Trung Quốc tăng nhập khẩu gạo và những ảnh hưởng tới khu vực châu Á
Trung Quốc hiện đang giữ một vị trí quan trọng trên thị trường lúa gạo đúng như nhiều người đã từng dự đoán: một người khổng lồ “phàm ăn” và “thèm khát” nhập khẩu.
Sau nhiều thập kỷ tự cung tự cấp, Trung Quốc đã trở thành nước nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới. Điều này có ảnh hưởng gì lớn đối với châu Á?
Dưới đây là bài phân tích của hai nhà nghiên cứu J.Jackson Ewwing thuộc Trung tâm Nghiên cứu An ninh Phi truyền thống (NTS) và Zhang Hongzhou thuộc bộ phận nghiên cứu Chương trình Trung Quốc thuộc trường Quốc tế S. Rajaratnam (RSIS), Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore).
Trung Quốc hiện đang giữ một vị trí quan trọng trên thị trường lúa gạo đúng như nhiều người đã từng dự đoán: một người khổng lồ “phàm ăn” và “thèm khát” nhập khẩu. Sự thay đổi này có thể sẽ ảnh hưởng đến an ninh lương thực khu vực trong những thập kỷ tới.
Nhập khẩu gạo vào Trung Quốc năm 2012 đã tăng gấp 4 lần so với năm trước đó, lên 2,4 triệu tấn. Trong 9 tháng đầu 2013, họ đã nhập khẩu tới 3,2 triệu tấn, vượt cả Nigeria để trở thành nước nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới, và trong báo cáo tháng 8/2013 Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo năm 2014 nước này sẽ nhập khẩu kỷ lục mới 3,4 triệu tấn.
Trung Quốc là nước sản xuất gạo lớn nhất thế giới, thu hoạch trên 200 triệu tấn năm 2012, song họ vẫn mua thêm từ những nguồn cung có chi phí thấp, trong đó có Việt Nam và Myanmar, với lượng nhập những năm gần đây tăng khá mạnh.
Việc Trung Quốc gia tăng nhập khẩu gạo rất khó giải thích. Mức tiêu thụ gạo bình quân người đang giảm, trong khi đó sản lượng nội địa tăng liên tiếp 9 năm và dự báo năm 2013 sẽ cao kỷ lục. Vì thế việc tăng nhập khẩu trở nên khó hiểu.
Có bốn lý do cơ bản khiến Trung Quốc gia tăng nhập khẩu gạo:
Thứ nhất, có thể lý giải rằng sản lượng lúa gạo của Trung Quốc trên thực tế không như các báo cáo. Có nhiều thông tin từ cả Trung Quốc và quốc tế cho rằng các số liệu chính thức về sản xuất lúa gạo của Trung Quốc không đáng tin cậy.
Thứ hai, ngành nông nghiệp Trung Quốc đang bị giảm khả năng cạnh tranh. Giống như một số quốc gia châu Á khác, Trung Quốc đã thực hiện các chiến lược Nhà nước tài trợ tiền để khuyến khích trồng lúa bằng việc ấn định mức giá thu mua tối thiểu. Sau gần một thập kỷ ấn định và gia tăng mức giá thu mua tối thiểu, giá gạo Trung Quốc đã trở nên cao hơn nhiều so với giá thế giới.
Thứ ba, hệ thống hậu cần nông nghiệp lạc hậu làm giảm hiệu quả của ngành lương thực thực phẩm. Đô thị hóa và công nghiệp hóa nhanh cóng đã xảy ra ở các trung tâm sản xuất lúa gạo của Trung Quốc trải dài từ miền nam ra miền bắc. Vựa lúa mới ở vùng đông bắc thì cách xa những tỉnh tiêu thụ nhiều gạo, và hệ thống vận chuyển ngũ cốc của Trung Quốc không đáp ứng được yêu cầu. Chi phí vận chuyển gạo từ khu vực đông bắc sang các thị trường tiêu thụ lớn của nước này hiện chiếm tới khoảng 30% giá bán lẻ gạo, và công suất vận chuyển trong mùa cao điểm rất khó đáp ứng đủ nhu cầu gạo. Điều này tạo cơ hội cho các công ty ở phía nam Trung Quốc tìm tới nguồn cung gạo từ các nước xuất khẩu láng giềng như Thái Lan, Campuchia và Việt Nam.
Thứ tư, lo ngại gia tăng về sự an toàn của gạo sản xuất trong nước khiến cho gạo nhập khẩu trở nên hấp dẫn hơn. Kết quả một nghiên cứu năm 2011 cho thấy có tới 10% gạo bán ở Trung Quốc bị ô nhiễm và không có lợi cho việc tiêu dùng. Các báo cáo khác cũng cho thấy sự lo ngại gạo bị nhiễm độc cadmium, ngày càng có nhiều người dân Trung Quốc lục địa sang tận HongKong để mua gạo nhập khẩu.
Việc Trung Quốc tăng nhập khẩu gạo có nhiều tác động tích cực tới thị trường châu Á…
Việc Trung Quốc tăng nhập khẩu trong một số trường hợp có thể làm gia tăng luồng vốn vào, làm tăng thu nhập của người nông dân, và tạo cơ hội cho các nước xuất khẩu tiếp cận sâu rộng hơn với công nghệ. Từ đó có thể đóng góp vào các chiến lược sản xuất hiệu quả hơn, cho năng suất cao hơn, tạo ra một hướng giải quyết những thách thức về lúa gạo trong khu vực.
Việc năng suất tăng sẽ góp phần làm giảm tác động tới môi trường bằng việc giảm diện tích trồng lúa, và cũng giúp quản lý việc di cư lao động, giảm chi phí sản xuất và giảm chi phí cho người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, các mối quan hệ thương mại cũng dần ổn định hơn, bởi thị trường sẽ dần chấp nhận gạo châu Á với mức giá cao hơn, chất lượng tin cậy hơn và nguồn cung dồi dào.
….song cũng có thể gây những tác động tiêu cực
Trong tương lai xa, nếu nhu cầu lúa gạo của Trung Quốc liên tục gia tăng trong khi quỹ đất trồng lúa ở châu Á ngày càng hạn hẹp thì sẽ ảnh hưởng tới an ninh lương thực khu vực.
Tuy nhiên trước mắt, các nhà xuất khẩu khi giao dịch gạo với Trung Quốc luôn trong tâm trạng bất an, bởi khách hàng có thể giảm hoặc từ bỏ việc nhập khẩu bất cứ lúc nào.
Bên cạnh đó, những hợp đồng mua bán gạo liên chính phủ của Trung Quốc bị nhiều chuyên gia cho là thiếu sự minh bạch.
Những thay đổi trong môi trường sản xuất lúa gạo châu Á
Sau hơn 3 thập kỷ suy giảm, giá gạo đã đảo chiều tăng gấp đôi kể từ năm 2000.
Dĩ nhiên giá tăng không phải chỉ bởi Trung Quốc, mà còn do chính sách của nhiều nước sản xuất gạo lớn của châu Á. Chẳng hạn như ở Thái Lan, chương trình hỗ trợ nông dân của chính phủ, với mục tiêu thu mua gạo trong nước với giá cao hơn nhiều so với giá thị trường, đã làm suy yếu khả năng cạnh tranh của Thái Lan trên thị trường gạo xuất khẩu, và tạo ra một lượng tồn trữ khổng lồ trong các kho của chính phủ.
Không chỉ có Thái Lan, đợt giá gạo tăng vọt những năm 2007-2008 đã khiến chính phủ nhiều nước châu Á khác phải gia tăng sự hỗ trợ cho ngành lúa gạo nhằm đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, kể cả chính sách lưu giữ một lượng gạo lớn trong kho dự trữ. Những chính sách này đều phản ánh mong muốn bảo vệ thị trường gạo trong nước tránh những cú sốc bên ngoài, nhưng chúng cũng đồng thời có tác động đẩy giá gạo gia tăng, đồng thời đè nặng lên ngân sách nhiều quốc gia và đi ngược lại các mục tiêu tự do hóa của phần lớn trong khu vực cũng như của WTO.
Tuy nhiên, lượng dự trữ khổng lồ vẫn không ngăn cản sản xuất ở nhiều khu vực. Sản lượng của hầu hết các quốc gia châu Á dự báo sẽ cao kỷ lục, chủ yếu bởi diện tích trồng lúa gia tăng. Các nước xuất khẩu gạo trung bình trong khu vực – Myanmar và Campuchia – cũng đang tăng mạnh sản xuất với hy vọng gia nhập cùng nhóm các nước cung cấp lớn với Thái Lan và Việt Nam. Ngoài châu Á, sản lượng cũng đang tăng ở châu Phi và Nam Mỹ, và tổng sản lượng gạo toàn cầu niên vụ 2013-2014 chắc chắn sẽ đạt kỷ lục cao chưa từng có trong lịch sử.
Các nước nhập khẩu cũng gia tăng sản xuất. Philippine tuyên bố sắp đạt mục tiêu tự cung tự cấp sau mấy năm nỗ lực tăng năng suất và sản lượng. Malaysia cũng tương tự, đang giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu gạo bằng việc tăng sản xuất lúa nội địa, còn Indonesia, mặc dù sản lượng tăng chậm hơn nhưng cũng có cùng tham vọng như các láng giềng.
Bên cạnh đó, giá gạo tăng cũng có một phần nguyên nhân từ những “cú sốc” chi phí đầu vào như giá nhiên liệu, phân bón, đất đai và nhân lực lao động.
Mặc dù còn một số yếu tố chưa chắc chắn, song rõ ràng những năm tháng tự cung tự cấp lúa gạo của Trung Quốc đang qua đi. Thực tế mới này sẽ có ảnh hưởng lớn tới tương lai ngành lương thực châu Á.
Vân Chi