MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tung chiêu kêu khổ, thu mua tạm trữ gạo được rót tiền

16-03-2014 - 09:51 AM |

Thống đốc Ngân hàng nhà nước cam kết dành khoảng 8.000 tỷ đồng tín dụng ưu đãi để thu mua tạm trữ gạo.

Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết như vậy tại Hội nghị về sản xuất và tiêu thụ lúa, gạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tổ chức ngày 15/3, tại thành phố Cần Thơ.

Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng cho biết Ngân hàng Nhà nước sẽ áp dụng mức lãi suất cho vay ngắn hạn chỉ còn 7% cùng các thủ tục thuận lợi nhằm triển khai thí điểm để khuyến khích, nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất cánh đồng mẫu lớn, sản xuất nuôi trồng chế biến thủy hải sản và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.

Ông Bình cũng cho biết thêm, ngay trong tuần tới sẽ áp dụng một mặt bằng lãi suất mới, đưa trần lãi suất xuống còn 6%, như vậy kiềm chế lạm phát trong cả năm nay phấn đấu xung quanh 6%.

Cũng tại Hội nghị, Thủ tướng đã chỉ đạo triển khai mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo theo đề nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tạm trữ lúa gạo trong bối cảnh giá lúa gạo ở khu vực ĐBSCL có chiều hướng giảm. Thời gian mua tạm trữ dự kiến đến hết tháng 4 tới với việc hỗ trợ 4 tháng với lãi suất trần 7%, đảm bảo người dân có lãi 30%.

Trước đó, sau khi Thái Lan tuyên bố xả kho tạm trữ lên đến 20 triệu tấn, trả lời trên Bloomberg, ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) dự báo, lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc và châu Phi sẽ giảm trong năm nay do sự cạnh tranh từ Thái Lan cũng như Ấn Độ và Pakistan đều tăng trong lúc thị trường gạo toàn cầu đang rơi vào tình trạng dư cung.

Ông Phong cũng lo lắng rằng, chắc chắn Trung Quốc sẽ yêu cầu phải giảm giá do áp lực từ việc bán gạo của Thái Lan. 
 
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đình Bích, chuyên gia lúa gạo (Viện Nghiên cứu Thương mại) nói thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam ảnh hưởng bởi việc Thái Lan xả kho tạm trữ ở thời điểm này là làm hại nông dân, ảnh hưởng đến giá lúa vì lúa đã trồng, sắp thu hoạch.

"Nói thị trường khó khăn đương nhiên các doanh nghiệp sẽ hạ giá thu mua gạo từ nông dân xuống, thu nhập của nông dân sẽ bị ảnh hưởng nên phải bình tĩnh nhìn nhận xem nó khó đến mức nào, liệu người Thái sẽ giảm giá bán đến bao nhiêu", ông Bích nói.

Thực tế, hiệu quả của chính sách tạm trữ lúa gạo cũng khiến nhiều người đặt câu hỏi, thậm chí có ý kiến đề xuất nên bỏ chính sách tạm trữ vì thực tế, chính sách này không mang lại lợi ích cho nông dân mà thay vào đó lại làm lợi cho doanh nghiệp trong khi hàng nghìn tỷ vẫn được dành để chi trả cho chính sách này.

Cụ thể, như đợt hè thu năm 2013 vừa qua, sau khi mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo, các doanh nghiệp vẫn ế 700.000-800.000 tấn và giá lúa chỉ tăng 100-200 đồng/kg.

Báo cáo từ Bộ Nông nghiệp cho thấy, các ngân hàng đã giải ngân cho vay 7.612 tỷ đồng với lãi suất cho vay 10-10,5%/tháng. Với việc Nhà nước hỗ trợ lãi suất cho các DN tham gia thu mua tạm trữ trong thời gian 3 tháng, có nghĩa là Nhà nước phải chi ít nhất trên 200 tỷ đồng để phục vụ đợt tạm trữ 1 triệu tấn.

Thực tế giá lúa chỉ tăng 100-200 đồng/kg, có nghĩa là phần hỗ trợ lãi suất trên của Nhà nước chỉ đủ, thậm chí hụt để bù đắp cho phần giá trị lúa gạo tăng thêm, chứ không kích thích được giá lúa gạo tăng lên.

Theo Thu Phương

khanhnt

Đất Việt

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên