Tôm Việt bị cấm nhập khẩu: Không quá lo ngại nhưng cần đề phòng
Gần đây một số nước như Mexico, Philippines đưa ra quyết định cấm nhập tôm từ Việt Nam. Điều này có ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu, cũng như uy tín của con tôm Việt Nam trên thị trường thế giới hay không?
- 08-05-2013Cuộc chiến tôm nguyên liệu: Đừng để “thua trên sân nhà”!
- 08-05-2013Phập phồng mùa tôm chính vụ
- 07-05-2013Đi tìm lý do khiến xuất khẩu thủy sản sụt giảm mạnh
- 07-05-2013Tôm tươi Việt Nam bị nhiều nước cấm nhập
Mexico ngừng nhập khẩu
Thông tin đăng tải trên website của Bộ Nông nghiệp- chăn nuôi- phát triển nông thôn- thủy sản và thực phẩm Mexico (Sagarpa) cho biết, để bảo vệ ngành công nghiệp nuôi tôm trong nước trước hội chứng tôm chết sớm (EMS) hay hội chứng hoại tử gan tụy cấp tính (AHPNS), từ ngày 18/4/2013, Mexico ngừng nhập khẩu sản phẩm tôm sú, tôm thẻ chân trắng từ từ 4 nước châu Á là Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam.
Thông báo của Sagarpa yêu cầu tất cả các doanh nghiệp nhập khẩu Mexico phải chấp hành nghiêm túc quyết định trên, đồng thời yêu cầu Cơ quan Vệ sinh và chất lượng thực phẩm Mexico (Senasica) thắt chặt các biện pháp kiểm tra đối với việc nhập khẩu sản phẩm này từ các quốc gia châu Á khác chưa bị nhiễm bệnh.
Mexico hiện có 1.382 trang trại nuôi tôm với tổng diện tích lên đến 71.442 ha, chủ yếu nuôi tôm chân trắng, tập trung vào các bang phía tây bắc bên bờ Thái Bình Dương. Theo thống kê của Ủy ban quốc gia Nuôi trồng thủy sản và Nghề cá Mexico (Conapesca), năm 2012, Mexico thu hoạch 99.179 tấn tôm nuôi, chủ yếu để tiêu dùng nội địa.
Philippines “cấm cửa” tôm tươi sống
Những ngày đầu tháng 5/2013, Cục Nghề cá và nguồn lợi thủy sản (BFAR) đưa ra quyết định cấm nhập khẩu vô thời hạn đối với tôm tươi sống, động vật giáp xác từ một số nước châu Á, trong đó có Việt Nam. Một trong những lý do chính để Philippines ban hành quyết định này là do lo ngại hội chứng EMS ở một số quốc gia châu Á sẽ lây sang, làm ảnh hưởng đến ngành công nghiệp chế biến tôm nước này.
Giám đốc BFAR, Asis G. Perez khẳng định: “Đến thời điểm hiện nay, tôm Philippines vẫn chưa bị nhiễm EMS, theo đó cần phải bảo vệ ngành công nghiệp tôm Philippines tránh nguy cơ nhiễm bệnh thông qua việc ngừng nhập khẩu tôm sống, các loài giáp xác nhạy cảm khác theo Chỉ thị số 146 của Văn phòng thủy sản”.
Cũng theo Perez: “Để đảm bảo thực hiện các biện pháp kiểm dịch trong nước, tất cả các cán bộ y tế thủy sản của BFAR, cán bộ kiểm dịch và đội thực thi pháp luật phải theo dõi, kiểm soát và giám sát nghiêm ngặt hoạt động xuất nhập khẩu tại các cảng nhập cảnh, sân bay và cảng biển”.
Số liệu từ Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho thấy, quý I/2013, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Philippines đạt gần 1,3 triệu USD, chiếm 0,31% tổng kim ngạch xuất khẩu tôm Việt Nam (424,6 triệu USD). Theo đó, Philippines là quốc gia nhập khẩu tôm từ Việt Nam nhiều thứ 2 trong khối ASEAN, sau Singapore và đứng thứ 55 trong số những quốc gia có nhập khẩu tôm của Việt Nam.
Không quá lo ngại nhưng cần đề phòng
Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP khẳng định, không chỉ riêng Việt Nam mà hầu hết các nước khu vực châu Á có vùng nuôi tôm mắc những bệnh như hoại tử gan tụy, tôm chết sớm… đang phải đối mặt với những rào cản kỹ thuật khắt khe từ thị trường nhập khẩu.
Việt Nam không thể ngăn cản các nước bảo vệ hoạt động sản xuất của họ nhưng sẽ đảm bảo rằng, sản phẩm tôm đã qua sơ chế không mang các mầm bệnh nguy hiểm. Hơn nữa, dịch bệnh tôm chết sớm cũng chưa từng bị phát hiện lây lan từ sản phẩm tôm đông lạnh sang tôm sống.
Do đó, động thái trên sẽ không ảnh hưởng nhiều đến xuất khẩu tôm của Việt Nam bởi Philippines chỉ cấm nhập khẩu tôm tươi sống, còn tôm đông lạnh đã qua chế biến vẫn được xuất khẩu bình thường- ông Hòe cho biết thêm.
Còn theo ông Trần Văn Lĩnh, Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước (Đà Nẵng), việc các nước dựng hàng rào kỹ thuật hay ra quyết định cấm nhập khẩu một sản phẩm nào đó khi có dịch bệnh ở nơi sản xuất là chuyện thường xảy ra.
Nếu các nước chỉ cấm nhập khẩu tôm nguyên liệu từ Việt Nam với mục đích hỗ trợ nông dân, bảo vệ ngành sản xuất trong nước họ thì không sao. Tuy nhiên, khi sự việc xảy ra đồng loạt ở nhiều nơi thì có thể sẽ nguy hiểm cho sản phẩm thủy sản xuất khẩu của Việt Nam bởi uy tín con tôm trên thị trường thế giới có thể sẽ bị giảm đi.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia trong ngành thủy sản, để bảo vệ uy tín và hình ảnh của ngành tôm Việt Nam, cần đề phòng việc các nước có những thông tin không chính xác về chất lượng sản phẩm tôm Việt Nam trong quá trình cấm nhập khẩu.
Theo Sao Mai