XNK nông lâm thủy sản: Kỳ vọng hồi phục
Tại cuộc họp báo của Bộ NN-PTNT sáng 5/8, rất nhiều câu hỏi được đặt ra xung quanh câu chuyện XK tôm, cá tra, nhãn… và chuyện NK gà giá rẻ từ Mỹ.
- 27-06-20156 tháng, xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt hơn 14 tỷ USD
- 07-06-2015Hàng nông, thủy sản Việt Nam đã có những đối thủ cạnh tranh
- 05-05-2015Nông, lâm, thủy sản tồn ứ: Xúc tiến thương mại ở đâu?
Bộ NN-PTNT cho biết, tổng kim ngạch XK nông lâm thủy sản 7 tháng ước đạt gần 16,93 tỷ USD, giảm 3,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, XK thủy sản chỉ đạt gần 3,5 tỷ USD, giảm đến 17% so cùng kỳ.
Ông Trần Quốc Tuấn, Phó chánh VP Bộ NN-PTNT cho biết, trong tháng 7, XK các mặt hàng nông lâm thủy sản tiếp tục gặp khó khăn, giá trị XK ước đạt 2,47 tỷ USD, giảm 273 triệu USD (gần 10%) so với tháng 6/2015 và giảm 223 triệu USD (8,3%) so với tháng 7/2014.
Tính tổng 7 tháng, kim ngạch XK các mặt hàng nông sản chính ước đạt trên 8,2 tỷ USD, giảm 5,7% so với cùng kỳ năm 2014; XK thủy sản đạt gần 3,5 tỷ USD, giảm 17%. Tổng kim ngạch XK nông lâm thủy sản 7 tháng ước đạt gần 16,93 tỷ USD, giảm 3,6% so với cùng kỳ năm trước. Thặng dư thương mại toàn ngành đạt gần 3,6 tỷ USD, giảm đến 29,7% so với cùng kỳ.
Nguyên nhân được nhận định là do nguồn cung các mặt hàng nông thủy sản trên thế giới dồi dào, dẫn đến tính cạnh tranh gay gắt. Chẳng hạn như XK gạo của Việt Nam phải cạnh tranh dữ dội với Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan; trong khi các thị trường chủ lực như Trung Quốc, Malaysia, Indonesia… đang “đóng băng”, những thị trường xa thì chưa có dấu hiệu khởi sắc.
Đối với XK tôm, Việt Nam phải căng sức với Thái Lan, Ấn Độ, bởi 2 nước này có sản lượng tôm phục hồi khá mạnh. Có thể nói, những thị trường lớn của nước ta như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản đều giảm nhu cầu NK, trong khi một số thị trường mới, thị trường tiềm năng thì chưa phát huy. Mặt khác, do tác động của giá dầu thô trên thế giới giảm, đồng USD tăng… khiến việc XK nông thủy sản không như mong muốn.
“Từ nay đến cuối năm, tuy biến động của thị trường là khó dự đoán, nhưng chúng tôi cho rằng nhu cầu tiêu thụ tôm nói riêng, thủy sản nói chung của thị trường thế giới sẽ tăng lên. Do đó, phải tập trung phát triển tôm sú vì tôm sú có giá thành SX thấp hơn tôm thẻ, ít rủi ro về dịch bệnh, cạnh tranh trong phân khúc thị trường này cũng ít hơn”, ông Tuấn phân tích.
Về XK cá tra theo Nghị định 36, ông Tuấn cho rằng, việc một số DN kêu khó, bị cản trở khi áp nghị định này để XK dẫn tới kim ngạch giảm là không có cơ sở. “DN cho rằng hàm lượng ẩm, tỷ lệ mạ băng trên sản phẩm cá tra là do thị trường quyết định, không nên ràng buộc hàm lượng ẩm dưới 83% và tỷ lệ mạ băng không quá 10%. Tuy nhiên, điều này chỉ đúng một phần.
Thứ nhất, Chính phủ đồng ý áp dụng điều khoản này kể từ đầu năm 2016. Như vậy, nói tỷ lệ này cản trở DN XK là vô căn cứ. Ngoài ra, DN chỉ bán cho đầu mối NK của nước ngoài, chứ không bán tận tay người tiêu dùng. Do đó, người tiêu dùng nước ngoài không thể bỏ tiền ra để mua cá tra của Việt Nam mà sản phẩm này toàn là nước”, ông Tuấn cho hay.
Như vậy, việc áp dụng Nghị định 36 trong chế biến và XK cá tra là hoàn toàn đúng, với mục đích thay đổi hình ảnh cá tra của Việt Nam đối với người tiêu dùng nước ngoài, hướng đến việc chế biến và XK thủy sản bền vững.
Một vấn đề thời sự nữa, đó là XK nhãn tới một số thị trường như Mỹ, Nhật Bản và Úc. Ông Hoàng Trung, Phó Cục trưởng Cục BVTV cho biết, hiện Cục đang kiểm tra 2 mã số để cấp cho Hưng Yên và Hà Nội. “Một số DN, nhất là DN có kinh nghiệm như Cty Rồng Đỏ, Cty Ánh Dương Sao… đang muốn tiếp tục phối hợp với các địa phương để XK nhãn sang Mỹ, nối tiếp thành công từ việc XK vải thiều thời gian vừa qua. Riêng Cty Ánh Dương Sao hiện đang xuất nhãn ở các tỉnh phía Nam với sản lượng 50-100 tấn/tháng, qua đường biển”, ông Trung thông tin.
“Tuy còn nhiều khó khăn, song qua đánh giá, một số lĩnh vực SX như: trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp và thủy sản đã có nhiều chuyển biến tích cực; XK đã có xu hướng tăng trở lại, góp phần thúc đẩy SX hàng hóa phát triển. Từ nay đến cuối năm, kỳ vọng SX và XK nông lâm thủy sản của ngành sẽ phục hồi và phát triển”, ông Trần Quốc Tuấn nói.
Riêng về việc NK thịt gà từ Mỹ với giá cực rẻ, khoảng 1 USD/kg, dư luận hiện đang hết sức lo ngại chất lượng của sản phẩm này. Ngoài ra, việc NK này có nguy cơ “giết chết” ngành chăn nuôi trong nước. Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho hay, từ đầu năm đến nay, đã có 66 nghìn tấn thịt gà được NK vào Việt Nam, trong đó đùi gà chiếm tỷ lệ lớn, 56%.
“Chúng tôi đã cho kiểm tra, thực chất, hiện giá ở Mỹ khoảng 3-3,3 USD/kg đối với thịt ức, là sản phẩm chính phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng Mỹ. Thịt đùi, cổ, cánh, chân giá thấp hơn, nhưng với giá 1 USD, tức là khoảng 22 nghìn đồng/kg, thì cũng rất bất ngờ”, ông Trọng nói.
Câu hỏi đặt ra là, có gian lận thương mại hay không? hoặc chất lượng sản phẩm thế nào? Theo ông Phùng Hữu Hào, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản và nghề muối, không loại trừ trường hợp sản phẩm thịt gà NK về Việt Nam đã gần hết hạn hoặc gà có xuất xứ từ vùng dịch. Hiện Cục đang phối hợp với Cục Thú y và một số cơ quan liên quan để làm rõ vấn đề này.
Loại dần kháng sinh ra khỏi TĂCN
Ông Trần Quốc Tuấn cho biết, về quản lý kháng sinh và chất cấm trong chăn nuôi, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã giao cho Cục Chăn nuôi rà soát, sửa đổi Thông tư 81 theo hướng cấm trộn kháng sinh trong thức ăn, và cấm theo lộ trình.
“Kháng sinh trong TĂCN có 2 mục đích là phòng bệnh, kích thích sinh trưởng. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, nếu ngày nào cũng đưa kháng sinh vào, thì từ khi nuôi đến khi giết mổ sẽ tồn dư lượng lớn kháng sinh, gây ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng.
Bộ Y tế đã giới hạn mức kháng sinh trong thực phẩm, trên cơ sở đó, Cục Chăn nuôi đưa ra quy chuẩn, nhằm dần hạn chế, loại kháng sinh ra khỏi TĂCN”, ông Tuấn cho biết.
Nông nghiệp Việt Nam