Rau sạch đang thiếu
Vấn đề rau an toàn ngày càng trở nên nhức nhối khi hiện nay, tại nhiều chợ đầu mối, việc quản lý mặt hàng này vẫn diễn ra khá lỏng lẻo, chồng chéo, thiếu hiệu quả.
Kiểm tra mang tính phong trào
Kết quả cuộc điều tra về an toàn thực phẩm (ATTP) đối với sản phẩm rau tại các chợ bán buôn của Hà Nội do Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn (Ipsard) thực hiện năm 2013 cho thấy, tại Hà Nội, chưa có chợ bán buôn nào có các phân khu riêng cho rau an toàn (RAT). Do đó, tỷ lệ RAT được cung ứng tại các chợ bán buôn còn rất hạn chế.
Theo ước tính của đại diện Ban quản lý (BQL) chợ Long Biên (Long Biên), chợ Hôm Đức Viên (Hai Bà Trưng) và chợ Đồng Xa (Cầu Giấy), lượng RAT cung ứng tại các chợ này chỉ dưới 10%. Trong khi BQL chợ rau Vân Nội (Đông Anh) không xác định được tỷ lệ RAT do chợ hiện đang trong tình trạng họp nhờ chợ Vân Trì (Đông Anh). Đối với chợ Đền Lừ (Hoàng Mai), BQL chợ cũng không xác định được lượng RAT thực tế được cung ứng do không có hoạt động khai báo của người bán hàng và không có phân khu riêng cho nguồn RAT.
Ông Trần Công Thắng, Trưởng Bộ môn Nghiên cứu Chiến lược và Chính sách (Ipsard) đánh giá: Công tác quản lý ATTP nói chung và đối với sản phẩm rau nói riêng chưa được thực hiện một cách sát sao tại chợ đầu mối Hà Nội. Nhiều đợt kiểm tra chỉ mang tính phong trào. Điều này thể hiện khá rõ ở chỗ, tại các chợ, chưa có hoạt động giám sát, quản lý thường xuyên đối với ATTP. Chỉ 2/5 BQL chợ cho biết có biện pháp quản lý ATTP với các sản phẩm tại chợ.
Đó là, BQL chợ Đồng Xa tiến hành rà soát các hộ bán RAT. BQL chợ Đền Lừ tổ chức tuyên truyền thường xuyên về ATTP và phân lô xác định vị trí cố định của người bán rau, hỗ trợ việc xác định người bán rau gây ngộ độc nếu người tiêu dùng có khiếu nại.
Theo ông Thắng, biện pháp trên chỉ mang tính tuyên truyền là chính, trong khi chưa thực sự thúc ép người cung cấp rau đảm bảo ATTP cho các sản phẩm mà mình cung ứng. Đối với 3 chợ còn lại là chợ đầu mối Long Biên, chợ rau Vân Nội, chợ Dịch Vọng Hậu sở dĩ chưa áp dụng các biện pháp quản lý ATTP đối với sản phẩm rau vì cho rằng đây không phải là chức năng của BQL chợ.
Liên quan tới vấn đề này, bà Lê Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho rằng: Thực trạng hoạt động cung ứng rau quả thực phẩm trên thị trường nội địa hiện nay hầu hết dựa vào hoạt động của các thương lái, các hộ kinh doanh nhỏ lẻ. Mối quan hệ mua bán chủ yếu thông qua thỏa thuận miệng trực tiếp, sự ràng buộc gắn kết giữa các chủ thể hầu như không có dẫn tới nguồn gốc hàng hóa khó truy xuất, vấn đề ATTP khó kiểm soát.
Bên cạnh đó, công tác quản lý ATTP với sản phẩm rau tại chợ bán buôn cũng gặp khó khăn do có quá nhiều ban ngành cùng tham gia, cơ chế hành chính chồng chéo, thiếu hiệu quả. Thành phần ban chỉ đạo kiểm tra liên ngành là những cán bộ kiêm nhiệm từ các cơ quan, ban, ngành khác nhau và nhìn chung chỉ tổ chức các đoàn thanh tra liên ngành vào một số thời điểm trong năm như tết Nguyên đán, tháng phong trào vệ sinh ATTP…
Ngoài ra, một hạn chế khác là lực lượng thanh tra chuyên ngành về ATTP của nước ta rất hạn chế, chỉ có khoảng 300 người. Trong khi đó, tại các quốc gia khác như Thái Lan, chỉ riêng thủ đô Bangkok đã có trên 5000 cán bộ thanh tra về thực phẩm, Nhật Bản là 12.000 người…
Tăng khả năng truy xuất nguồn gốc
Ông Thắng cho rằng, để giải quyết bất cập trong quản lý ATTP rau, Bộ NN&PTNT cần sớm hoàn thiện, ban hành thông tư về “Quy định về điều kiện đảm bảo ATTP đối với chợ đầu mối, đấu giá nông sản”. Trong đó, cần quy định rõ đơn vị nào thuộc Bộ là đầu mối thực hiện. Đối với các quy định về điều kiện đảm bảo ATTP tại chợ đầu mối, đặc biệt là đối với người bán hàng và đối với BQL chợ thì cần kèm các chế tài cụ thể.
Ngoài ra, phải rà soát và xây dựng mô hình hoạt động của các BQL chợ bán buôn rau theo hướng đảm bảo thực hiện công tác ATTP tại chợ. Cần quy định rõ ràng rằng, BQL chợ, DN hoặc hợp tác xã quản lý kinh doanh chợ bán buôn ngoài việc chấp hành nghiêm các quy định về tiêu chuẩn mô hình chợ đầu mối, cần có trách nhiệm trong tuyên truyền và quản lý trực tiếp hoạt động cung ứng rau tại các chợ bán buôn.
Đồng tình với các quan điểm trên, bà Lê Thị Hồng cho rằng, tăng cường khả năng truy xuất nguồn gốc đối với các sản phẩm rau tại chợ bán buôn, thông qua việc khuyến khích các hợp tác xã sản xuất RAT, các cơ sở sản xuất, công ty kinh doanh rau xây dựng cơ chế hợp tác kinh doanh lâu bền với các chợ đầu mối để đảm bảo nguồn cung RAT tại chợ đầu mối cũng là một biện pháp cấp bách.
Bà Hồng phân tích, hiện nay, việc đảm bảo ATTP cũng như truy xuất nguồn gốc sản phẩm rau tại các chợ bán buôn gặp khó khăn do người sản xuất gần như tách rời hoạt động bán buôn tại chợ. Rau được đưa đến cho các thương nhân thường không qua các hợp đồng. Do vậy, thời gian tới, nếu như các cơ sở sản xuất rau và các chợ bán buôn xây dựng cơ chế hợp tác kinh doanh sẽ ràng buộc trách nhiệm và lợi ích giữa các bên, góp phần đảm bảo ATTP và đặc biệt là cơ chế truy xuất nguồn gốc.
Kết quả điều tra về ATTP đối với sản phẩm rau tại các chợ bán buôn của Hà Nội do Ipsard thực hiện trong năm 2013 cho thấy: Khoảng 73% số người bán buôn rau được điều tra tại các chợ không phân biệt được RAT nếu không có các hỗ trợ kỹ thuật như các công cụ để kiểm tra độ an toàn của rau. Tỷ lệ này ở nhóm người mua rau lên tới 95%. Chỉ có 60% số người mua rau thực sự quan tâm đến ATTP của rau. Đặc biệt, có tới 30% số người bán buôn rau được điều tra cho rằng, không cần thiết phải cung cấp RAT do kinh doanh mặt hàng này không có lãi, chi phí sản xuất cao trong khi đầu ra không ổn định cả về giá cả và chất lượng.
Theo Uyển Như