Tình trạng nhà máy ngưng hoạt động đang xảy ra từng ngày
Những ngày đầu tháng 9, lượng khách hàng hỏi mua cá tra tăng gấp ba lần nhưng doanh nghiệp lại không dám chào bán ra bởi tình hình nguyên liệu mỗi ngày một cạn kiệt, giá tăng chưa có điểm dừng.
Trong lịch sử ngành cá tra, đây là lần đầu tiên xảy tình trạng thiếu hụt nguyên liệu ở mức trầm trọng, dẫn đến việc có thể sẽ có nhiều nhà máy phải ngưng hoạt động hàng loạt…
Khách hàng tăng mua, doanh nghiệp hết cá
Giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu cá tra ở An Giang cho hay vừa phải từ chối lời đề nghị của một khách hàng củ của công ty muốn nhập khẩu sản lượng cá tra tăng 3 lần so với trước. Nguyên nhân là do không thể tìm mua được đủ lượng nguyên liệu cá tra để chế biến, và giá cá mỗi ngày một tăng nên nếu có ký hợp đồng cũng dễ gặp rủi ro.
Theo thống kê, những ngày đầu tháng 9 vừa qua tại các tỉnh ĐBSCL liên tục xảy ra tình trạng sốt cá nguyên liệu. Các nhà máy phải cử người xuống các vùng nuôi săn lung cá, dành nhau mua cả loại cá có kích cỡ dười 800 gram. Mặc dù trước đó, doanh nghiệp dự kiến đến tháng 9.2013 giá cá tra mới tăng, nhưng thực tế đến cuối tháng 8 hầu như tại tất cả các tỉnh thành giá đã tăng trên 2.000 đồng/kg. Nếu như trước đây, giao dịch chủ yếu giữa doanh nghiệp và người dân là mua nợ, bán nợ, thì trong những ngày đầu tháng 9 này, hình thức thanh toán phải bằng tiền mặt. Giá cá tại ao không phân biệt chất lượng đang được mua vào ở mức 22.000 đồng. Chính vì vậy, doanh nghiệp cho rằng hiện nay giá cá không còn là vấn đế quan trọng mà sản lượng từ nay đến tận năm 2014 dự báo bị thiếu hụt mới là vấn đề đáng lo ngại.
Qua trao đổi, ông Dương Ngọc Minh, phó chủ tịch Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) nói vừa qua Vasep khảo sát thì nhận thấy bản thân trong dân giảm nuôi trồng trên 70%. Trước đây quy hoạch người dân nuôi 500 ngàn tấn cá, nhưng nay còn không quá 100 ngàn tấn để phục vụ cho nhà máy chế biến trong vòng 8 tháng đến 1 năm. Còn đối với doanh nghiệp thì trên 70% nhà máy cũng bị vướng vô tình trạng nguyên liệu phục vụ sản xuất không còn nhiều.
“Tình trạng thiếu hụt cá tra không phải chỉ xảy ra một tháng, một quý mà sẽ kéo dài cả một vụ nuôi. Hiện nay, tình trạng đang thu mua cá từ 600-700 gram trở lên rất phổ biến, do đó, cùng với sản lượng thiếu hụt, doanh nghiệp bắt cá non đang gây hậu quả thiệt hại kép: số đầu con thì có nhưng sản lượng thì không”-ông Minh khẳng định.
Tình trạng thiếu hụt nguyên liệu cá tra có thể dễ dàng nhận thấy qua lượng thức ăn cung ứng ra thị trường trong hai tháng gần đây giảm tới 2/3 sản lượng. Trước đây, 20 nhà máy cung cấp bình quân mỗi tháng khoảng 170 ngàn tấn thức ăn cá tra, thì đến tháng 7 và tháng 8 vừa qua, Vasep thống kê chỉ còn khoảng 55 ngàn tấn và dự kiến trong tháng 9 này sẽ còn tiếp tục giảm chứ không tăng. Và trong số 20 nhà máy thức ăn, hiện cũng chỉ còn 5 nhà máy hoạt sản xuất. Điều này cũng phản ánh rõ thực tế thị trường hiện nay các nhà máy đang tranh thủ giá cá 22.000-22.500 đồng để tập trung mua vét và dự kiến sản lượng cá tiếp tục cạn kiệt trong những ngày tới.
Theo ông Dương Ngọc Minh, hơn 70 nhà máy chế biến cá tra hiện nay mỗi tháng cần ít nhất 100 ngàn tấn nguyên liệu, nghĩa là trung bình mỗi ngày phải có 3.300 tấn cá được vớt lên từ ao nuôi, thế nhưng hiện trong dân chỉ còn không quá 15 ngàn tấn. “Nhu cầu thị trường vẫn nhập khẩu bình thường và đang có xu hướng tăng nhưng ngành cá tra lại không hưởng lợi được vì không có hàng để xuất khẩu. Thiệt hại công ăn việc làm, lợi nhuận đã quá rõ. Công ăn việc làm thời gian tới rất khó vì nhà máy không còn nguyên liệu, nhiều nhà máy phải chạy cầm chừng hoặc ngưng sản xuất”-ông Minh khẳng định thêm.
Vốn từ ngân hàng đổ đi đâu?
Trong cuộc họp mới đây, doanh nghiệp cũng thừa nhận ngành cá tra đang gặp khủng hoảng trong vấn đề thanh toán. Dù cho nguồn vốn ngân hàng bơm ra nhiều hơn, nhưng nguyên liệu vẫn bị hụt nghiêm trọng.
Theo số liệu từ ngân hàng nhà nước tính đến 31.7.2013, tổng tín dụng phục vụ ngành cá tra tăng hơn 18% so với cuối 2012, trong đó vốn đầu tư cho dân nuôi cá tra tăng từ trên 7.000 tỷ đồng lên 10.000 tỷ đồng; vốn luân chuyển cho cả ngành (nuôi trồng, chế biến xuất khẩu) cũng tăng từ 34.000 tỷ lên 38.000 tỷ đồng. Nếu nhìn vào con số này thì rõ ràng thời gian qua, ngân hàng không những không rút vốn về mà còn bơm ra cho ngành cá tra nhiều hơn. Nhiều câu hỏi đặt ra là tại sao vốn đầu tư tăng mạnh, nhưng sản lượng cá tra lại sụt giảm nghiêm trọng như vậy? Vasep còn khẳng định tại thời điểm tháng 9 này cho đến khi kết thúc mùa vụ mới đến tháng 6.2014, lượng cá tra còn thiếu hụt 50%. Một số ý kiến cho rằng rất có thể nhiều doanh nghiệp đã không sử dụng đúng nguồn vốn vay mà đem đi đầu tư sang lực vực khác, thậm chí trang trãi nợ nần.
Sản lượng xuất khẩu cá tra 8 tháng đầu 2012 so với cùng kỳ cũng tăng 5%, đạt khoảng hơn 400 ngàn tấn nhưng hiện tại tồn kho không còn, nguyên liệu lại giảm nghiêm trọng. Ông Dương Ngọc Minh nói đây là sản lượng cá tồn của năm 2012, thời điểm từ tháng 5 đến tháng 8 doanh nghiệp mua được giá thấp nên bán với giá rất rẻ chứ nguồn cá nuôi trong năm 2013 là không có nhiều. Vì vậy, việc nguồn tín dụng trong bảy tháng đầu năm nay, theo thống kê của Ngân hàng nhà nước cho dù có tăng trưởng cũng không phải ánh được gì. “Chúng tôi chỉ biết một thực tế là sản lượng cá đang cạn kiệt từng ngày”-ông nói.
Theo đánh giá của Vasep, thời gian tới giá cá tra tiếp tục tăng hàng ngày do nguyên liệu thiếu hụt nghiêm trọng nên oanh nghiệp nào giao dịch cẩu thả, mua thấp bán thấp trong thời gian qua chắc chắn tới đây sẽ không thực hiện được hợp đồng. Dự báo nguyên liệu cạn kiệt không chỉ trong 1 tháng hay 1 quý mà sẽ kéo dài cả một vụ nuôi nếu không có chính sách kịp thời. Đã đến lúc Tổng cục thủy sản, Vasep cần kiểm tra, chấn chỉnh đầu tư nuôi cá, bởi tình trạng thiếu, thừa như hiện nay chỉ có người dân là đối tượng chịu thiệt hại.
Hoàng Bảy