MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Theo chân vải, thanh long, na Lạng Sơn lại được mùa xuống giá

24-08-2015 - 08:43 AM |

Đã hơn 10 ngày nay, chợ na Đồng Bành (Chi Lăng, Lạng Sơn) trở nên nhộn nhịp hơn. Na từ các xã Cai Kinh, Hòa Lộc của huyện Hữu Lũng, xã Đồng Bành tập kết về đây, người mua bán tấp nập.

Tuy nhiên người dân chưa kịp phấn khởi về mùa na bội thu lại đã buồn vì giá na giảm hơn nhiều so với năm trước cùng nhiều biến động thất thường.

Từ 6h sáng chợ na Đồng Bành (Chi Lăng, Lạng Sơn) đã tấp nập người mua bán. Cứ dăm phút, lại có một xe máy, xe kéo chở na từ núi về. Nằm ngay bên quốc lộ 1A nên việc luân chuyển hàng đi các tỉnh như Thái Nguyên, Quảng Ninh, Hà Nội cũng thuận tiện hơn… Tuy nhiên giá na mua buôn lại rẻ hơn so với năm trước với những biến động thất thường.

Chị Hà Thị Thu (Chi Lăng, Lạng Sơn) cho biết: “Tôi đi từ sáng sớm leo mấy quả đồi mới hái được gánh na mang xuống đây bán, giá cả thì cũng tùy loại na, mấy ngày đầu vụ na ngon thì còn bán được 25.000 đồng/kg chứ giờ giá na xuống thấp hơn bán buôn chỉ 18.000 – 20.000 đồng/kg thôi”.

Nhắc đến na Na Lạng Sơn phải kể đến na Đồng Bành, được trồng trên các núi đá, na sạch và thơm ngon, nơi đây có riêng một chợ trái cây Đồng Bành, mùa nào thức nấy. Thời gian này, từ sáng sớm tới chiều tối, chợ na Đồng Bành luôn nhộn nhịp người mua kẻ bán. Cây na đã trở thành cây xóa đói giảm nghèo cho bà con nhiều xã các huyện Hữu Lũng, Chi Lăng trong vòng 20 năm trở lại đây.

Giá na năm nay trung bình chỉ 18.000 - 22.000 đồng/kg loại to, đẹp. Na đẹp nhất chợ Đồng Bành chỉ có giá 25.000 đồng, hiếm có gia đình nào bán na với giá trên 25.000 đồng/kg. Một gùi na mang xuống chợ được người bán phân làm ba loại, loại nhỏ nhất chỉ có giá 10.000 đồng/ kg, loại trung bình 12.000 -15.000 đồng/kg, đẹp nhất là 25.000 đồng/kg. Nếu bán lẻ thì mức giá chênh lệch được thêm 2000 – 5000 đồng/kg nhưng với hàng tấn na như thế, người nông dân thường chọn cách đổ buôn.

Anh Hoàng Văn Đức (36 tuổi) ở Chi Lăng cho biết anh trồng được hơn 1000 cây na, năm trước giá mua tại vườn cũng đã 25.000 – 30.000 đồng/kg rồi, năm nay na to đẹp cũng chỉ có 25.000 đồng/kg mấy ngày đầu vụ, anh Đức ước tính vụ na nhà mình năm nay cho vài tấn quả nhưng cũng chỉ thu được hơn 100 triệu đồng.

Na được trồng trên núi cao vì vậy để có một gùi na mang xuống bán, người dân có khi phải đi từ 3h sáng hoặc ngủ lại trên núi để hôm sau mang na xuống kịp phiên chợ. Đường đi hiểm trở, trời mưa thì trơn trượt, vất vả là thế nhưng giá na xuống thấp khiến người nông dân không khỏi buồn lòng, đấy là chưa kể những chi phí cho việc thuê người gánh na xuống, mỗi gánh cũng mất hơn 100.000 đồng tiền thuê.

Ông Triệu Mắc (dân tộc Nùng) ở xã Đồng Bành cho biết thêm, vì nhà ở xa núi, lại có tuổi nên ông phải thuê người hái na, gánh na từ trên núi xuống, mỗi cân na mất 3 nghìn tiền nhân công. Chưa kể tiền phân lân, tiền thuê dọn cỏ hàng tháng cho na sạch để đậu trái, mỗi cân na năm nay rớt giá thế này, lãi cũng ít hơn năm ngoái nhiều.

Được mùa, mua được giá rẻ, nhiều thương lái tỏ ra rất phấn khởi. Gía trung bình cho các lái buôn nhập na về loại ngon dao động ở mức 18.000 - 22.000 đồng/kg. Chị Nguyễn Thị Hằng (Chi Lăng, Lạng Sơn) đang đóng những thùng xốp na chuyển về Hà Nội cho hay: “’Mỗi ngày chúng tôi đóng hàng trăm thùng xốp, phân loại theo đúng yêu cầu chuyển lên ô tô về các tỉnh thành khác. Có người mua cả hồng thì cứ na ở dưới, hồng ở trên, bọc giấy báo cẩn thận, năm nay na được mùa giá rẻ nên đóng luôn tay”.

Nguyên nhân na Hữu Lũng, Đồng Bành, Chi Lăng năm nay được mùa nhưng xuống giá, theo anh Hoàng Văn Đức – chủ núi có hơn 1.000 cây na cho biết: Na năm nay tuy được mùa nhưng quả không đều, nhiều quả nhỏ do thời tiết nắng nóng, khô hạn, quả còi không lớn được, nên giá bán na thấp. Hơn nữa, thương lái lúc thu mua ồ ạt, lúc lại ngừng, nên giá cả biến động thất thường.

Những hình ảnh tại chợ na Đồng Bành, Lạng Sơn:

Ngay từ sáng sớm, những xe na được đưa từ trên núi xuống tập kết tại chợ Đồng Bành

Mặc cả mua na tại chợ Đồng Bành

Cân na bán buôn tại chợ Đồng Bành

Chuyển na để đóng thùng xốp

Na được đựng trong sọt lớn để gánh xuống chợ

Đường đi hiểm trở, dễ trơn trượt

 

Theo Tài Linh

Lao động

Trở lên trên