Tiêu thụ lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long: Càng liên kết... càng “chết”
Được kỳ vọng là “chìa khoá thành công” đưa hạt lúa ĐBSCL vượt qua nền sản xuất - tiêu thụ tự phát bằng giải pháp thông minh: Liên kết trách nhiệm giữa doanh nghiệp và nông dân.
Tuy nhiên thực tế vụ đông xuân 2013 - 2014 cho thấy, mô hình thông minh này cần được tiếp tục khai thông...
Cho... “đẹp đội hình”?
Đồng Tháp, địa phương đi đầu ĐBSCL về quyết tâm thực hiện liên kết tiêu thụ lúa đang vào mùa thu hoạch rộ, nhưng việc tiêu thụ lúa nơi đây vẫn chẳng thể “thay da đổi thịt”. Cầm trên tay tờ hợp đồng liên kết tiêu thụ lúa hàng hoá vụ đông xuân 2013-2014 với chi nhánh Cty CP Docimexco-Docifood (Cty), ông Bùi Văn Nam - Giám đốc HTX Thành Lập (xã Tân Công Chí, Tân Hồng, Đồng Tháp) buồn rười rượi vì gần 1.300 tấn lúa trong diện tích 182ha liên kết đã bị Cty tìm đủ mọi cách từ “thượng vàng đến hạ cám” để né... mua.
Theo ông Nam, mấy năm trước thấy việc tiêu thụ bấp bênh vì bị cho là gieo trồng tự phát nên vụ đông xuân này, ông vận động bà con ký liên kết. Tuy nhiên, đến thời điểm thu hoạch thì kết quả thu được lại là nỗi thất vọng ê chề.
“Sau nhiều lần tìm đủ chiêu trò, như: Không nghe máy điện thoại, ra giá thấp hơn thị trường 200 đồng/kg, Cty quay sang đổ lỗi cho tỉ lệ lúa lẫn cao (có nơi đến 80-90%) dù HTX mua lúa giống tại đơn vị do Cty giới thiệu”, ông Nam chua chát: “Ngay cả khi UBND tỉnh mời đơn vị thứ 3 đến kiểm định và xác định lúa Jasmine của HTX đạt độ thuần trên 99%, tức tương đương với các kiểm định trước đó, nhưng Cty vẫn không mua”.
Ngoài HTX Thành Lập, trong danh sách “nạn nhân” của Cty trong vụ lúa này còn có thêm 6 HTX khác ở Tân Hồng và thị xã Hồng Ngự. Đáng lo hơn khi đây không phải là trường hợp cá biệt. Đầu vụ, Cty TNHH MTV kinh doanh và xay xát lúa gạo Cẩm Nguyên (Cty Cẩm Nguyên) Đồng Tháp ký liên kết tiêu thụ với 178 hộ (414ha) thuộc 3 HTX ở 2 xã Gáo Giồng và Phương Thịnh (huyện Cao Lãnh) với cam kết: Mua với giá cao hơn thị trường từ 250-300 đồng/kg. Đến thu hoạch thì mọi chuyện đã đảo lộn.
“Sau lần ra giá thu mua thấp hơn giá thị trường từ 700-800 đồng/kg đối với lúa Nàng Hoa 9, Cty không cử người đến chốt giá và thu mua với tất cả diện tích còn lại”, ông Dương Hồng Lạc - Phó chủ tịch UBND huyện Cao Lãnh - bức xúc. Theo thạc sĩ Phan Kim Sa - Phó giám đốc Sở Công thương Đồng Tháp, thì đây là căn bệnh khá phổ biến của các “doanh nghiệp liên kết”.
Vụ đông xuân 2013-2014, 23 doanh nghiệp ở Đồng Tháp thực hiện liên kết 16.700ha, con số khá khiêm tốn so với tổng diện tích 207.521ha, nhưng con số thực hiện còn khiêm tốn hơn khi chỉ có 11 doanh nghiệp thực hiện tiêu thụ được 7.000ha.
Hậu quả khó lường
“Việc doanh nghiệp không mua lúa theo hợp đồng liên kết đã làm nông dân bị thiệt hại rất nhiều”, ông Nam không kìm được tức giận: “Do chờ doanh nghiệp quá thời hạn thu hoạch 5-10 ngày nên chúng tôi cũng khó có được với giá thị trường, vì phần lớn thương lái chỉ mua lúa từ kết quả đánh giá trên ruộng của “cò”. Và thế là nông dân phải tốn thêm tiền phơi, sấy và vận chuyển về nhà.
Sau một hồi “cộng trừ nhân chia”, ông Nam đã làm tôi giật mình với bài toán chi phí phát sinh: “Để đưa 30 tấn lúa về nhà, tổng chi phí tương đương 1 tấn lúa”. Và đằng sau đó là cả dây chuyền hệ luỵ khác. Chỉ tính riêng tiền lúa giống, 7 HTX “nạn nhân” của Cty đã nợ Cty TNHH giống cây trồng Chợ Mới (An Giang) cả tỉ đồng. Ông Nguyễn Văn Dũng - Giám đốc Cty giống Chợ Mới - xác nhận: “Do tin tưởng có Cty Docimexco liên kết nên chúng tôi mạnh dạn bán ghi nợ cho 7 HTX số giống trên 1 tỉ đồng. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ thu được 100 triệu đồng”.
Trong khi đó, những hộ không đủ điều kiện như ông Nam thì đành chấp nhận bán lúa Jasmine với giá chỉ cao hơn 200-300 đồng/kg so với lúa chất lượng thấp nên khả năng họ quay trở lại trồng lúa chất lượng thấp trong vụ tới là rất lớn.
Tuy nhiên, theo thạc sĩ Tuyên, đáng lo hơn là điều này không chỉ làm xói mòn lòng tin của nông dân vào chủ trương, chính sách nông nghiệp của Đảng, Nhà nước và ngành chuyên môn... với hệ luỵ lâu dài như khó chuyển đổi diện tích trồng lúa chất lượng cao để xây dựng thương hiệu..., mà còn kéo chất lượng lúa gạo đi xuống. Để giảm nguy cơ lỗ do liên kết, một bộ phận nông dân đã quay sang sử dụng tiểu xảo.
Điển hình là chiêu bơm nước vào ruộng để tăng trọng lượng lúa. “Sau khi thoả thuận giá xong với cò, chủ lúa bơm nước vào ngâm ruộng trong 1 đêm rồi xả ra. Đến ngày thu hoạch, mặt ruộng vẫn khô nhưng các bông thì ngậm đầy nước”, với kinh nghiệm của người có trên 20 năm thu mua lúa, anh Trần Văn Hiệp (huyện Thanh Bình- Đồng Tháp) cho biết thêm: “Bơm nước vào ruộng sẽ làm tăng thêm khoảng 5% trọng lượng ban đầu”.
Điều này cũng đồng nghĩa: “đổ sông, đổ biển” những nỗ lực trong nhiều năm qua của cả ngành nông nghiệp trong việc nâng cao chất lượng hạt lúa. “Bởi cách làm này sẽ làm tỉ lệ gạo gãy khi xay xát tăng từ 30% lên đến 60%, thậm chí cao hơn nữa”, thạc sĩ Tuyên chua xót.
Theo Lục Tùng