Trái cây, rau củ... sang EU, Ấn Độ
Các doanh nghiệp và thương lái đang chủ động tìm kiếm nhiều thị trường khác, thay vì chỉ tập trung vào thị trường Trung Quốc như lâu nay.
- 15-06-2014Trung Quốc quấy rối, khai thác hải sản vẫn tăng
- 13-06-2014Chê Trung Quốc, vải thiều Thanh Hà “Nam tiến”
- 09-06-2014Giá rong mơ "xuống đáy” vì Trung Quốc ngừng mua
- 08-06-2014Trung Quốc vẫn 'ăn' hàng, nhưng giá thanh long rớt thê thảm
- 08-06-2014Đẩy mạnh giao thương tiêu thụ vải bên cạnh thị trường xuất khẩu truyền thống Trung Quốc
Thay vì chỉ tập trung vào một thị trường Trung Quốc, thời gian gần đây, nhiều hiệp hội, doanh nghiệp, thương lái... ở nhiều lĩnh vực đang tăng tốc chủ động lên những kế hoạch khá bài bản để mở rộng sang những thị trường khác.
Không chỉ với hàng xuất khẩu, nhiều nhóm hàng nhập khẩu nguyên liệu cũng tính toán để giảm phụ thuộc từ thị trường này.
Vú sữa Vĩnh Kim, thanh long Chợ Gạo, khoai lang Bình Tân... ở đồng bằng sông Cửu Long trước đây đầu ra chủ yếu dựa vào thị trường Trung Quốc, thế nhưng vừa qua nhiều doanh nghiệp khu vực này đã chủ động sang các nước Campuchia, Ấn Độ... thậm chí cả EU để chào hàng.
Tại chợ trái cây Vĩnh Kim - chợ đầu mối lớn nhất ĐBSCL (xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành, Tiền Giang) cùng các vùng nguyên liệu sầu riêng (Cai Lậy), thanh long (Chợ Gạo)... vào những ngày cuối tháng 5 đầu tháng 6 vừa qua, giá nhiều loại trái cây (loại I) giảm sâu như: mít Thái giảm từ 17.000 đồng/kg xuống còn 7.000 đồng/kg, xapôchê từ 15.000-17.000 đồng/kg giảm còn 7.000-9.000 đồng/kg, sầu riêng Monthong từ 37.000-40.000 đồng/kg giảm còn 18.000-20.000 đồng/kg, thanh long từ 17.000-20.000 đồng/kg chỉ còn 8.000-10.000 đồng/kg...
Phụ thuộc vào một thị trường
Một trong những nguyên nhân chính khiến giá trái cây cũng như các mặt hàng nông sản giảm giá sâu, theo các chủ vựa và các doanh nghiệp xuất khẩu hàng nông sản, là do thị trường Trung Quốc chậm “ăn hàng” sau sự kiện Trung Quốc đặt trái phép giàn khoan 981 ở vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam.
Riêng đối với mặt hàng khoai lang đang vào vụ thu hoạch rộ nên giá cả cũng giảm sâu. Giá khoai lang trên địa bàn huyện Bình Tân (Vĩnh Long) hiện chỉ còn 4.000-4.800 đồng/kg, giảm 1.000-2.000 đồng/kg so với hơn tháng trước.
Ông Lê Văn Xình (nông dân xã Tân Thành) cho biết những vụ khoai gần đây năng suất rất thấp, trong khi đó chất lượng cũng không cao nên lượng khoai bị thương lái loại ra, không mua chiếm gần phân nửa. Như gia đình ông Xình trồng 1.000m2 khoai, thu hoạch được 50-60 tạ thì có đến 20 tạ khoai không đạt chất lượng, bị thương lái “dạt”. Giá khoai dạt chỉ bằng gần nửa giá khoai lang thường.
Ông Ngô Văn Tua, chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ Thành Đông, cho rằng giá khoai lang giảm một phần do phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Giá khoai nằm ở mức thấp đã hơn tháng nay nên nhiều nông dân không thu hoạch mà neo lại chờ giá.
Một số nông sản khác đã qua sơ chế, chế biến cũng phụ thuộc rất lớn vào thị trường này như hạt điều, cao su, khoai mì, lúa gạo khi tỉ trọng xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc chiếm đến 20-90% tổng lượng xuất khẩu. Đáng chú ý là trong vài năm trở lại đây, trong khi một số mặt hàng có dịch chuyển theo hướng tích cực giảm dần phụ thuộc Trung Quốc thì mặt hàng gạo lại phụ thuộc ngày càng lớn vào thị trường này.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), trong hai năm trở lại đây Trung Quốc ngày càng trở thành thị trường nhập khẩu gạo quan trọng của Việt Nam. Hiện Trung Quốc đã là nhà nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam khi chiếm trên 60% tổng lượng gạo xuất khẩu của cả nước.
Không chỉ phụ thuộc vào hàng hóa xuất khẩu, nhiều vật tư nông sản quan trọng cho sản xuất nông nghiệp của Việt Nam cũng phụ thuộc vào nguồn cung từ Trung Quốc như hàng rau quả, phân bón, thuốc trừ sâu... khi chiếm đến 30-50% tổng lượng nhập khẩu.
Tìm thị trường thay thế
Để công việc kinh doanh không bị đình trệ, nhiều chủ vựa và doanh nghiệp kinh doanh hàng nông sản ở miền Tây Nam bộ đang chủ động mở rộng thị trường mới như Campuchia, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Ấn Độ... để xuất hàng. Campuchia đang được các chủ vựa chọn lựa đầu tiên do thị trường này chấp nhận hàng hóa với phẩm cấp thấp, quãng đường vận chuyển cũng không xa.
Anh Nguyễn Thanh Hiệp, chủ vựa trái cây Hiệp Phát (xã Tam Bình, huyện Cai Lậy, Tiền Giang), cho biết hơn một tháng qua anh đã chủ động chuyển mạnh việc xuất hàng sang Campuchia để duy trì việc kinh doanh cũng như giữ mối với nhà vườn.
“Thị trường này tuy tiêu thụ số lượng hàng không nhiều nhưng khá gần với địa bàn nên chi phí chuyên chở không cao. Do đó chỉ cần mình mua sầu riêng Monthong của nông dân từ 18.000-20.000 đồng/kg, sang bên đó bán 22.000-24.000 đồng là có lời và có thể giữ mối với bà con nông dân, không để việc kinh doanh bị gián đoạn” - anh Hiệp nói.
Tương tự, ông Trần Hữu Danh - giám đốc Công ty TNHH Long Việt (xã Đăng Hưng Phước, huyện Chợ Gạo, Tiền Giang) - cho biết trước đây 90% thanh long của công ty là xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Nhưng hiện nay do tình hình căng thẳng với Trung Quốc nên việc xuất khẩu thanh long sang thị trường này đang bị gián đoạn, bạn hàng không chịu “ăn hàng”. Trong thời gian chờ đợi nối lại thị trường này, doanh nghiệp của ông Danh đã chủ động tìm kiếm và mở rộng thị trường sang các nước Thái Lan, Malaysia, Indonesia và Ấn Độ.
Ông Danh cho rằng thị trường các nước Asean tuy nhu cầu tiêu thụ hàng nông sản không nhiều như Trung Quốc nhưng nhìn chung thanh long của Việt Nam rất được người dân các nước này ưa chuộng. Mới đây, doanh nghiệp của ông Danh đã tiếp cận được thị trường Ấn Độ và xuất được hàng thanh long vào thị trường này.
“Ấn Độ là thị trường lớn, dễ tính. Dự kiến 3-5 năm nữa thị trường này sẽ được mở rộng, khi đó việc phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc sẽ ít hơn và đây cũng là mục tiêu mang tính định hướng của doanh nghiệp chúng tôi trong thời gian tới” - ông Danh hi vọng.
Tỉ trọng xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc của một số mặt hàng nông sản trong bốn tháng đầu năm 2014
Hướng đến các thị trường khó tính
Theo GS Nguyễn Quốc Vọng - chuyên gia nông nghiệp, nhu cầu nông sản sạch và cao cấp của thế giới là vô cùng lớn và đang tăng lên theo thời gian. Trong khi ở Việt Nam tình trạng canh tác vẫn còn lạc hậu và không theo các tiêu chuẩn quốc tế nên rất khó tiếp cận các thị trường khó tính. Để thâm nhập các thị trường cao cấp, Việt Nam phải thay đổi thói quen sản xuất theo hướng nông nghiệp công nghệ cao và đạt chuẩn quốc tế.
Thực tế đã chứng minh với doanh nghiệp đạt được các tiêu chuẩn quốc tế, việc xuất khẩu nông sản vào các thị trường khó tính rất thuận lợi, thậm chí không đủ hàng để bán. Ông Đồng Đăng Huân, đại diện Công ty TNHH Thịnh Cát (TP.HCM), cho biết hiện đơn vị này không đủ các mặt hàng rau thơm để xuất khẩu vào thị trường châu Âu.
Theo Cục Bảo vệ thực vật, sau một tháng được Chính phủ New Zealand mở cửa, lô thanh long đầu tiên của Việt Nam đã được một đơn vị trong nước xuất khẩu thử nghiệm vào thị trường này. Như vậy, New Zealand là thị trường khó tính mới nhất mà trái thanh long tươi của Việt Nam thâm nhập được sau Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Chile, bên cạnh Canada và EU.
Ngoài thanh long, một số loại trái cây khác của Việt Nam như xoài, nhãn, vải, chôm chôm, vú sữa... cũng có nhiều tiềm năng xuất khẩu vào các thị trường khó tính khi các thủ tục về kiểm dịch được thông qua. Đây chính là những thị trường mà doanh nghiệp trong nước cần lưu ý tận dụng trong thời gian tới.
“Nhiệm vụ của cơ quan nhà nước là mở cửa thị trường đã xong, giờ là lúc các doanh nghiệp xuất khẩu chủ động tìm kiếm đối tác và xúc tiến quảng bá đưa sản phẩm vào các thị trường này” - TS Nguyễn Hữu Đạt, giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu 2 (Bộ NN&PTNT), nói.
Ông HUỲNH QUANG ĐẤU (tổng giám đốc Công ty cổ phần Rau quả thực phẩm An Giang - Antesco, phó chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam): Không lo thị trường, chỉ sợ thiếu vốn Nhu cầu nông sản cao cấp tại các thị trường khó tính còn rất lớn nhưng nhiều doanh nghiệp trong nước không có đủ vốn để đầu tư vùng nguyên liệu và nhà máy sản xuất. Cái khó đối với doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam là vùng nguyên liệu của ta ở quy mô nhỏ, manh mún nên chất lượng không đồng đều, quản lý dư lượng hóa chất rất khó trong khi đây lại là những hàng rào kỹ thuật mà các thị trường khó tính như EU và Mỹ làm rất chặt. Do đó, cơ quan chức năng cần hỗ trợ doanh nghiệp vùng nào trồng loại gì để có vùng nguyên liệu chất lượng ổn định. Đối với Antesco, trong năm tháng đầu năm nay, doanh số xuất khẩu của Antesco đạt trên 5 triệu USD, tăng khoảng 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Sản phẩm chủ lực của công ty là các loại rau củ chế biến đông lạnh và đóng hộp xuất khẩu sang các thị trường khó tính như EU, Mỹ, Nhật... Hiện công ty đang xúc tiến mở rộng thị trường sang khu vực Trung Đông vì đây là thị trường rất tiềm năng. Chúng tôi có thể đạt được các mục tiêu này bởi Antesco vừa được Ngân hàng Nhà nước đồng ý cấp cho khoản vay vốn để xây dựng nhà máy và phát triển vùng nguyên liệu với lãi suất thấp. Cụ thể, Nhà nước cho vay 80% vốn đầu tư nhà máy không thế chấp trong 11 năm với lãi suất 10,5%/năm, đồng thời cho vay mở rộng vùng nguyên liệu với lãi suất 7%/năm. Đây là điều kiện rất thuận lợi để Antesco thực hiện mô hình liên kết cánh đồng mẫu lớn trên rau củ, bao tiêu đầu ra cho nông dân. Trần Mạnh |
“Chấn chỉnh” để tránh phụ thuộc Trung Quốc
Theo Thanh Tú – Thúy Hằng – Trần Mạnh