Rực đỏ làng cá chép cúng ông Công ông Táo
Những ngày tiễn ông Công ông Táo (23 tháng chạp) cận kề cũng là lúc cả thôn Thủy Trầm, xã Tuy Lộc (Cẩm Khê-Phú Thọ) tấp nập thu hoạch những ao cá chép đỏ để kịp giao đi khắp các tỉnh thành cả nước.
Dọc theo tuyến quốc lộ 32C hơn 100km theo hướng Hà Nội - Yên Bái, thôn Thủy Trầm nằm nép mình bên dòng sông Thao hiền hòa. Từ lâu nơi đây đã nức tiếng cả nước bởi một nghề rất đặc biệt gắn với tín ngưỡng của người dân đất Việt. Đó là nghề nuôi cá chép đỏ cúng ông Công ông Táo vào 23 tháng chạp.
Từ khoảng 20 tháng chạp trở đi, gần như tất cả ao cá chép đỏ của người dân nơi đây đều được tát cạn để tiến hành thu hoạch cá sau gần 6 tháng thả nuôi. Tiếng người gọi nhau í ới, tiếng xe máy từ những người buôn về tận nơi lấy hàng và hình ảnh những con cá chép đỏ rực trong ao tạo nên một không khí Tết rộn ràng nơi làng quê yên bình.
Ông Nguyễn Văn Chín, một người nuôi cá trong thôn chia sẻ, nghề nuôi cá chép đỏ tại Thủy Trầm đã có từ rất lâu, bản thân gia đình ông cũng có mấy chục năm trong việc nuôi cá chép đỏ.
“Cá được chọn để đem bán trong ngày cúng ông Táo ông Công phải khỏe, đẹp, đỏ rực” - ông Bùi Ngọc Tân, người nuôi cá lâu năm trong thôn cho biết.
Nghề nuôi cá chép đỏ với người dân Thủy Trầm không chỉ với mục đích kinh tế mà còn lànét văn hóa truyền thống đã có từ bao đời của người dân nơi đây. Mỗi hộ gia đình trong thôn đều có ít nhất từ 2- 3 ao cá, khi nuôi, người dân chăm sóc cá và cho cá ăn thức ăn do chính tay mình làm ra chứ không cho ăn những loại cám kích thích khác.
Theo những cụ cao niên trong làng, người dân Thủy Trầm nuôi cá chép trước hết là để phục vụ và làm đẹp cho đời sống tâm linh của chính làng mình. Vì vậy, mỗi độ giáp ngày 23 tháng chạp, chợ phiên Thủy Trầm, xã Tuy Lộc lại rực đỏ, rực vàng màu cá. Cá được đựng trong những chiếc chậu nhôm trắng càng tô thêm sắc đẹp của cá. Những năm gần đây, cá chép còn được đựng trong túi ni lông, người mua có thể ngắm nghía cá, nếu vừa lòng sẽ tự tay bắt cá mang về.
Cá chép đỏ làng Thủy Trầm thu hút đông đảo giới thương buôn mỗi độ Tết ông Công ông Táo bởi cá ở đây có kích cỡ vừa phải, khỏe, đỏ tươi hoặc vàng, vây nhọn, vẩy ánh đẹp, có râu hai bên, vì thế nên được thị trường khắp nơi ưa chuộng.
Cả thôn có trên 500 hộ nuôi cá chép đỏ, mỗi năm lại xuất đi gần 60 tấn cádịp 23 tháng chạp, cung ứng chủ yếu cho các tỉnh thành như: Hà Nội, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang và TP.HCM.
Giá mỗi kg cá chép đỏ từ 100.000- 120.000 đồng, thương buôn luôn tấp nập đến tận ao cá lấy hàng.
Dưới tiết trời se lạnh của những ngày cuối đông đầu xuân, dưới những làn mưa lất phất, màu đỏ của cá chép lạitô đậm sắc tươi như để hòa cùng với hoa đào, hoa mận đang chúm chím khoe sắc. Ai đó có dịp đi ngang qua Thủy Trầm những ngày từ giữa tháng chạp có thể dừng chân ghé lại để chiêm ngưỡng sắc đỏ tươi của cá chép trong sự mến khách của người dân nơi đây.
Theo Tiến Thắng