MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thủy sản cho thị trường nội địa: Không dễ

21-11-2013 - 07:41 AM |

Cái khó đầu tiên là người tiêu dùng Việt Nam hiện vẫn ưa chuộng hàng thủy sản tươi sống nên các DN sẽ rất khó khăn trong việc thúc đẩy sản xuất hàng thủy sản đông lạnh, chế biến sẵn.

Mới đây Câu lạc bộ (CLB) doanh nghiệp (DN) cung cấp hàng thủy sản cho thị trường nội địa (CLB hàng nội địa VASEP) đã được thành lập.

Mục tiêu của CLB là phối hợp, liên kết hoạt động các DN và cùng nhau nâng cao chất lượng của sản phẩm cung cấp cho người tiêu dùng nội địa.

Đây không chỉ là giải pháp nâng cao năng lực tiêu thụ cho ngành DN thủy sản mà thực sự là niềm vui cho người tiêu dùng trong nước sau nhiều năm bị DN chế biến thủy sản thờ ơ, bỏ quên.

Việt Nam đứng thứ tư thế giới về kim ngạch xuất khẩu thủy sản (cá tra đứng thứ nhất) và đứng thứ hai thế giới, có số nhà máy chế biến thủy sản quy mô công nghiệp đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn khắt khe khi xuất khẩu. Thế nhưng ở thị trường nội địa, 90 triệu dân với mức tiêu thụ thủy sản lên đến 27 kg/người/năm, DN thủy sản bỏ ngỏ cung ứng, bỏ bê an toàn vệ sinh thực phẩm. Dường như các DN đã nhận ra sai lầm của mình, chỉ lo chăm bẳm xuất khẩu và quay về chăm lo “sân nhà”.

Tuy nhiên, thực tế khi khai thác tốt thị trường trong nước, DN có thể gặp những khó khăn hơn cả khi xuất khẩu. Cái khó đầu tiên là người tiêu dùng Việt Nam hiện vẫn ưa chuộng hàng thủy sản tươi sống nên các DN sẽ rất khó khăn trong việc thúc đẩy sản xuất hàng thủy sản đông lạnh, chế biến sẵn. Trong khi đó, các sản phẩm đông lạnh chỉ được tiêu thụ chủ yếu qua kênh siêu thị tập trung ở các tỉnh, thành phố lớn. 

Các sản phẩm không thể vào các chợ (kênh tiêu thụ chủ yếu hiện nay), bởi ở các chợ không được đầu tư phương tiện bảo quản các sản phẩm đông lạnh. Nếu đầu tư thì giá bán sẽ bị đội lên cao hơn. Để đưa sản phẩm thủy sản vào siêu thị là một cuộc cạnh tranh khốc liệt, bởi hầu hết các siêu thị đều nhận bán sản phẩm rất hạn chế (2-3 sản phẩm). DN còn phải tự đầu tư trang bị hệ thống lạnh riêng cho sản phẩm. Ngoài ra, chi phí và chiết khấu của siêu thị khá cao, “ăn” vào giá thành sản phẩm làm giảm lợi nhuận.

Để giải quyết những khó khăn này, một vị chuyên gia thị trường cho rằng các DN thủy sản cần phải nghiên cứu nghiêm túc về nhu cầu của người tiêu dùng trong nước, để có biện pháp thâm nhập và phát triển phù hợp nhằm gia tăng thị phần tiêu thụ nội địa. Sản phẩm thủy sản phải có chất lượng và hình thức không thua kém gì hàng xuất khẩu, giá cả hợp lý. Đồng thời, DN cần có mối liên kết với siêu thị để phát triển sản phẩm đảm bảo chất lượng cho người có thu nhập cao và có thể bán được với giá ổn định.

Người tiêu dùng cần sự “quay về” thật sự, thật tình của DN chế biến thủy sản. Làm sao người dân trong nước được ăn những loại thực phẩm chất lượng có tiêu chuẩn xứng đáng một nước xuất khẩu thủy sản hàng đầu thế giới.

Theo Quang Huy

khanhnt

Pháp luật TPHCM

Trở lên trên