MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường tôm Mỹ mất dần vị thế hàng đầu

10-06-2013 - 21:29 PM |

Nhiều chuyên gia cho rằng, về lâu dài thuế chống trợ cấp sẽ làm mất dần vị thế hàng đầu của thị trường Mỹ trên thế giới nên các nhà xuất khẩu tôm sẽ chuyển sang các thị trường khác hấp dẫn hơn.

Vừa qua, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã công bố kết quả quyết định sơ bộ thuế chống trợ cấp (CVD) tôm nước ấm đông lạnh từ 7 quốc gia là Ecuador, Indonesia, Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia và Việt Nam để bảo hộ ngành tôm trong nước.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, về lâu dài CVD sẽ làm mất dần vị thế hàng đầu của thị trường Mỹ trên thế giới nên các nhà xuất khẩu (XK) tôm sẽ chuyển sang các thị trường khác hấp dẫn hơn.

Theo kết quả quyết định sơ bộ CVD, trong số 7 quốc gia bị điều tra chống trợ cấp chỉ có các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu tôm Ecuador và Indonesia chịu mức thuế dưới 1%. Các nước còn lại phải chịu mức thuế chung lần lượt là Trung Quốc 5,76%, Ấn Độ 10,87%, Thái Lan 2,09% và Malaysia 62,74%.

Mặc dù điều này có thể gây khó khăn cho một số doanh nghiệp xuất khẩu tôm nhưng thị trường Mỹ cũng sẽ bị ảnh hưởng không ít. Bởi khi nhu cầu nhập khẩu tôm của Trung Quốc tăng mạnh như hiện nay người bán có không ít cơ hội để thâm nhập vào các thị trường có nhiều thuận lợi hơn Mỹ.

Thực tế, tác động lớn nhất của CVD về lâu dài không phải là khiến cho các nước và các công ty xuất khẩu sang Mỹ phải trả thuế cao hơn mà ngược lại sẽ tác động làm mất dần vai trò hàng đầu của khách hàng Mỹ trên thị trường quốc tế. Khi đó, Trung Quốc, Trung Đông và thậm chí Châu Âu sẽ trở thành những thị trường hấp dẫn hơn và chiếm thị phần lớn hơn trong tổng sản lượng toàn cầu.

Trước tình hình này, các luật sư đại diện cho các nhà chế biến tôm Mỹ cũng khó có thể đàm phán ký kết thỏa thuận riêng rẽ với các nước bị áp thuế CVD cao, bởi lẽ các “nạn nhân mục tiêu” của Mỹ không thiếu cơ hội xuất khẩu sang các thị trường ít rào cản hơn.

Vấn đề được nhiều nhà nhập khẩu quan tâm là liệu có quyết định thuế CVD nào mang tính hồi tố không. Điều này có thể xảy ra nếu có yêu cầu xem xét các trường hợp khẩn cấp. Trên thực tế, các nhà chế biến tôm Mỹ chưa từng đưa ra yêu cầu này, chủ yếu là vì họ phải đưa ra bằng chứng về việc khối lượng tôm nhập khẩu vào Mỹ đã tăng mạnh trong giai đoạn trước khi nộp đơn kiện.

Tuy nhiên, lượng tôm nhập khẩu vào Mỹ trong 2 tháng đầu năm nay lại giảm gần 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Thực tế này cho thấy, thái độ thận trọng của khách hàng trong điều kiện giá tôm đã tăng 16% kể từ đầu tháng 1/2013. Thêm vào đó, cũng cần phải có cơ sở khi viện dẫn các trường hợp khẩn cấp của từng doanh nghiệp.

Sắp tới, sản lượng tôm đưa ra thị trường của các nước Đông Nam Á sẽ tăng trong 6 tháng cuối năm. Do đó, nhiều khách hàng đang tạm ngừng giao dịch, hy vọng giá sẽ tốt hơn trong thời gian tới, còn một số khách hàng khác đang chờ đợi những diễn biến cụ thể về thuế CVD.

 

Theo Thành Công

khanhnt

Báo công thương

Trở lên trên