Thiếu trầm trọng tôm nguyên liệu
Chưa bao giờ ngành tôm Việt Nam lại đối mặt với nhiều khó khăn như hiện nay: Tình trạng dịch bệnh, thiếu nguyên liệu, thiếu vốn, gặp nhiều rào cản thương mại... Nguồn nguyên liệu cho chế biến tôm đang thiếu trầm trọng.
Xuất khẩu liên tục sụt giảm
Tiếp sau việc Nhật Bản, Hàn Quốc đặt rào cản kỹ thuật Ethoxyquin khiến sản lượng nhập khẩu tôm VN vào 2 nước này bị sụt giảm, mới đây đến lượt các nước Mexico, Philippines lại tiếp tục gây khó cho các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu tôm của VN khi ra lệnh ngừng nhập khẩu tôm từ VN.
Trước đó, là vụ kiện chống bán phá giá rồi chống trợ cấp từ Mỹ đã khiến cho áp lực càng đè thêm áp lực trên lưng các DN.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu tôm VN sang 9 trong nhóm 10 thị trường nhập khẩu lớn nhất trong quý I/2013 đều giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó Nhật Bản giảm trên 40%, EU giảm 33,5%, Hàn Quốc giảm hơn 50%, Mỹ giảm 20%.
Ông Lý Văn Thuận - Tổng Thư ký Hiệp hội Thủy sản Cà Mau nhận định: “Thực tế, khó khăn về thị trường xuất khẩu không trầm kha bằng căn bệnh thiếu nguyên liệu chế biến. Đây là nguyên nhân khiến cho hàng loạt nhà máy chế biến thủy sản từ đầu năm đến nay chỉ hoạt động có 40% công suất”.
Một ví dụ là toàn tỉnh Cà Mau có khoảng 30 DN chế biến thủy sản xuất khẩu và 34 nhà máy, thì 65% trong số đó đã “ngừng thở” hoặc đang “hấp hối” .
Cần chú trọng xây dựng
vùng nguyên liệu
Ông Trần Quốc Khánh - Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, hiện bộ này đang hỗ trợ các DN bằng nhiều cách để vượt qua khó khăn về rào cản kỹ thuật, chống trợ cấp... nhằm giúp DN tăng cường chế biến, xuất khẩu.
Dự báo thị trường chung còn khó nhưng vẫn có lối ra bởi sản lượng tôm toàn cầu năm nay giảm, trong đó Thái Lan giảm về sản lượng và xuất khẩu. Thuận lợi cơ bản là thị trường châu Á có nhu cầu tiêu thụ tôm tăng.
Ông Nguyễn Văn Kịch - Chủ tịch Tập đoàn Cafatex (Hậu Giang) khẳng định, hiện nhu cầu nhập khẩu tôm từ VN của các nước vẫn đang tốt, song do khó khăn về nguyên liệu nên có một số hợp đồng của DN không có hàng để giao cho đối tác.
“Tôi được biết, hiện có nhiều đơn hàng xuất đi Nhật và Mỹ của một số DN đã ký nhưng không có hàng để chế biến giao cho đối tác. Kể cả DN tôi, có nhiều đơn hàng bán cho Nhật nhưng không kiếm đâu ra nguyên liệu chế biến” - ông Kịch lo lắng.
Để giải bài toán nguyên liệu, nhiều DN đã chọn giải pháp là nhập khẩu nguyên liệu. Các DN như Minh Phú, Minh Hải, Sao Ta, Quốc Việt... mấy tháng qua hầu như phần lớn lượng hàng xuất khẩu đều phụ thuộc vào nguyên liệu nhập.
“Ngoài nhập khẩu nguyên liệu, chúng tôi phải nỗ lực xây dựng vùng nguyên liệu riêng, gia tăng xuất khẩu vào các thị trường mới, đa dạng hóa sản phẩm...” - ông Kịch cho biết.
Ông Nguyễn Văn Hảo - Viện trưởng Viện Nuôi trồng thủy sản II cho biết, Viện đang gấp rút bàn luận cùng chuyên gia các nước biện pháp phòng chống, ngăn chặn dịch bệnh tôm chết sớm hiện nay ở ĐBSCL.
Bước đầu đã có một số biện pháp khắc phục, trong những ngày tới, Viện sẽ xuống Sóc Trăng, Bạc Liêu, Trà Vinh... để cùng bà con triển khai phòng chống dịch, để đẩy mạnh nuôi tôm trở lại, đáp ứng đủ nguyên liệu cho chế biến.
Cảnh báo chất PKC trong thủy sản Ngày 10.5, Tổng cục Thủy sản cho biết, Nhật Bản lại tiếp tục cảnh báo các nước về chất PCK trong các lô hàng thủy sản xuất khẩu. Hiện Indonesia đã có 6 lô hàng bị Nhật Bản trả lại do có dư lượng chất PKC vượt quá ngưỡng cho phép. Nhật Bản cũng đưa ra mức giới hạn PKC?giống như chất Ethoxyquin là 0,01ppm. Theo Tổng cục Thủy sản, PKC là hóa chất xử lý cải tạo môi trường, trước đây được sử dụng để thay thế cho chất Trifluralin. Tổng cục sẽ thông báo cho người nuôi trồng thủy sản tránh sử dụng chất này. Thanh Xuân
Theo Ngọc Minh