Quy định mới của Hàn Quốc gây khó cho nông sản Việt Nam
Theo thông tin từ Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Nafiqad), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Từ ngày 1-1-2017, Hàn Quốc sẽ áp dụng quy định quản lý mới đối với tồn dư thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trên nông sản thực phẩm nhập khẩu.
- 24-10-2015Nông sản vào Mỹ được hỗ trợ
- 23-10-2015Cấm cửa nông sản Trung Quôc núp bóng hàng Việt
- 20-10-2015Cấm đưa khoai tây Trung Quốc vào bán tại Chợ nông sản Đà Lạt
Điều này gây ra nhiều khó khăn cho hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam.
Cụ thể, từ ngày 1-1-2017, Hàn Quốc sẽ áp dụng hệ thống danh mục (PLS) để quản lý các loại thuốc BVTV chưa được đăng ký. Nếu thuốc BVTV chưa được đăng ký hoặc chưa thiết lập quy định mức giới hạn (MRLs) thì sẽ áp dụng mức mặc định là 0,01 ppm từ 1-1-2017.
Nafiqad phân tích, việc áp dụng danh mục PLS sẽ hạn chế về số lượng, chủng loại thuốc BVTV được sử dụng trong phòng trừ sâu bệnh tại Việt Nam (nhiều loại thuốc BVTV chưa được đăng ký theo quy định mới của Hàn Quốc nên sẽ bị áp dụng mức mặc định 0,01 ppp), do vậy sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của nông dân, doanh nghiệp khi sản xuất, xuất khẩu các sản phẩm chủ lực như cà phê, lạc nhân, hạt điều và các loại trái cây sang thị trường này.
Đại diện Nafiqad đưa ra dẫn chứng, hiện nay Hàn Quốc đã quy định MRLs cho 29 loại hoạt chất thuốc BVTV trên cà phê nhưng từ ngày 1-1-2017 thì trong PLS sẽ chỉ còn 2 loại thuốc BVTV được thiết lập MRLs. Điều này đồng nghĩa với việc ngoài hai loại hoạt chất trên thì tất cả các hoạt chất còn lại đều chịu mức MRLs là 0,01 ppm.
Với ca cao, đang có 20 loại thuốc BVTV được quy định MRLs nhưng kể từ 1-1-2017 thì sẽ không có loại thuốc BVTV nào thuộc danh mục PLS, đồng nghĩa với việc áp dụng mức mặc định 0,01 ppm đối với tất cả các loại thuốc BVTV.
Không chỉ quy định mới về mức giới hạn, quy định đăng ký thuốc BVTV của Hàn Quốc cũng gây nhiều khó khăn cho nông sản Việt. Cụ thể, hiện tại Hàn Quốc có hai hệ thống đăng ký thuốc BVTV khác nhau áp dụng cho nội địa và nhập khẩu nhưng khi lưu thông trong nước thì áp dụng như nhau về MRLs trên hàng hóa.
Theo quy định, thời gian thẩm tra hồ sơ đăng ký là 3 lần/năm, thiết lập mức MRLs là 1 năm. Thời gian xem xét thay đổi hoặc miễn MRLs là 210 ngày. Kinh phí thiết lập MRLs là 30.000 USD; thay đổi MRLs hoặc miễn MRLs là 10.000 USD… (quy định mới này cũng tương tự như một số nước đang áp dụng như Nhật, Mỹ, EU…).
Nafiqad nhận định: Quy trình đăng ký và thiết lập mức MRLs của Hàn Quốc cho hoạt chất thuốc BVTV tốn nhiều thời gian và kinh phí thực hiện. Do không có quy định bắt buộc các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, cung ứng thuốc BVTV tại Việt Nam phải đăng ký với cơ quan thẩm quyền Hàn Quốc để thiết lập MRLs thuốc BVTV nên chưa có cơ sở yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV cho Việt Nam thực hiện đăng ký với Hàn Quốc.
Tuy nhiên, theo Nafiqad, phía Hàn Quốc khuyến nghị các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, cung ứng thuốc BVTV thực hiện đăng ký với cơ quan thẩm quyền của Hàn Quốc để được xem xét, thiết lập MRLs cho các loại thuốc BVTV, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp kinh doanh nông sản.
Báo hải quan