Tiêu hủy gia cầm lậu: Khó xử lý vì thiếu kinh phí
“Mỗi lần tiêu hủy, cứ 1 tấn gà tốn trên 2 triệu đồng tiền dầu diezel và phải chạy trong vòng 10 - 12 giờ mới xong một mẻ” - ông Hoàng Quy, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Lạng Sơn cho biết.
- 09-05-2013Nhận diện các “trùm” gà lậu
- 08-05-2013Con đường bí mật của giới nhập lậu gà
- 07-05-2013Khóc vì giá gà công nghiệp chỉ còn 18.000 đồng/kg
- 06-05-2013Chống nhập lậu gia cầm: Khó vẫn phải "triệt"!
Dịch cúm A/H7N9 đang đe dọa ở mức cao và thời gian qua các địa phương ở biên giới cũng như nằm sâu trong nội địa rất vất vả mới bắt được rất nhiều vụ vận chuyển, mua bán gia cầm nhập lậu từ Trung Quốc. Nhưng điều gian nan hơn là địa phương nào cũng than không có kinh phí.
Theo quy định của nhiều địa phương hiện nay, gia cầm lậu sau khi bắt giữ được sẽ giao cơ quan thú y thuộc Bộ NN-PTNT tổ chức tiêu hủy theo quy định để phòng ngừa dịch.
Song ở một vài nơi có sự phân cấp, như ở tỉnh Lạng Sơn, những lô gia cầm do lực lượng biên phòng bắt giữ sẽ chuyển giao Chi cục Kiểm dịch động vật vùng Lạng Sơn, còn những lô hàng bắt giữ trong nội địa do lực lượng quản lý thị trường, công an sẽ giao Chi cục Thú y tỉnh Lạng Sơn tiêu hủy.
Trước đây, cách tiêu hủy chung của nhiều địa phương là quy hoạch riêng một khu đất, mỗi lần tiêu hủy thuê người đào hố rồi chôn lấp hoặc đốt. Nhưng cách làm như vậy vẫn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, gây bức xúc cho người dân.
Để khắc phục tình trạng trên, gần đây một số địa phương đã chi ngân sách, đầu tư các trang thiết bị tiêu hủy hiện đại. Dẫu vậy vẫn không tránh khỏi những bất cập.
Ông Hoàng Ngọc Tuyên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm dịch động vật vùng Lạng Sơn cho biết lò tiêu hủy chi cục vừa được trang bị là loại thủ công đốt bằng củi công suất nhỏ và lạc hậu, nên có khi đốt cả ngày mới được 100kg gà, còn để tiêu hủy 1 tấn gia cầm lậu phải có khoản kinh phí lên tới 5 - 6 triệu đồng.
Ông chia sẻ: “Đây là khoản kinh phí quá lớn chúng tôi không thể trang trải được nên chi cục phải chuyển sang hình thức khác dùng hóa chất xử lý rồi đem chôn”. Nhưng để chôn lấp lại cần có quỹ đất, trong khi quỹ đất đang ngày càng hạn hẹp vì không phải thích chôn lấp chỗ nào cũng được.
Còn lò chuyên tiêu hủy gia cầm lậu của Chi cục Thú y tỉnh Lạng Sơn đặt tại xã Hợp Thành, huyện Cao Lộc, mặc dù mang tiếng sử dụng công nghệ của Anh do dự án VAHIP tài trợ (năm 2011), nhưng chỉ có 500kg/giờ và cũng rất “ngốn” kinh phí.
“Mỗi lần tiêu hủy, cứ 1 tấn gà tốn trên 2 triệu đồng tiền dầu diezel và phải chạy trong vòng 10 - 12 giờ mới xong một mẻ” - ông Hoàng Quy, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Lạng Sơn cho biết.
Từ đầu năm 2013 đến đầu tháng 5, chi cục đã tiếp nhận hơn 33,6 tấn gia cầm thịt và hơn 71.000 con gia cầm giống nhập lậu, một con số lớn hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm trước, để tiêu hủy. Vì thế, cứ mỗi mẻ cả 4 cán bộ, nhân viên của chi cục phải cùng bắt tay vào vận hành, có thời điểm làm 24/24 giờ mới kịp.
Không chỉ lực lượng thú y chịu trách nhiệm tiêu hủy đau đầu về kinh phí ngay cả các cơ quan trực tiếp tham gia chống buôn lậu cũng đang lo những khoản phát sinh sau khi bắt giữ gà lậu, thịt lậu. Móng Cái (Quảng Ninh) là một trong những trọng điểm về tình trạng gà lậu từ nhiều năm nay.
Ông Nguyễn Văn Bắc, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Móng Cái than rằng: “Có những thời điểm gia cầm lậu từ bên kia sang nhiều, lực lượng chống buôn lậu chúng tôi bắt xong mà lo vì không biết xử lý như thế nào, có thời điểm lượng hàng bắt giữ rất lớn không biết đưa về đâu để nhốt cách ly trước khi chờ bàn giao cho cơ quan thú y”.
Theo ông, có thời điểm còn phải thuê gửi ở khu bãi gần bến xe Móng Cái, mỗi ngày phải chi trả tiền thuê gửi 200.000 đồng/tấn gà mà ngân sách lại không quy định chi cho việc đó.
Cũng chung nỗi niềm như vậy, trung tá Lê Văn Khánh, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Chi Ma (Lạng Sơn) kể, từ dịp cuối năm 2012 đến nay ở đây liên tục bắt được các vụ buôn lậu gà thải loại từ Trung Quốc về qua đường mòn. Có vụ lên tới hàng chục ngàn con gia cầm.
Việc bắt gà lậu đã gian nan rồi, song sau khi bắt được hàng, lực lượng biên phòng còn phải lo kinh phí vận chuyển gà về huyện Lộc Bình để nuôi nhốt cách ly. Mỗi lần như vậy phải tiêu tốn kinh phí thuê mướn xe, người kiểm đếm, bốc dỡ... rất tốn kém.
Cũng chính vì lẽ đó, hơn một năm trước, ở tỉnh Quảng Ninh và một vài địa phương đã tự nghĩ ra “sáng kiến” đề xuất cho phép thanh lý, phát mại gia cầm lậu bắt giữ được để có một phần kinh phí trang trải cho công tác đấu tranh ngăn chặn gia cầm lậu, thịt lậu.
Ban đầu, cũng có quan chức của Bộ Công thương ủng hộ đề xuất. Song phía Bộ NN-PTNT lại không đồng ý, đề nghị bắt buộc phải tiêu hủy để phòng ngừa dịch. Nhưng việc bắt buộc các cơ quan chức năng, địa phương trực tiếp chống buôn lậu phải tiêu hủy nhưng không gắn với cơ chế, chính sách hỗ trợ kinh phí tiêu hủy đã làm các địa phương rất đau đầu, khó xử.
Hiện nay, các bộ và các địa phương đều đang thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân về đề án ngăn chặn gia cầm lậu trong năm 2013. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã chỉ đạo Bộ Tài chính có văn bản chính thức bổ sung kinh phí tiêu hủy gà lậu cũng như hoạt động của lực lượng chống buôn lậu trước ngày 1-7.
Theo Trần Phúc