MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trồng mắc ca: Cây “khó tính” nhưng thu “1 vốn 4 lời”?

27-05-2015 - 08:26 AM |

Theo TS. Nguyễn Trí Ngọc, trồng 1 ha cà phê đầu tư lên tới 30-40 triệu đồng nhưng thu hoạch chỉ được 60 triệu đồng, tương tự thu nhập từ chè là 90 triệu đồng/ha. Riêng trồng mắc ca, cùng một mức vốn bỏ ra, doanh thu có thể lên tới 140-160 triệu đồng

Cây trồng “khó tính”…

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cây mắc ca được trồng thử nghiệm ở Việt Nam từ năm 1994 và các khảo nghiệm giống cây mắc ca đã được triển khai tại 16 tỉnh thành; đến nay đã xây dựng được 20 mô hình khảo nghiệm giống, với tổng diện tích là 35 ha, trong đó, có 30 ha đã ra hoa đậu quả.

Hiện nay, diện tích mắc ca trồng thử và dự án khuyến lâm theo chương trình của Bộ NN&PTNT ở Tây Bắc và Tây Nguyên là khoảng 520 ha. Ngoài ra, diện tích do các tổ chức, cá nhân tại các địa phương khác trồng khoảng 1.920 ha (trong đó ở Tây Bắc gần 280 ha, Tây Nguyên khoảng 1.640 ha). Như vậy, tổng diện tích cây mắc ca cả nước đến nay khoảng 2.440 ha.

Thông thường, mắc ca từ khi trồng đến khi ra quả phải mất 5 năm, là loại cây trồng “khó tính”, rất kén thổ nhưỡng và khí hậu. Theo các nhà khoa học, mắc ca có thể trồng ở nhiều nơi nhưng để cây có quả hạt thì lại rất ít nơi trồng được, chưa kể đến vấn đề biến đổi khí hậu nên khó ổn định năng suất qua các năm trồng đối với những cây đã cho quả.

Mới đây, Bộ NN&PTNT đã có văn bản ủng hộ đề xuất của Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) và Công ty Cổ phần Him Lam về việc thành lập Hiệp hội mắc ca Việt Nam và Tây Nguyên. Hai đơn vị này đang hợp tác phát triển trồng mắc ca tại Việt Nam, như Him Lam đã xin 1.000 ha để ươm giống cung cấp cho nông dân, LienVietPostBank có gói 20.000 tỷ đồng cho nông dân vay trồng mắc ca.

Về thị trường chế biến mắc ca tại Việt Nam, do nguồn cung quá thấp nên hiện nay chỉ có duy nhất doanh nghiệp IDT International mạnh dạn nhập hạt mắc ca từ Úc về chế biến với các sản phẩm mang thương hiệu Macca Delix. Một số doanh nghiệp khác lựa chọn nhập bán sản phẩm mắc ca từ Nam Phi, Úc, Mỹ. Hạt mắc ca trồng tại Việt Nam đã bắt đầu được rao bán tuy nhiên chất lượng hạt đạt tiêu chuẩn thật sự còn nhiều vấn đề cần bàn.

Theo nhiều chuyên gia trong ngành, để cây “tỷ đô” mang lại tiền tỷ cho nông dân, dù Việt Nam có nhiều lợi thế song còn nhiều việc phải giải quyết và mọi thứ mới chỉ bắt đầu...

“1 vốn 4 lời”?

Theo TS. Nguyễn Trí Ngọc - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển khoa học công nghệ nông lâm nghiệp Thành Tây cho biết, trồng cây mắc ca là siêu lợi nhuận.

Ông Ngọc dẫn chứng, trồng 1 ha cà phê đầu tư lên tới 30-40 triệu đồng nhưng thu hoạch chỉ được 60 triệu đồng, tương tự thu nhập từ chè là 90 triệu đồng/ha. Riêng trồng mắc ca, cùng một mức vốn bỏ ra, doanh thu có thể lên tới 140-160 triệu đồng. Đây là cây trồng có hiệu quả cao.

Với giá cả hiện tại, hạt mắc ca chế biến giá bán lên tới 15-18 USD/kg, nếu sản xuất thức ăn như bánh kẹo, đồ hộp...giá trị có thể gấp 3 lần nhân, trong sản xuất mỹ phẩm thì giá trị tăng lên 20 lần, tương đương 280 USD/kg.

Đến năm 2020, thị trường toàn thế giới cần khoảng 220.000 tấn nhân mắc ca, hiện nay mới chỉ đáp ứng 25-30% lượng cầu trên thế giới. Nhu cầu đối với loại hạt này rất lớn.

"Việt Nam đã và đang hội nhập sâu vào thế giới với hàng loạt các FTA được ký kết, sắp tới là TPP và AEC. Triển vọng về thị trường tiêu thụ rất tốt đế phát triển mắc ca" - TS Ngọc nhận định.

Nguyệt Quế

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên