Rất ít lúa được bán trực tiếp cho doanh nghiệp xuất khẩu
Nguyên nhân một phần do DNXK gạo chuộng mua gạo hơn mua lúa. Sau đó mang về đánh bóng, đóng bao XK theo yêu cầu đơn hàng của đối tác.
Mỗi năm, Việt Nam sản xuất trên 40 triệu tấn lúa hàng hóa các loại, đóng góp cho xuất khẩu trên 7,7 triệu tấn quy gạo (năm 2012). Tuy nhiên, sản lượng lúa được nông dân bán trực tiếp cho doanh nghiệp xuất khẩu (DNXK) gạo chiếm tỉ lệ rất khiêm tốn… 5,1%. Thông tin trên được GS.TS Nguyễn Văn Luật-nguyên Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL cho biết tại Hội thảo “Sản xuất và tiêu thụ lúa gạo - Giải pháp và vấn đề” được tổ chức tại Cần Thơ trong 2 ngày 21 và 22/11.
Theo ông Luật, một kết quả nghiên cứu chuỗi giá trị xuất khẩu gạo ở An Giang trong năm nay cho thấy, mặt hàng lúa gạo XK hiện được phân phối qua 3 kênh chính. Thứ nhất, kênh phân phối từ nông dân đến nhà máy chế biến chiếm 2,8% và từ nhà máy chế biến đến DNXK chiếm 24,2%; thứ hai, từ nông dân sản xuất đến thương nhân mua lúa chiếm 91,2%, từ thương nhân mua lúa đến nhà máy xay xát chiếm 31,3% và từ nhà máy xay xát đến DNXK chiếm 24,2%. “Riêng kênh phân phối thông qua hình thức nông dân bán trực tiếp lúa cho DNXK gạo chỉ chiếm có 5,1%”- ông Luật cho biết.
Lý giải nguyên nhân trên, nhiều đại biểu tham dự hội thảo cho biết, một phần do DNXK gạo chuộng mua gạo hơn mua lúa. Sau đó mang về đánh bóng, đóng bao XK theo yêu cầu đơn hàng của đối tác.
Bên cạnh đó, do việc vận chuyển lúa hàng hóa từ đồng ruộng đến nơi tiêu thụ (tức DNXK) khó khăn, chi phí vận chuyển tăng cao nên nông dân thường chọn giải pháp bán ngay lúa tươi tại ruộng khi vừa thu hoạch xong. Chính việc mất quá nhiều khâu trung gian trong vận chuyển lúa hàng hóa từ đồng ruộng đến DNXK nên lợi nhuận nông dân thu được thường không cao, cho dù họ là lực lượng đảm nhận đến 50% khối lượng công việc trong chuỗi giá trị của ngành lúa gạo.
Điều này được thể hiện qua báo cáo phân tích chuỗi giá trị gia tăng ngành gạo được ông Luật sử dụng trình bày tại hội thảo này. Theo đó, giá trị thuần nông dân thu được trên mỗi kg lúa là 540 đồng (27,8%). Trong khi đó, thương lái mua lúa thu được 39 đồng (2%), nhà máy xay xát được 123 đồng (6,3%), nhà máy lau bóng được 50 đồng (2,6%). Đặc biệt, DNXK gạo thu được 556 đồng (28,7%) trên mỗi kg gạo xuất khẩu…
Theo Đức Văn – T.C