Việt Nam và cây trồng biến đổi gene: “Sao phải vội vàng với cây thực phẩm?”
Cây trồng BĐG được biết đến là giống cây trồng có nhiều ưu điểm nổi bật như kháng sâu , kháng thuốc diệt cỏ và điều quan trọng mà nhiều người nhấn mạnh là nó đem lại sản lượng cao cho cây trồng.
“Với những đối tượng cây trồng thực phẩm biến đổi gen (BĐG), ta cần gì phải vội vàng cho ứng dụng trồng đại trà trong khi thế giới còn đang tranh cãi” - Giáo sư, Viện sỹ Trần Đình Long – Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam chia sẻ về cây trồng BĐG.
Cần có cách tiếp cận thông minh
Cây trồng BĐG là thành tựu lớn của thế giới, đến thời điểm này có một số đối tượng cây trồng BĐG đã được nghiên cứu thành công và đưa ra trồng thương mại đó là ngô, đậu tương, cải dầu, bông. Bốn loại cây trồng này hiện đang có diên tích rất lớn. Có 27 nước tham gia trồng cây BĐG với diện tích lớn và có hiệu quả kinh tế, lãi hàng tỷ USD.
Tuy nhiên BĐG chỉ mới giải quyết một số tính trạng là kháng thuốc trừ cỏ và kháng sâu, tức nếu phun thuốc trừ cỏ thì cây trồng không chết mà chỉ chết cỏ. Thành tựu này là rất tốt, vậy nhưng hiện nay trên thế giới đang có ba trường phái khác nhau: một là ủng hộ trồng BĐG; hai là phản đối; ba là nghe ngóng và có những bước đi thận trọng.
Tôi thiết nghĩ chúng ta cần có cách tiếp cận thông minh, chọn đối tượng cây trồng BĐG phù hợp. Với đối tượng cây trồng BĐG không ảnh hưởng đến sức khỏe con người như cây hoa, cây bông… chúng ta có thể nghiên cứu và xem xét ứng dụng trồng trước, tuy nhiên cách thức trồng như thế nào cũng phải có tính toán kỹ lưỡng.
Còn đối với những đối tượng cây trồng BĐG làm thực phẩm ( lúa, rau mầu, ngô, đậu tương…) thì chúng ta chưa nên vội vàng trồng ngay, cần có những nghiên cứu phân tích sâu sắc, bước đi thận trọng vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người.
Trong tiến trình hơn 25 năm đổi mới nền nông nghiệp nước nhà có những thành tựu đặc biệt xuất sắc. Việt Nam là nước XK nông sản rất lớn với 7-8 mặt hàng lớn nhất nhì thế giới, xét riêng ở khu vực Đông Nam Á thì nông nghiệp Việt Nam được xếp hàng là bậc “anh chị”.
Tuy nhiên gần đây nông nghiệp bắt đầu đối mặt với nhiều thách thức, phát triển chậm lại, giá trị sản phẩm nông sản không cao, thành tích chủ yếu nằm ở mặt số lượng. Bây giờ thế giới cần những sản phẩm nông nghiệp chất lượng, mang lại giá trị kinh tế cao.
Bài toán cho ngành nông nghiệp Việt Nam là chuyển từ một nền nông nghiệp số lượng sang thành nền nông nghiệp chất lượng, như thế nông dân mới được hưởng lợi từ nông nghiệp, và đây cũng là mục tiêu, chiến lược phát triển của ngành nông nghiệp nước nhà.
Cây trồng BĐG được biết đến là giống cây trồng có nhiều ưu điểm nổi bật như kháng sâu , kháng thuốc diệt cỏ và điều quan trọng mà nhiều người nhấn mạnh là nó đem lại sản lượng cao cho cây trồng. Tuy nhiên thực tế hiện nay cũng chỉ mới có một số nước cho phép trồng cây biến đổi gen, nhiều nước đang thờ ơ, còn cộng đồng Châu Âu thì kịch liệt phản đối.
Các nhà cung cấp giống Việt Nam, kể cả nhà quản lý, nhà khoa học cho đến người nông dân đều cho rằng với cây thực phẩm chưa nên áp dụng BĐG, còn các đối tượng cây trồng là hoa, cây công nghiệp, cây bông thì cần tiếp cận cây trồng BĐG một cách thận trọng vì dù sao những đối tượng cây trồng này chưa ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người.
Chúng ta không nên nôn nóng vội vàng và đánh giá một cách cảm tính rằng cây trồng BĐG sẽ mang lại tất cả những lợi thế cho mình. Bản chất nó cũng có mặt mạnh và mặt yếu. Người ta cứ hiểu rằng cây trồng BĐG sẽ cho năng suất cao tuy nhiên hoàn toàn không phải, cây trồng BĐG không làm tăng năng suất, Đólà giống cây trồng kháng thuốc diệt cỏ và kháng sâu. Câu chuyện trừ cỏ, kháng sâu không phải là vấn đề lớn ở Việt Nam. Vì vậy đừng ảo tưởng nghĩ rằng cây trồng BĐG là “thần dược” cứu cánh cho nền nông nghiệp Việt Nam.
Nhìn chung các nhà khoa học không phản đối cây trồng BĐG– một thành tựu mới của ngành Công nghệ sinh học, nhưng quan điểm của giới khoa học, giới nghiên cứu là cần có cách tiếp cận thận trọng, thông minh. Còn tiếp cận vội vàng sẽ dẫn đến những sai lầm và hệ lụy khôn lường.
Chỉ nên trồng cây biến đổi gen khi làm chủ được công nghệ
Hiện nay tất cả các giống ngô Việt Nam có năng suất tiềm năng từ 8-10 tấn, tương đương với năng suất ngô BĐG nước ngoài, nếu xét mục đích trồng để tăng năng suất tại sao nông dân lại phải dùng giống ngô chuyển gen của nước ngoài trong khi giá lại đắt hơn, giống không ưu việt hơn, và phải phụ thuộc vào nguồn giống và không chắc chắn về mặt hiệu quả khi trồng ở Việt Nam?
Chúng ta cần có những tính toán hợp lý, phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của Việt Nam để có cách đi đúng đắn. Cụ thể như cây ngô, chúng ta trồng ngô chủ yếu trên những vùng đất khô hạn trong điều kiện thiếu nước tưới tiêu, có tới 85% diện tích trồng ngô trồng trên vùng đồi núi khô hạn, chính hạn chế này khiến cho năng suất ngô chưa được như kỳ vọng (năng suất bình quân cả nước năm 2013 mới chỉ đạt 4,3 tấn/ha).
Để khắc phục hạn chế đó, chúng ta cần các giống ngô chịu hạn tốt. Tuy nhiên giống ngô BĐG mà các nước đang dùng là để kháng thuốc diệt cỏ và kháng sâu mà chưa có các giống ngô BĐG chống chịu hạn. Kháng thuốc diệt cỏ và kháng sâu (bệnh) không phải là vấn đề gì lớn đối với ngành ngô Việt Nam.
Trong lúc thế giới chưa có các giống ngô BĐG chịu hạn thì Viện nghiên cứu Ngô Việt Nam đã nghiên cứu thành công và mới công bố một số dòng ngô BĐG ở các thế hệ từ T0 – T3, khẳng định có mặt gen chịu hạn HVA1 và Dreb2A qua thí nghiệm PCR, phù hợp với thổ nhưỡng khí hậu và các vùng sinh thái ở Việt Nam, sau khi thực hiện đầy đủ các thủ tục về đánh giá rủi ro về an toàn sinh học, về môi trường, tuân thủ theo luật đa dạng sinh học, sẽ thử nghiệm tại một số vùng sinh thái và đưa ra trồng đại trà.
Ví dụ thứ hai sẽ chứng minh cho việc các giống cây trồng BĐG của nước ngoài không phù hợp với điều kiện trồng ở Việt Nam.
Đó là giống đậu tương BĐG , các giống đậu tương BĐG của nước ngoài là những giống dài ngày có thời gian sinh trưởng kéo dài từ 5-6 tháng mới cho thu hoạch, mỗi năm họ chỉ trồng một vụ. Còn ở Việt Nam với cách thức trồng đậu tương xen giữa 2 vụ lúa với thời gian trồng khoảng 90 ngày, trong điều kiện đó thì các giống đậu tương BĐG nước ngoài không thể trồng ở Việt Nam được.
Nông dân các nước khác mỗi năm chỉ thu hoạch được một vụ đậu tương, trong khi đó nông dân Việt Nam bên cạnh thu hoạch một vụ đậu tương họ còn “bỏ túi” 2 vụ lúa. Nếu xét về mặt năng suất tính theo ngày thì đậu tương Việt Nam không thua kém gì đậu tương BĐG các nước khác đang trồng. Nước có năng suất bình quân đậu tương cao là Mỹ với 2,7 tấn/ha, thu hoạch sau 180 ngày, còn ở Việt Nam năng suất chỉ 1,5 tấn/ha nhưng chỉ trồng trong 75-90 ngày. Đây là bài toán mà chúng ta phải cân nhắc.
Cây trồng BĐG phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu, điều kiện sinh thái ở các nước tạo ra nó (Mỹ, Argentina, Brazil…) nhưng khi đưa về Việt Nam liệu có phù hợp? Một bài học nhãn tiền là Philippines, họ đang trồng ngô BĐG nhưng thay vì đạt năng suất từ 8-10 tấn/ha, năng suất bình quân ngô của nước này chỉ đạt… 3,5 tấn/ha.
Hiện nay ngô lai Việt Nam có năng suất bình quân khoảng 4,3 tấn/ha và năng suất tiềm năng của các giống lai Việt Nam tương đương các giống ngô BĐG thế giới là 8- 10 tấn/ ha. Lỗi trong sản xuất ngô của Việt Nam là do năng suất thấp hơn so với tiền năng năng suất của giống, điều đó là do quy trình kỹ thuật trồng, việc quy hoạch vùng trồng chưa hợp lý chứ không phải do giống, vậy nên thay vì tìm đến với giống ngô BĐG , thiết nghĩ tốt nhất chúng ta nên chú trọng cải thiện khâu tổ chức sản xuất vật tư, quy trình kỹ thuật..) để nâng cao năng suất ngô đúng với tiềm năng của nó.
Cấp phép cho ngô biến đổi gene, giảm áp lực nhập khẩu?
Đáng lo với cây biến đổi gien
Theo Đình Thắng