MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thương lái Trung Quốc thao túng thị trường thanh long: Ruột Việt, vỏ Trung

12-11-2015 - 15:00 PM |

Điều đáng ngạc nhiên là hầu hết trái thanh long Việt Nam khi được đóng vào các loại thùng giấy xuất khẩu đều mang thương hiệu Trung Quốc...

Chỉ trên một đoạn đường ngắn khoảng vài km thuộc tỉnh lộ 827C chạy qua địa bàn hai huyện Châu Thành (Long An) và Chợ Gạo (Tiền Giang) có tới hàng chục cơ sở thu mua thanh long lớn nhỏ, trong đó nhiều cơ sở của thương lái Trung Quốc (TQ) đầu tư nhưng lại thuê người Việt đứng tên.

Làm thị trường cho Trung Quốc

Có mặt tại cơ sở thu mua thanh long xuất khẩu Cường Thịnh Phát - LA (xã Dương Xuân Hội, huyện Châu Thành, Long An) chúng tôi chứng kiến những trái thanh long vừa được thu mua từ nhà vườn tập hợp về đây chọn lựa rồi đưa vào rửa sạch cho bóng đẹp.

Tại khu vực nhà kho có rất nhiều vỏ thùng giấy các-tông in chữ TQ màu đỏ, không nhãn mác, không phụ đề tiếng Việt dùng để đóng gói thanh long xuất khẩu. Bên cạnh đó là các thùng màu vàng đỏ, kích thước to hơn và cũng in toàn bằng chữ TQ, dùng để đựng quả thanh long.

Anh Cường, chủ cơ sở này, cho biết: “Hiện chúng tôi đang phải sử dụng thùng của TQ để đóng hàng xuất khẩu thì bạn hàng mới chấp nhận. Hơn nữa, do chưa có thùng đặc chủng nên lâu nay dù là thanh long của ta nhưng khi đóng hàng xuất khẩu vẫn phải “mượn” thương hiệu TQ cũng thấy thiệt thòi”.

Theo anh Cường, trong số thanh long đang đóng gói tại cơ sở, chiếm tới khoảng 70% lượng hàng đều xuất sang thị trường TQ. Còn lại là một số thị trường khác và tiêu thụ nội địa. Tuy nhiên, cơ sở đóng gói thanh long phải nhất nhất đúng theo yêu cầu của bạn hàng về cả mẫu mã, chủng loại trái cũng như sử dụng thùng hàng nào phù hợp.

Dẫn chúng tôi đi tham quan hệ thống rửa thanh long tự động còn đang lắp đặt, Cường giới thiệu cơ sở anh mới được phía thương lái TQ hỗ trợ đầu tư xây dựng khoảng vài tháng nay, hiện vẫn đang trong quá trình hoàn thiện. Tuy nhiên, do đơn hàng nhiều, gấp quá nên cơ sở phải sớm hoạt động. Hằng ngày các thương lái TQ vẫn đến trực tiếp chỉ đạo việc chọn lựa đóng hàng thanh long xuất khẩu, với lượng hàng khoảng 20-40 tấn/ngày.

Theo các chủ cơ sở ở đây, về chất lượng thanh long của Long An vẫn ngon hơn Bình Thuận, chỉ có nhược điểm là trái hơi nhỏ mà thị trường TQ thường chuộng trái thanh long to. Do vậy, lúc trước nhiều thương lái ở Bình Thuận đã vào tận Long An tuyển mua thanh long loại 1 để đóng hàng lấy tên Bình Thuận xuất bán qua TQ “ăn” giá cao hơn.

Tuy nhiên, khi thương lái TQ biết được chuyện này họ đã tự tìm sang Long An thu mua trực tiếp. Do bị thương lái TQ tự làm giá, ép giá thu mua khiến cả người dân trồng thanh long lẫn người thu mua của ta đang phải chịu thiệt đơn thiệt kép.

Ông Trương Quang An, Chủ nhiệm HTX thanh long Tầm Vu (Long An), cho biết: “Dù nhiều lúc thương lái TQ ép giá thu mua thanh long của bà con rẻ bèo như vậy nhưng thực tế tại biên giới Việt - Trung giá thanh long vẫn cao gấp khoảng 5-6 lần so với giá mua tại nhà vườn”.

Theo ông An, nguyên nhân một phần do các thương lái TQ đang ngầm chi phối việc mua bán thanh long của Việt Nam. Hơn nữa, thật đáng buồn khi tình trạng các cơ sở đóng hàng thanh long vẫn phải lấy tên thương hiệu TQ để xuất khẩu.

Quản lý lỏng lẻo

Những ngày thâm nhập thực tế tại địa bàn trồng thanh long huyện Châu Thành (Long An) và huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) chúng tôi ghi nhận được vô số những chuyện dở khóc dở cười về việc các thương lái TQ thao túng thị trường giá và lừa gạt thu mua thanh long rồi xù tiền ngay trên sân nhà.

Nhan nhản chữ TQ trên bao bì bọc trái thanh long

Một người tên H, ngụ tại thị trấn Tầm Vu (huyện Châu Thành, Long An) cho biết: Những thương lái TQ thường mang danh nghĩa khách du lịch đến Long An để tìm mối lái, đặt vấn đề thu mua thanh long. Khi về đây họ thường đi cùng một người Hoa ở quận 5 (TP.HCM) rành tiếng Việt để phiên dịch và dẫn dắt làm ăn. Ban đầu, họ rất sòng phẳng, mua bao nhiêu hàng thanh long từ các đại lý thì trả bằng tiền mặt bấy nhiêu.

Thậm chí, họ còn trả tiền hoa hồng, tiền công cho những đại lý đứng ra thu mua thanh long, thuê cơ sở chế biến với mức khá cao. Để tiếp tục tạo lòng tin, các thương lái Trung Quốc sẵn sàng chi nhiều tiền “đô” để lấy lòng một “vệ tinh” nào đó đồng ý đứng ra giúp họ làm các thủ tục kết nối với các nguồn hàng ở địa phương.

Cũng theo anh H, thương lái TQ thường thuê người đứng tên coi kho hàng chỉ một thời gian ngắn, xong họ sẽ tìm cách thay thế bằng những “vệ tinh” mới. Có lần chính H cũng được họ thuê coi kho hàng một thời gian, mời lên Sài Gòn ăn chơi mấy bữa, ở khách sạn sang trọng rồi dúi vào tay cho cục tiền tiêu xài thoải mái. Vậy nhưng, chỉ sau một thời gian ngắn H bị thương lái TQ sa thải không thương tiếc.

Mặc dù biết thiệt thòi về thương hiệu, nhưng nhiều chủ cơ sở vẫn chấp nhận phải gắn nhãn mác Bình Thuận, TQ theo yêu cầu bạn hàng

Chúng tôi hỏi thăm A Lương (người TQ còn rất trẻ) được thuê sang đây làm quản lý một cơ sở thu mua thanh long. A Lương cho biết, anh mới sang đây, mướn nhà trọ ở và hằng ngày chịu trách nhiệm quản lý và điều hành việc thu mua thanh long đóng gói tại cơ sở. Mỗi tháng nhận mức lương khoảng vài chục triệu đồng, chưa kể tiền “bo” và các khoản khác…

Tuy nhiên, chính A Lương cũng không dám khẳng định chắc chắn rằng anh sẽ được thuê làm quản lý ở đây được bao nhiêu lâu vì chỉ là “hợp đồng miệng”.

Tiếp xúc với PV, một chủ cơ sở thu mua thanh long trên địa bàn huyện Chợ Gạo tỏ ra lo lắng: “Mặc dù thương lái Trung Quốc sang thu mua thanh long xuất khẩu ngay tại địa phương mình, nhưng cũng phải dè chừng vì họ có rất nhiều “chiêu” ép giá và hẹn nợ tiền hàng. Do vậy, có thể sẽ khó lường được sự rủi ro cho cả nông dân và doanh nghiệp mình khi giao thương với họ!”.

Chủ cơ sở này còn dẫn chứng, cách nay không xa, có thương lái “bắt tay” với doanh nghiệp TQ dẫn từ Bình Thuận vào đặt vấn đề thu mua thanh long của HTX thanh long Chợ Gạo với số lượng lớn. Thậm chí, để làm tin họ còn cài người ăn ở tại HTX cả tuần để gom đủ thanh long và đóng hàng xuất khẩu bằng thùng các-tông của họ đưa, có in tên thương hiệu, địa chỉ, số điện thoại rất đầy đủ…

Xong việc người của họ kiếm cớ chuồn mất, khi các xã viên HTX không liên lạc được thì mới tá hỏa biết mình bị lừa, vội báo cơ quan chức năng rồi bức xúc đòi theo chân công an ra tận tỉnh Bình Thuận điều tra, nhưng kết quả cũng chẳng tìm được manh mối gì.

Từ ghi nhận thực tế, PV NNVN đã tìm gặp trao đổi với lãnh đạo các xã Dương Xuân Hội, Hiệp Thạnh và thị trấn Tầm Vu (huyện Châu Thành, Long An), là những địa bàn trọng điểm về tình trạng người TQ đang cư trú kinh doanh thu mua thanh long xuất khẩu bất hợp pháp.

Một cơ sở thu mua thanh long của TQ tư đang xây dựng mới

Tuy nhiên, thật bất ngờ khi không có lãnh đạo xã nào nắm được thông tin có người nước ngoài đang cư trú trên địa bàn xã, mặc dù những cơ sở thu mua thanh long do người TQ trực tiếp quản lý chỉ nằm cách trụ sở ủy ban các xã trên khoảng vài trăm mét (?).

 

Theo Minh Sáng - Thanh Sa

Nông nghiệp Việt Nam

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên