MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Việt Nam dư sức làm lúa đặc sản, giá gạo ở đáy vì ai?

17-04-2014 - 07:44 AM |

Chính phủ phải ra tay kéo các ngành vào cuộc chứ không thể để một mình Bộ NN&PTNT loay hoay với bài toán khó.

GS.TSKH Trần Duy Quý, nguyên Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp Việt Nam đã nói như vậy. Ông cũng có nhiều kế hay hiến với nhà nước để khắc phục khó khăn cho ngành lúa gạo Việt Nam.

PV: Thưa Tiến sĩ mấy ngày qua thông tin về một cuộc chiến giảm giá gạo trong châu Á đang hiện hữu khiến người dân rất lo ngại, bởi vốn dĩ giá gạo Việt Nam đã rất thấp. Người dân nhiều nơi đã bỏ ruộng nay giá lại thấp hơn nữa thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo. Là nhà khoa học cũng có nhiều năm làm giống lúa ông suy nghĩ gì và có hiến kế gì với Nhà nước để giúp người nông dân đứng vững được trên mảnh ruộng của mình?

GS.TSKH Trần Duy Quý: - Thực sự tôi thấy trong câu chuyện này có rất nhiều điều đáng phải suy nghĩ. Là nhà khoa học, tôi thấy đau mỗi khi nghe những thông tin kiểu như thế này. Thấy thương cho người nông dân quá.

Thực chất khoa học của chúng ta hoàn toàn có thể làm được những giống lúa chất lượng cao (600 USD-900USD/tấn). Bằng chứng là chúng tôi đã làm thành công giống lúa Japonica chất lượng cao có thể bán 900USD/tấn.

Tuy nhiên câu chuyện giống chỉ là một trong chuỗi liên hoàn cần một sự phối hợp chặt chẽ và bài bản chứ để người nông dân, nhà khoa học đứng ra thì không thể có một sức mạnh cần thiết.

Tôi cho rằng, lúc này nhà nước phải gấp rút có chính sách để thay đổi. Không để tình trạng dân làm theo kiểu mỗi người một giống nữa.

Nhưng tôi cũng hiểu cái khó của quản lý trong nông nghiệp là luôn phải có bộ phận cập nhật tình hình trong nước và quốc tế để điều hành chính sách, phát triển cho đúng. Chứ nếu vẫn để tình trạng thấy cái gì hay hay được ăn là đổ xô vào cùng làm. Mà nguyên tắc đã làm đổ xô, nhiều là sẽ giá rẻ.

Muốn có kế hoạch phải đầu tư con người, nghĩa là những  người chuyên làm về dự báo thị trường. Bên cạnh đó phải có bộ phận giỏi đi đàm phán thị trường.

Khâu này lâu nay ta vẫn bỏ ngỏ. Hô hào dân nhưng dân ta cứ thấy tốt là đổ xô vào trồng. Bài học dưa hấu đang thể hiện rõ.

Nếu ta có người đàm phán với Trung Quốc chuẩn cam kết với nhau hàng năm cung cấp bao nhiêu dưa hấu theo con đường chính ngạch. Đến thời điểm đó, cửa khẩu làm việc 24/24, chia làm 3 ca. Như thế sẽ thông suốt ngay.

Còn cứ để tình trạng xe ùn ùn tập trung lên, họ thấy thế thì chỉ cần làm một động tác nhẹ giãn thời gian thì chắc chắn ta sẽ thua.

Về vấn đề hiện nay, không thể trách riêng bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn mà còn cả ngành Hải quan, Công thương cũng có trách nhiệm. Theo tôi, để giải quyết vấn đề, phải có sự can thiệp tầm Chính phủ.

PV: - Thực tế có nhiều ý kiến cho rằng hiện nay việc cung ứng giống lúa tại Việt Nam đang gặp rất nhiều vấn đề. Người dân mạnh ai người đó trồng, doanh nghiệp thì chạy theo lợi nhuận, mua giống thương phẩm của Trung Quốc về bán cho nông dân với giá cao và phải phụ thuộc. Trong khi đó các giống lúa được nghiên cứu trong nước lại thiếu khâu tổ chức, quảng bá để nhân rộng diện tích, làm thương mại, đúng không thưa Giáo sư?

GS.TSKH Trần Duy Quý: - Đúng là có những công ty, doanh nghiệp đang làm lũng đoạn thị trường. Thậm chí chúng tôi cũng thấy có ý kiến nhắc tới câu chuyện lợi ích nhóm ở đây.

Cũng xin khẳng định rằng khoa học Việt Nam thì hoàn toàn có thể làm được những giống lúa đặc sản, chất lượng cao. Vấn đề là cơ quan nhà nước yêu cầu, đặt hàng tới đâu, ra đầu bài như thế nào thôi.

Cái khó là phải có đầu ra. Đây chính là vai trò của Tổng công ty nhà nước mà ở đây là “anh cả đỏ - Các tổng công ty lương thực miền Bắc và Tổng công ty lương thực miền Nam” phải tập trung tìm đầu ra. Rồi đầu tư công nghệ chế biến chuẩn, quy hoạch vùng sản xuất lớn, đồng loạt.

Ai cũng mong muốn nhưng cách chỉ đạo thì khó và không rõ ràng. Để rồi hai tổng công ty này lại chỉ lo đi buôn kiếm lời, khi khó khăn lại kêu nhà nước hỗ trợ để mua tạm trữ.

PV: - Trong khi thị trường lúa gạo đang gặp khó như vậy nhưng Tổng Công ty Lương thực miền Bắc và miền Nam lại chưa làm tốt vai trò của mình. Theo ông cần phải thay đổi như thế nào?

GS.TSKH Trần Duy Quý: - Tôi có biết các Tổng công ty mới chỉ mua lúa gạo của các thương lái rồi xuất đi các nước kiếm lời. Do vậy gạo không được đồng nhất, không đẹp mắt.

Các Tổng công ty này cũng không dám chi cho khoa học để làm giống, đầu tư công nghệ sau thu hoạch. Chỉ có số ít doanh nghiệp, Công ty giống cây trồng Trung ương phối hợp với các nhà khoa học để làm giống tốt.Bộ cũng có các chương trình nhưng cũng chỉ có hạn. Trước đây Bộ cũng có đặt hàng cho khoa học nhưng cũng chưa đến nơi đến chốn khiến nhà khoa học nản chí.

Giống như khi làm giống lúa Japonica có giá trị 900 USD/tấn nhưng Bộ mới đây đã quyết định không lựa chọn làm giống chủ lực nữa nên các nhà khoa học đã phải cất dành giống lúa này đến khi nào đất nước cần thì bỏ ra.

Về quan điểm thị trường, chúng tôi thì thấy rằng không nên mua tạm trữ mà phải ủng hộ cho những doanh nghiệp dám mua, dám bỏ tiền chứ không thể bỏ tiền của nhà nước mãi như vậy.

Làm gì có chuyện nhà nước hỗ trợ, bỏ tiền ra rồi khi doanh nghiệp bán được lãi tiền bỏ túi rồi chỉ khai nộp một chút thuế. Nếu còn làm tạm trữ sẽ dễ bị ép giá và chỉ cần bị đối tác dọa là phải bán với giá thấp. Đây cũng là con đường bế tắc của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

Trong khi đó doanh nghiệp Việt Nam đa số mua bán ăn chặn của dân. Chỉ có một vài công ty muốn làm theo kiểu bài bản, chắc ăn, nghĩ cho nông dân, đầu tư làm giống cẩn thận và cam kết mua lúa cho nông dân. Tuy nhiên những doanh nghiệp này lại lo cạnh tranh với các doanh nghiệp được ưu tiên, có nhiều lợi thế hơn, thành ra cũng mệt mỏi.

Cho nên tôi thấy rằng Nhà nước nên hỗ trợ những doanh nghiệp nào muốn làm thực sự chứ không nên ủng hộ kiểu thời vụ như hiện nay.

Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư!

Theo Bích Ngọc

khanhnt

Báo đất Việt

Trở lên trên