Vườn sầu riêng tàn lụi
Hàng chục nhà vườn chuyên canh sầu riêng ở xã Long Tiên, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang viết đơn khiếu nại khắp nơi về tình trạng ô nhiễm gây thiệt hại nặng đến vườn sầu riêng của họ...
Vô tư xả thải
Chỉ cách đây 2 năm, mỗi ha sầu riêng ở Long Tiên có thể thu lãi từ 300 - 500 triệu đồng/năm. Vùng này nổi tiếng với giống sầu riêng hạt lép, có thể trồng 250 cây/ha, năng suất 200kg/cây. Nay thì nhà vườn đang méo mặt, thu nhập giảm sút do nguồn nước tưới sầu riêng bị ô nhiễm nặng nề.
Theo đơn khiếu nại của người dân, con kênh cung cấp nước nằm cặp Tỉnh lộ 868 bị hàng trăm ngôi nhà không phép xây đè lên nên 2 năm nay không thể nạo vét thông dòng, bị bồi lắng. Ngoài ra, cả ngàn người dân sống trong các ngôi nhà xây không phép đã xả chất thải sinh hoạt xuống lòng kênh, gây ô nhiễm.
Ông Đào Hữu Hiệp ngụ ấp Mỹ Lợi A, xã Long Tiên bức xúc: “4 anh em tôi trồng 3ha sầu riêng. Vườn cây đang thời kỳ cho trái sung nhất giờ xơ xác, nhiều cây chết khô do nguồn nước ô nhiễm gây ra. Vài lần chúng tôi thử lội xuống kênh để dọn lục bình, vét bùn thông dòng nhưng nước kênh hôi thối, ngứa không chịu nổi.
Do kênh hẹp, nhà trái phép nằm đè phía trên nên muốn nạo vét bằng cơ giới cũng chịu thua”. Theo người dân xã Long Tiên, họ nhiều lần viết đơn gửi lên huyện, lên tỉnh kêu cứu về tình trạng ô nhiễm từ nhà không phép mọc tràn lan. Thế nhưng, càng kêu cứu thì nhà không phép mọc lên càng nhiều.
Chờ dẹp nhà không
phép
Anh Võ Văn Cận - người trồng 0,6ha sầu riêng cho biết, tưới nước dưới kênh, cây suy dần dần, sau đó rụng trụi lá rồi chết. Theo anh Cận, nhà trái phép được nhiều nhóm thợ thi công kiểu “thần đèn”, chuyên xây vào ban đêm để né chính quyền xã. “Trước đây, nhà nước thu hồi đất làm đường nhựa, đã bồi thường tiền đất đầy đủ cho dân. Thế nhưng chủ cũ vẫn ngang nhiên bán lề đường với giá 5 triệu đồng/mét ngang bằng giấy tay. Có lề đường, người mua sẽ đóng cọc xuống kênh rồi xây nhà” - ông Hiệp cho biết.
Ông Trần Văn Bé Tư - Trưởng Công an xã Long Tiên cho biết: “Chúng tôi đã lập danh sách báo về huyện đề nghị xử lý, vì thẩm quyền của xã không thể cưỡng chế tháo dỡ. Trước mắt, sẽ có một số nhà không phép bị cưỡng chế điểm. Những căn nhà còn lại, chúng tôi vận động người dân tự tháo dỡ”.
Theo bà Nguyễn Thị Thủy - Phó Chánh văn phòng UBND huyện Cai Lậy, huyện đã nhiều lần nhận đơn khiếu nại của người dân về tình trạng dòng kênh ô nhiễm gây thiệt hại vườn sầu riêng của họ. “Do cấp xã làm không nghiêm nên sắp tới cấp huyện sẽ phải tổ chức cưỡng chế những căn nhà không phép này”- bà Thủy nói.