập niên nghiên cứu sản phẩm của Merck chứng tỏ Zilmax an toàn cho động vật và Merck đang làm việc với Tyson để xác định tại sao Tyson nhìn thấy những con vật không đi lại hay đi khập khiễng tại một số nhà máy thịt bò theo điều tra riêng của công ty về vụ Tyson,
Zilpaterol, chất hoạt hóa trong Zilmax, có mặt từ năm 2007 và mạnh hơn những chất beta-agonist khác trên thị trường.
Đối thủ chính của Merck trong sản xuất beta-agonist cho gia súc là Animal Welfare Elanco của công ty Eli Lilly chuyên chế tạo thuốc tăng trọng ractopamine cho trâu bò, heo và gà tây.
Elanco cho rằng lo ngại của Tyson chỉ riêng với Zilmax, bởi vì Tyson vẫn mua gia súc nuôi với thuốc Optaflexx của Elanco. Ngoài ra, 48 công trình nghiên cứu của Elanco cho trên 29.000 gia súc, chứng tỏ “không có khác biệt về tỉ lệ tử vong, bệnh tật hay những lo ngại khác liên quan sức khỏe” giữa những con vật dùng và không dùng phụ gia Optaflexx của Elanco.
Tranh cãi về Zilmax tiếp sau một tranh cãi tương tự về chất tăng trọng ractopamine. Trung Quốc và Nga đã cấm nhập thịt gia súc nuôi bằng ractopamine.
Tập đoàn thịt heo Smithfield Foods của Mỹ hồi tháng 5 đã thông báo dừng sử dụng ractopamine cho phân nửa đàn heo, một hành động được xem là nỗ lực thu hút thị trường Trung Quốc. Nhiều tuần sau đó, Shuanghui International của Trung Quốc thông báo kế hoạch mua Smithfield.
Cơ quan Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ (FDA) cho rằng hoạt chất beta-agonist an toàn cho gia súc và con người. FDA thông báo: “Không lo ngại nào về an toàn gia súc được mô tả trong những công trình nghiên cứu đã thực hiện,” trước khi phê duyệt Zilmax vào 2006.
Phản ứng các công ty
chế biến
Động thái ngưng nhận gia súc sử dụng Zilmax của tập đoàn gây bất ngờ cho Springdale ở bang Arkansas, công ty thịt gia súc lớn nhất của Mỹ ủng hộ sử dụng phụ gia thức ăn gia súc.
Tập đoàn kinh doanh nông nghiệp Cargill từ lâu phản đối mua gia súc nuôi với Zilmax do lo ngại thuốc làm giảm chất lượng thịt, đã bắt đầu nhận trở lại vào tháng 6.2012 và thông báo sẽ tiếp tục mua gia súc nuôi với thuốc này vì không nhận thấy tình trạng các con vật như trong video JBS.
Công ty National Beef Packing, một nhà sản xuất thịt bò hàng đầu khác, thông báo chấp nhận gia súc nuôi với Zilmax và sẽ không thay đổi qui trình cung cấp.
Sử dụng dược phẩm là một chủ đề tranh luận nóng trong hơn một năm nay trong công nghiệp gia súc Mỹ, nơi mà người chăn nuôi, cơ sở chế biến thức ăn gia súc và các nhà chế biến thịt thường ủng hộ sử dụng công nghệ sinh học để tăng trọng gia súc.
Nhờ Zilmax và các yếu tố khác, kể cả cải tiến thực phẩm và biến đổi gene, công nghiệp Mỹ đã sản xuất hơn 26 tỉ pound thịt bò từ 91 triệu đầu gia súc năm rồi. Vào 1952, Mỹ cần 111 triệu đầu gia súc để sản xuất 21 tỉ pound thịt.
Theo Võ Phương